Cần xử nghiêm cán bộ gây tai nạn bỏ chạy để làm gương
Theo thông tin ban đầu, khoảng 16 giờ 25 phút ngày 26/6, ông Mai Như Vệ (54 tuổi, ngụ phường Tân Bình, TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước), Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Hoàng Diệu, Cục Hải quan tỉnh Bình Phước, điều khiển ô tô Honda CR-V, mang biển số 93A-160.78 lưu thông trên đường ĐT.759, hướng từ huyện Bù Đốp (Bình Phước) đi TP Hồ Chí Minh.
Khi đến thôn Bình Tân, xã Phước Minh, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước, thì bất ngờ xe ô tô này tông trực diện vào xe máy mang biển số 93H1-202.42, do bà Phạm Thị Năm (36 tuổi, ngụ xã Phước Minh, huyện Bù Gia Mập) điều khiển lưu thông theo hướng ngược lại.
Cú tông quá mạnh làm bà Năm bị ngã văng ra đường, bị thương nặng phải đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước. Xe máy bị hư hỏng nặng, xe ô tô của ông Vệ hư hỏng phần đầu.
Sau khi tai nạn xảy ra, ông Vệ tiếp tục điều khiển ô tô chạy khoảng 5 km đến thôn Bình Lợi, xã Phước Minh, huyện Bù Gia Mập thì bị người dân đuổi theo chặn lại mới dừng xe.
Ông Vệ cùng phương tiện gây tai nạn sau đó được bàn giao cho công an huyện Bù Gia Mập lập biên bản xử lý. Qua kiểm tra nồng độ cồn, lực lượng chức năng phát hiện ông Vệ vi phạm về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông.
Toàn bộ vụ tai nạn giao thông đã được camera an ninh của người dân và người tham gia giao thông ghi lại. Vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.
Tạm dừng bay 20 phi công Pakistan đang làm việc tại Việt Nam
Trao đổi với phóng viên TTXVN chiều 27/6, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải, Cục đã rà soát và tạm đình chỉ (dừng bay) tất cả phi công Pakistan đang làm việc tại một số hãng hàng không Việt Nam.
“Hiện có 20 người bị tạm đình chỉ, tất cả đều là phi công có quốc tịch Pakistan và được cấp bằng tại nước này. Những phi công này đang làm việc tại một số hãng hàng không ở Việt Nam”, ông Đinh Việt Thắng cho hay.
Cục trưởng Đinh Việt Thắng thông tin thêm, không có trường hợp phi công lấy chứng chỉ từ Pakistan là công dân nước khác. Hiện, Cục Hàng không Việt Nam đang đợi kết quả rà soát từ nhà chức trách hàng không Pakistan để xác định xem 20 người này có ai sử dụng bằng giả hay không. Các trường hợp có bằng lái hợp pháp sẽ được tiếp tục bay trở lại.
Hiện nay, số phi công nước ngoài đang làm việc cho các hãng bay trong nước (Vietnam Airlines, Vasco, Vietjet Air, Jetstar, Bamboo Airways) lên tới hàng nghìn người.
Trao đổi với phóng viên về quy trình tuyển chọn phi công nước ngoài làm việc tại các hãng hàng không Việt Nam, Cục trưởng Đinh Việt Thắng cho biết, phi công học ở nước nào thì phải thi lấy chứng chỉ và bằng tại nước đó. Cụ thể, khi phi công nước ngoài sang Việt Nam làm việc thì phải có công đoạn chuyển bằng của phi công đó sang bằng Việt Nam. Tuy nhiên, để chuyển đổi bằng này sang bằng được Việt Nam công nhận thì các phi công này phải trải qua quá trình sát hạch của Cục Hàng không Việt Nam.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam rà soát lực lượng phi công nước ngoài đang làm việc tại các hãng hàng không Việt Nam sau khi có thông tin nhà chức trách hàng không Pakistan phát hiện 250 phi công Pakistan dùng bằng lái máy bay giả mạo.
Để đảm bảo tuyệt đối an toàn hàng không, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam rà soát và cấm ngay việc thực hiện nhiệm vụ bay của toàn bộ các phi công quốc tịch Pakistan, phi công người nước ngoài (đang làm việc cho các hãng hàng không Việt Nam) sử dụng bằng cấp, chứng chỉ (nghi vấn giả mạo) do Pakistan cấp.
Cục Hàng không Việt Nam cũng được yêu cầu rà soát, tạm dừng nhiệm vụ bay đối với các phi công quốc tịch Pakistan đang làm việc cho các hãng hàng không của Việt Nam để kiểm tra tính xác thực của bằng cấp, chứng chỉ; Rà soát, xác minh tính xác thực đối với bằng cấp, chứng chỉ của tất cả các phi công người nước ngoài đang làm việc cho các hãng hàng không Việt Nam và xử lý đối với các trường hợp có dấu hiệu sử dụng bằng cấp, chứng chỉ giả mạo. Kết quả rà soát phải được báo cáo về Bộ Giao thông Vận tải trước ngày 31/7/2020.
Như TTXVN đưa tin trước đó, ngày 26/6/2020, Bộ trưởng Hàng không Pakistan Ghulam Sarwar Khan thông báo, cơ quan hàng không dân dụng nước này đã quyết định cấm bay đối với 262 phi công bị nghi ngờ gian lận trong các cuộc thi năng lực bay, sau một vụ điều tra gây quan ngại toàn cầu.
Theo Bộ trưởng Khan, nhà chức trách Pakistan đã tiến hành điều tra sự cấu kết giữa các phi công và giới chức hàng không dân sự nước này trong giai đoạn từ cuối năm 2018 đến nay. Ông cho hay toàn bộ phi công bị cấm bay đã có từ 1 loại chứng chỉ bay trở lên do người khác thi hộ, thậm chí cá biệt có những trường hợp là toàn bộ 8 loại chứng chỉ.
Quyết định điều tra được đưa ra sau khi một báo cáo sơ bộ về vụ tai nạn máy bay ở Karachi hồi tháng trước cho biết, các phi công đã không tuân thủ quy định bay tiêu chuẩn và phớt lờ cảnh báo.
Siết chặn giao dịch tài chính, ‘rửa tiền’ cờ bạc qua ngân hàng
Các kiểu đánh bạc trá hình dưới hình thức trò chơi trực tuyến vẫn hút lượng người lớn chơi. Theo một số chuyên gia tài chính, để xử lý triệt để tội phạm cờ bạc trực tuyến nở rộ lâu nay, mấu chốt là phải siết chặn giao dịch tài chính, "rửa tiền" cờ bạc qua hệ thống ngân hàng.
Đại diện Cục An ninh kinh tế (Bộ Công an) cho biết: Hiện, các phương thức rửa tiền rất đa dạng: Rửa tiền thông qua đầu tư nước ngoài; thông qua công ty bảo hiểm; tửa tiền bằng cách sử dụng hóa đơn, chứng từ giả, tại các sòng bạc, qua xổ số và cá cược hợp pháp, qua đầu tư chứng khoán và cả hệ thống ngân hàng.
Mới đây nhất, lực lượng công an TP Hà Nội và Cục An ninh mạng (Bộ Công an) đã triệt phá thành công đường dây đánh bạc trực tuyến cực lớn. Sau 2 năm hoạt động, đường dây này có tổng số tiền giao dịch lên tới 64.000 tỷ đồng. Trong quá trình điều tra, cơ quan công an đã bắt giữ Trương Ngọc Tú (sinh năm 1983, ở Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội) cùng 15 đối tượng khác để điều tra về hành vi “Tổ chức đánh bạc và đánh bạc”.
Theo Phòng Cảnh sát hình sự, thông qua trò chơi “Nổ hũ” được mô phỏng theo hình thức đánh tá lả, tôm cua cá, xóc đĩa... người chơi phải nạp tiền vào hệ thống các đại lý do Tú làm chủ để lấy điểm, cá cược rồi đổi điểm qua trò chơi để lấy tiền thật. Hồ sơ điều tra ban đầu cho biết, đã có hàng triệu tài khoản được đăng ký tham gia đánh bạc với 24 đại lý cấp 1 và hàng trăm đại lý cấp 2.
Khi tiến hành kiểm tra các địa điểm mà đường dây do Tú cùng các đối tượng khác hoạt động, lực lượng chức năng đã thu giữ 34 điện thoại các loại, 23 thẻ ATM, 5 máy tính, hàng trăm sim điện thoại... được dùng để phục vụ cho hoạt động tội phạm.
Thời gian qua, hàng loạt các game bài ảo ăn tiền thật bị đánh sập, nhiều kẻ cố tình vi phạm pháp luật hoặc bảo kê bị tra tay vào còng, nhưng do nguồn lợi thu về quá lớn, nhiều "sới bạc" núp bóng trò chơi trực tuyến vẫn ngang nhiên hoạt động. Để xử lý triệt để tội phạm cờ bạc trực tuyến nở rộ lâu nay, mấu chốt là phải siết chặn giao dịch tài chính, "rửa tiền" cờ bạc qua hệ thống ngân hàng.
Theo luật sư Trương Anh Tú (Chủ tịch TAT Law firm), pháp luật Việt Nam đã nghiêm cấm hành vi đánh bạc và tổ chức đánh bạc dưới bất kì hình thức nào. Thực tế, các hình phạt đối với hành vi vi phạm này là khá nghiêm khắc. Song, với nguồn lợi nhuận lớn có thể đạt được, các cá nhân tổ chức vẫn bất chấp quy định pháp luật mà ngang nhiên kinh doanh hoạt động trò chơi cờ bạc thông qua hình thức "núp bóng" game online.
Mặc dù công tác quản lý, triệt phá các đường dây đánh bạc của các cơ quan chức năng, lực lượng công an là khá tốt nhưng vẫn chưa thực sự triệt để. Dường như sau các đợt kiểm tra, xử lý các "game bài online" trái pháp luật, những trò chơi online đổi thưởng mới lại "mọc lên" ngày càng nhiều hơn, đặc biệt là công nghệ phát triển nhanh như hiện nay thì thủ đoạn trá hình ngày càng tinh vi.
Theo ông Trương Anh Tú, để giải quyết triệt để vấn đề này, cần có các giải pháp để "chữa tận gốc vấn đề". Điểm chung của những vụ án đánh bài trực tuyến đều là lợi dụng các ví điện tử, hệ thống ngân hàng để kinh doanh đổi thưởng, ngăn chặn hoạt động rửa tiền.
Nếu như game đánh bạc trực tuyến này chỉ đơn giản là một trò chơi, mang tính chất giải trí và không có mục đích lợi nhuận, đổi tiền ảo thành tiền thật thì hoàn toàn hợp pháp. Vì vậy, để ngăn chặn vấn nạn cờ bạc online như hiện nay, giải pháp tối ưu và là mấu chốt của vấn đề là quản lý chặt các giao dịch tài chính qua hệ thống ngân hàng.
Khoản 13 Điều 4 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định: "Chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng chính sách, kế hoạch và tổ chức thực hiện phòng, chống rửa tiền". Bên cạnh đó, Điều 11 Luật các tổ chức tín dụng (TCTD) ghi nhận: "TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trách nhiệm sau đây: Không được che giấu, thực hiện hoạt động kinh doanh liên quan đến khoản tiền đã có bằng chứng về nguồn gốc bất hợp pháp. Xây dựng quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố. Thực hiện các biện pháp phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố". Các ngân hàng có trách nhiệm hợp tác với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc điều tra hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố.
Như vậy, pháp luật đã có quy định cụ thể về chức năng phòng chống rửa tiền của ngân hàng. Thông thường, các ngân hàng sẽ có phòng ban về phòng chống rửa tiền với các chức năng hiện đại hóa công tác sàng lọc giao dịch, phát hiện, xử lý giao dịch đáng ngờ và công tác rà soát theo danh sách liên quan đến cấm vận, trừng phạt.
Trong các vụ việc game bài trực tuyến, ngân hàng đóng vai trò là "cầu nối" thanh toán và giao dịch giữa các đối tượng liên quan trong hoạt động cờ bạc trực tuyến. Cụ thể: Để thực hiện được hành vi đánh bạc, người chơi có tài khoản được mở tại ngân hàng. Sau khi mở tài khoản chơi game, người chơi sẽ thông qua ngân hàng đổi tiền thật thành tiền ảo, nếu thắng đại lý sẽ thu mua tiền ảo bằng tiền thật và chuyển về tài khoản người chơi thông qua ngân hàng. Đây là một trong những công cụ phổ biến để các tội phạm thực hiện hành vi rửa tiền.
Vì vậy theo ý kiến của nhiều luật sư, hệ thống giao dịch của ngân hàng cần tăng cường kiểm tra, giám sát, cảnh báo phát hiện những giao dịch đáng ngờ. Khi phát hiện giao dịch đáng ngờ, ngân hàng cần phải báo cáo và áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật về phòng chống rửa tiền. Ngược lại, nếu không thực hiện hoạt động báo cáo, áp dụng các biện pháp ngăn chặn thì ngân hàng đã có dấu hiệu tiếp tay cho hoạt động rửa tiền, có khả năng còn phải chịu trách nhiệm hình sự do đồng phạm theo quy định Bộ luật hình sự.
Nghị định 116/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống rửa tiền: "Tổ chức tài chính phải áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng khi khách hàng thực hiện giao dịch không thường xuyên có giá trị lớn; khi nghi ngờ giao dịch hoặc các bên liên quan đến hoạt động rửa tiền"
Tăng cường kiểm soát các ổ dịch bạch hầu tại Đắk Nông
Từ đầu tháng 6/2020 đến nay, tỉnh Đắk Nông ghi nhận 12 trường hợp mắc bệnh bạch hầu tại huyện Krông Nô và huyện Đắk Glong, trong đó đã có trường hợp tử vong.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh tại tỉnh Đắk Nông, để chủ động phòng chống dịch bệnh bạch hầu, không để dịch bùng phát, lan rộng, ngày 26/6/2020, Bộ Y tế đã có công văn 3476/BYT-DT gửi UBND tỉnh Đắk Nông về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh bạch hầu.
Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo Sở Y tế triển khai công tác kiểm soát dịch bệnh tại các ổ dịch bạch hầu, tăng cường các hoạt động giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp mắc mới, ổ dịch mới phát sinh; cách ly kịp thời các trường hợp mắc, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lan rộng và kéo dài; điều trị kháng sinh dự phòng cho tất cả các trường hợp tiếp xúc gần và có nguy cơ, thực hiện tốt công tác thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, hạn chế đến mức thấp nhất số biến chứng nặng và tử vong.
Bên cạnh đó, Sở Y tế tổ chức ngay các lớp tập huấn cho cán bộ y tế về công tác giám sát, phòng chống dịch bệnh, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc bệnh nhân; tiêm vắc xin phòng chống bệnh bạch hầu tại khu vực ổ dịch; rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu hoặc tiêm chưa đầy đủ để tổ chức tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh bạch hầu, đảm bảo cho trẻ được tiêm đủ mũi, đạt tỷ lệ tiêm chủng trên 95% ở tất cả các xã, phường, thị trấn đặc biệt tại các vùng núi, vùng sâu, vùng xa, nơi tiếp cận với dịch vụ y tế còn hạn chế.
Sở Y tế xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện tiêm bổ sung vắc xin Uốn ván - Bạch hầu giảm liều (Td) đã được phê duyệt tại Quyết định số 2155/QĐ-BYT ngày 25/5/2020 của Bộ Y tế; tiến hành vệ sinh môi trường, khử khuẩn tại khu vực ổ dịch.
Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai mạnh mẽ các hoạt động vệ sinh phòng bệnh tại các cơ sở giáo dục, các trường học, lớp học, nhà trẻ đảm bảo môi trường thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng; tổ chức việc theo dõi sức khỏe của trẻ em tại các trường mầm non, trường tiểu học và trung học cơ sở, thông báo cho các cơ sở y tế khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh (sốt kèm theo đau họng, ho hoặc khàn tiếng) để được cách ly, xử lý kịp thời, không để bùng phát ổ dịch...
Tỉnh Đắk Nông tổ chức các đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo kịp thời công tác phòng chống dịch bệnh; tập trung các biện pháp để chủ động phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh bạch hầu.