“Một thảm kịch nhân đạo nghiêm trọng”
Ngày 1/11, Đại sứ quán Việt Nam tại Anh cho biết, cảnh sát hạt Essex vừa thông báo có nạn nhân người Việt, chưa xác định danh tính cụ thể trong vụ 39 người thiệt mạng trên một xe tải tại Đông Bắc London, Anh.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Đây là một thảm kịch nhân đạo nghiêm trọng. Chúng tôi hết sức đau lòng và xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình các nạn nhân và mong họ sớm vượt qua những đau thương, mất mát to lớn này”.
Ngay từ đầu vụ việc, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Cục Lãnh sự và Đại sứ quán Việt Nam tại Anh phối hợp trực tiếp với các cơ quan chức năng, các địa phương Việt Nam và Anh, cung cấp thông tin liên quan từ Việt Nam để hỗ trợ xác nhận quốc tịch nạn nhân, mở đường dây nóng, tiếp nhận thông tin và sẵn sàng các biện pháp bảo hộ trong trường hợp có nạn nhân là công dân Việt Nam. Đại sứ quán cũng đã chuyển kết quả nhận dạng nạn nhân từ cảnh sát Anh cho các cơ quan chức năng Việt Nam để kiểm tra chéo. Hiện Bộ Công an Việt Nam và các cơ quan cảnh sát Anh đang nỗ lực phối hợp tích cực xác minh danh tính các nạn nhân, nghi là người mang quốc tịch Việt Nam và sớm công bố thông tin. Việt Nam lên án mạnh mẽ các hành vi mua bán người, coi đây là tội phạm nghiêm trọng và phải bị trừng trị đích đáng. Việt Nam kêu gọi các quốc gia trong khu vực và trên thế giới đẩy mạnh hợp tác phòng, chống tội phạm mua bán người, không để tái diễn những thảm kịch đau lòng tương tự.
“Chúng tôi cảm ơn và đánh giá cao chính phủ Anh, các cơ quan liên quan và địa phương của Anh đã tích cực triển khai khám nghiệm, cung cấp thông tin về nhận dạng và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng Việt Nam trong thời gian qua. Chúng tôi hy vọng phía Anh sớm hoàn tất điều tra vụ việc, nghiêm trị những kẻ phải chịu trách nhiệm về thảm kịch này”, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói.
Được biết, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam 1 đối tượng; bắt khẩn cấp 1 đối tượng, tạm giữ, triệu tập lấy lời khai một số đối tượng liên quan đến hành vi “Tổ chức, môi giới người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép” xảy ra trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Đề nghị thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Xăng dầu
Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương vừa tiến hạnh kỳ họp 40 dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Tại kỳ họp này, UBKT Trung ương xem xét thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam về các vi phạm đã được kết luận tại kỳ họp 39 của UBKT Trung ương.
Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm; căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên: UBKT Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật đồng chí Bùi Ngọc Bảo, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐQT, nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn; đề nghị Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam nhiệm kỳ 2010 - 2015. UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với đồng chí Nguyễn Quang Tuấn, nguyên Đảng ủy viên, nguyên Bí thư Chi bộ, nguyên Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Petrolimex Singapore; cảnh cáo đối với đồng chí Trần Văn Thịnh, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Ủy viên HĐQT, nguyên Tổng giám đốc; khiển trách đối với đồng chí Trần Minh Hải, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy và đồng chí Nguyễn Thanh Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Ủy viên HĐQT, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam.
Cũng tại kỳ họp này, UBKT Trung ương đã xem xét, kết luận nhiều nội dung quan trọng khác.
Cần thêm chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư cho vùng DTTS
Trong phiên thảo luận tại hội trường về Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn, nhiều đại biểu Quốc hội có ý kiến xem xét tính hiệu quả của 118 chính sách mà đồng bào đang thụ hưởng.
Nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao việc xây dựng Đề án đã thể hiện sự chăm lo đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào DTTS&MN. Đại biểu Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An) cho rằng, Đề án đã đánh giá một cách toàn diện, khách quan thực trạng và đề ra các giải pháp đảm bảo tính lý luận, thực tiễn cao. Đồng tình với tiêu chí phân loại thôn, xã đặc biệt khó khăn được thể hiện trong Đề án. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo Đề án quan tâm xem xét thêm về nội dung đối với loại xã ở vùng trọng điểm có công trình quốc phòng đặc biệt mà chưa đạt tiêu chí như Đề án nêu. Các xã này thường nằm trong diện quản lý rất chặt chẽ về mọi mặt, không được đầu tư khai thác mà luôn được bảo tồn để xây dựng thế trận lòng dân.
“Tuy Nhà nước đã có nhiều sự quan tâm nhưng ở chừng mực nào đó còn những khó khăn. Nếu không để cho các xã này được thụ hưởng các chính sách đầu tư của Đề án, xã khó có khả năng phát triển theo kịp các địa phương khác. Người dân và cán bộ ở đó sẽ rất bị thiệt thòi”, đại biểu Hoàng Thị Thu Trang khẳng định.
Để phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS&MN, các đại biểu Quốc hội cho rằng, Đảng, Nhà nước cần đánh thức được tiềm năng, phát huy được lợi thế của vùng, giúp đồng bào khơi dậy nội lực làm giàu, làm chủ chính trên mảnh đất của mình. Trong đó, việc phát triển hạ tầng thiết yếu, nhất là hạ tầng giao thông và thông tin kết nối, phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo thu nhập là vấn đề đặc biệt quan trọng. Đối với việc phát triển hạ tầng, đại biểu tán thành với dự thảo Đề án.
Về vấn đề tạo sinh kế, từ thực tế địa phương, nhiều đại biểu cho rằng, cần tập trung ở một số vùng sâu, vùng xa, có chính sách hỗ trợ đồng bào xây dựng các mô hình kinh tế hộ gia đình gắn với đặc thù của vùng miền núi như: chăn nuôi, trồng trọt một số cây, con chủ lực... bởi những mô hình kinh tế này không cần đầu tư lớn, có thể tận dụng sức lao động, “lấy công làm lãi”; thay đổi bộ mặt cảnh quan nông thôn miền núi, mang lại giá trị về kinh tế bền vững, thường xuyên. Đề xuất giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS, đại biểu Quốc hội cho rằng, cần có chính sách thu hút những doanh nghiệp, dự án nhà máy sử dụng nhiều lao động địa phương và hỗ trợ khởi sự kinh doanh khởi nghiệp.
Từ thực tế thành công của một số doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An như chăn nuôi bò sữa, chế biến gỗ, trồng và chế biến dược liệu…, đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An đề xuất cần hỗ trợ đầu tư, thu hút những mô hình doanh nghiệp theo hướng doanh nghiệp là trung tâm, người dân là vệ tinh xung quanh doanh nghiệp. “Ở đó, doanh nghiệp vừa sản xuất một phần, nhưng vẫn đầu tư giống và hướng dẫn kỹ thuật để người dân sản xuất, chăn nuôi, sau đó thu mua, chế biến sản phẩm của bà con”, đại biểu Trang nêu ví dụ. Với mô hình này, có thể sẽ không sử dụng nhiều lao động địa phương như khung 70% mà dự thảo Đề án đặt ra, nhưng vẫn giúp được người nông dân có việc làm với tư cách làm chủ trên mảnh đất của mình. “Cái hay của mô hình này là doanh nghiệp không sử dụng quá nhiều đất đai”, đại biểu Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An) góp ý thêm.
Các đại biểu thống nhất cho rằng, để thay đổi bộ mặt vùng miền núi, cần thu hút các dự án lớn. Tuy nhiên, tổng kết của Chính phủ qua 3 năm 2016 - 2018, Việt Nam đã thu hút được 4.699 dự án đầu tư, nhưng những dự án này chủ yếu ở vùng đô thị, ven đô thị, ở địa bàn xã khu vực hai và khu vực ba hầu như không có. Để có được những dự án lớn đầu tư làm thay đổi bộ mặt vùng miền núi, cần rất nhiều vốn và thời gian hoạt động của dự án rất dài. Do đó, các đại biểu cho rằng, ngoài những chính sách hỗ trợ như dự thảo Đề án đã nêu, cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận với các nguồn vốn vay nước ngoài nhằm thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nước ngoài. Đặc biệt, cần cam kết đảm bảo tính bền vững của các chính sách cho các dự án lớn để doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào những vùng khó khăn này.
Bão số 5 và hoàn lưu sau bão gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng
Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, bão số 5 và hoàn lưu bão gây nhiều thiệt hại tại các địa phương. Tính đến 8 giờ ngày 1/11, bão số 5 và hoàn lưu sau bão đã làm một người mất tích, 14 người bị thương tại tỉnh Quảng Ngãi; 2.114 ngôi nhà hư hỏng, 200 ngôi nhà bị ngập; ba tàu vận tải bị mắc cạn tại tỉnh Bình Định; trong đó hai tàu đã được lai kéo, một tàu đang tiếp tục lai kéo; 79 tàu, thuyền khai thác thủy sản bị hư hỏng.
Về nông nghiệp, 218 ha lúa của tỉnh Phú Yên bị thiệt hại; 5.303 ha hoa màu bị thiệt hại, 72 ha nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, thiệt hại; 23.172 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi. Tại Bình Định, 2.000 m kè biển bị sạt lở, 200 m kè biển Nhơn Hải bị hư hỏng nặng, tuyến đê Đông bị sạt mái hạ lưu 127 m, một đập tràn bị trôi. Hai tỉnh Bình Định, Phú Yên có 6.807 m kênh mương bị hư hỏng. Mưa bão đã gây sạt lở ở các tỉnh: Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Khánh Hòa.... Nhiều huyện thuộc các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên bị sự cố và mất điện.
Đến 7 giờ ngày 1/11, tỉnh Phú Yên đã khắc phục được 85% các sự cố, còn 9 xã dự kiến trong ngày sẽ khắc phục xong. Tỉnh Bình Định đã khắc phục được hơn 60%. Tỉnh Quảng Ngãi khắc phục được 90%. Tại các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, tổng cộng có 35 điểm trường học bị hư hỏng…