Nỗ lực giảm thiểu vi phạm về động vật hoang dã ở Việt Nam

Một trong những nỗ lực nhằm giảm thiểu vi phạm về động vật hoang dã tại Việt Nam là xây dựng và thực hiện chương trình đánh giá mức độ phổ biến của các vi phạm về động vật hoang dã trên địa bàn các tỉnh, thành phố lớn, cũng như đánh giá hiệu quả xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng.

Chú thích ảnh
Đội ngũ bác sĩ, chuyên gia của Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã thăm khám sức khỏe cho cá thể gấu bị nuôi nhốt 15 năm ở tỉnh Bình Dương. Ảnh: Nguyễn Văn Việt/TTXVN

Những kết quả nổi bật

Từ năm 2013 Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên đã xây dựng và thực hiện chương trình đánh giá mức độ phổ biến của các vi phạm về động vật hoang dã tại 42 quận, huyện của chín tỉnh, thành phố lớn với tổng số 12.840 cơ sở kinh doanh đã được khảo sát, gồm nhà hàng, quán rượu, hiệu thuốc y học cổ truyền, cửa hàng bán thú cảnh, khách sạn và chợ.

Trong tháng 4/2019, Trung tâm công bố kết quả khảo sát giai đoạn 2017-2018 với 4.112 cơ sở kinh doanh về vi phạm động vật hoang dã tại sáu tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Thừa Thiên-Huế, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bà Rịa-Vũng Tàu. Trong đó, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có số lượng cơ sở được khảo sát nhiều nhất (Hà Nội - 1.644 cơ sở và Thành phố Hồ Chí Minh - 1.119 cơ sở).

Theo đó, Cần Thơ có tỷ lệ cơ sở phát hiện dấu hiệu vi phạm về động vật hoang dã cao nhất là 16% tổng số cơ sở được khảo sát, Thành phố Hồ Chí Minh và Thừa Thiên-Huế thấp nhất, lần lượt ở mức 8% và 7%, Khánh Hòa - 13%, Hà Nội và Bà Rịa-Vũng Tàu tương đương 11%. Tỷ lệ vi phạm ở Hà Nội giảm 10% so với giai đoạn 2013-2015.

Đáng chú ý, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội đã xử lý thành công vi phạm về động vật hoang dã trung bình là 65% - cao nhất từng được ghi nhận kể từ khi khảo sát lần đầu được thực hiện tại thành phố vào năm 2013.

Các cơ quan thực thi pháp luật tại thành phố Cần Thơ chưa đạt hiệu quả cao trong công tác xử lý vi phạm, với 44% số cơ sở không còn dấu hiệu vi phạm về động vật hoang dã sau khi có sự can thiệp của cơ quan chức năng.

Đây là kết quả thấp nhất trong chiến dịch giảm thiểu vi phạm về tiêu thụ động vật hoang dã tại các đô thị lớn. Bà Rịa-Vũng Tàu tuy lần đầu tiên thực hiện chiến dịch nhưng đã đạt tỷ lệ thành công khá cao với 69% cơ sở tuân thủ sau khi có sự can thiệp của cơ quan chức năng.

Tỷ lệ phản hồi của các cơ quan chức năng tại Thừa Thiên-Huế và Khánh Hòa đối với vi phạm về động vật hoang dã do người dân thông báo qua đường dây nóng của Trung tâm đạt mức tuyệt đối 100%, Hà Nội - 79%, Thành phố Hồ Chí Minh -  92,5%, Bà Rịa-Vũng Tàu - 86% và Cần Thơ chỉ có 21%.

Về việc xử lý vi phạm đối với động vật hoang dã còn sống, Thừa Thiên-Huế xử lý thành công 100% số vụ, Khánh Hòa 64%, Thành phố Hồ Chí Minh đạt 42%, Hà Nội ở mức 21%, Bà Rịa-Vũng Tàu - 38%, Cần Thơ chỉ có 7%.

Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên, cho biết: “Thừa Thiên-Huế đã xử lý thành công 100% các dấu hiệu vi phạm về động vật hoang dã được thông báo. Kết quả 82% của Hồ Chí Minh cũng rất cao, đặc biệt khi số lượng dấu hiệu vi phạm về động vật hoang dã ghi nhận tại đâylớn gấp hơn tám lần so với Thừa Thiên-Huế. Kết quả ở hai địa phương này cho thấy mục tiêu xử lý thành công 80% - 90% dấu hiệu vi phạm được thông báo là hoàn toàn khả thi”.

Thiết lập cơ chế hợp tác hiệu quả

Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên cho rằng phản hồi kịp thời của các cơ quan chức năng là yếu tố quan trọng nhằm thiết lập cơ chế hợp tác có hiệu quả giữa người dân và các cơ quan chức năng trong công tác phòng chống vi phạm về động vật hoang dã.

Riêng năm 2018, với sự hỗ trợ của trung tâm, các cơ quan chức năng đã tịch thu 454 cá thể động vật hoang dã còn sống. Cơ quan chức năng của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Kiên Giang cũng đã phát hiện và tịch thu 119 tiêu bản rùa biển, chủ yếu là vích tại các cơ sở thủ công mỹ nghệ.

Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên, cho biết thêm, trung tâm thực hiện báo cáo đánh giá hiệu quả xử lý các vi phạm về động vật hoang dã theo giai đoạn. Báo cáo này đóng vai trò như một cơ chế cung cấp thông tin tới lãnh đạo các tỉnh, thành phố về kết quả của công tác giảm thiểu vi phạm về động vật hoang dã tại địa phương, trên tương quan so sánh với các tỉnh, thành khác.

Báo cáo cũng là phương tiện đánh giá phản hồi của các cơ quan chức năng trong xử lý vi phạm về động vật hoang dã, đặc biệt là các vụ việc liên quan tới động vật hoang dã còn sống do người dân thông báo. Đây là một phần của chiến dịch chung nhằm xóa bỏ vi phạm về động vật hoang dã trên cả nước.

Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên mong muốn UBND các địa phương khác, đặc biệt là Cần Thơ, tiếp tục tăng cường hiệu quả công tác xử lý các dấu hiệu vi phạm về động vật hoang dã; thường xuyên kiểm tra, giám sát tất cả các cơ sở kinh doanh trên địa bàn để đảm bảo không có cơ sở vi phạm hoặc tái phạm.

Chính quyền các địa phương sẽ chỉ đạo cơ quan chức năng có liên quan kịp thời tiếp nhận và xử lý hiệu quả các dấu hiệu vi phạm được người dân thông báo, đặc biệt là các vụ việc liên quan đến động vật hoang dã còn sống để góp phần bảo vệ động vật hoang dã tại Việt Nam.

Sau mỗi đợt khảo sát, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên thông báo kết quả tới UBND mỗi quận, huyện và Chi cục Kiểm lâm cấp tỉnh và tương ứng kèm theo kiến nghị xử lý các cơ sở vi phạm. Sau khoảng thời gian từ 60 - 90 ngày, trung tâm sẽ tiến hành khảo sát lần hai các cơ sở kinh doanh có vi phạm trên địa bàn các quận, huyện.

Khảo sát chỉ ghi nhận những vi phạm có thể quan sát được, bao gồm quảng cáo và buôn bán động vật hoang dã hoặc sản phẩm từ động vật hoang dã, nuôi nhốt, tàng trữ trái phép động vật hoang dã. Tất cả các vi phạm đều được cập nhật trên Hệ thống Cơ sở dữ liệu vi phạm về động vật hoang dã.

Đây là cơ sở lưu giữ hồ sơ của tất cả các vụ việc được trung tâm ghi nhận với đầy đủ các hoạt động được thực hiện để xử lý từng vụ việc, bao gồm kết quả xử lý từ các cơ quan chức năng và quá trình giám sát độc lập của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên.

Minh Nguyệt (TTXVN)
Giảm các vi phạm liên quan đến động vật hoang dã ở Hà Nội
Giảm các vi phạm liên quan đến động vật hoang dã ở Hà Nội

Kết quả khảo sát 1.644 cơ sở kinh doanh cho thấy, tỷ lệ vi phạm liên quan đến động vật hoang dã ở Hà Nội từ năm 2017-2018 là 11%, giảm 10% so với giai đoạn từ năm 2013-2015.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN