Nỗ lực giảm quá tải ở Bệnh viện Bạch Mai

Nhiều thủ tục hành chính rườm rà được cắt bỏ giúp bệnh nhân khám ngoại trú bớt căng thẳng, mệt mỏi. Tại khu vực điều trị nội trú, cảnh nằm ghép 3- 4 bệnh nhân/giường cũng dần được cải thiện nhờ các dự án cải tạo, xây mới cơ sở vật chất… Đó là những chuyển biến tích cực sau những nỗ lực giảm quá tải ở Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).

 

Cải cách thủ tục hành chính

 

“Để đáp ứng nhu cầu của người bệnh ở khoa Khám bệnh, nơi tiếp nhận 2.000 - 2.500 bệnh nhân/ngày, chúng tôi triển khai khám chữa bệnh (KCB) vào cả ngày thứ 7; đồng thời tập trung cải cách thủ tục hành chính, thực hiện quy trình KCB “một chiều, một cửa”, TS Viên Văn Đoan, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện (BV) Bạch Mai cho biết.


 

Theo quy trình một cửa, tại khoa Khám bệnh, giờ đăng ký khám được thực hiện từ 6 giờ 30 hàng ngày; tăng bàn tiếp đón và bàn khám; người bệnh vào khoa được hướng dẫn giải quyết thủ tục; trường hợp cấp cứu được ưu tiên, còn lại người bệnh khám theo số thứ tự đã đăng ký trên mạng và kiểm soát hiện số trên màn hình trước cửa từng phòng khám; bác sĩ khám sẽ tiếp nhận, phân loại, thực hiện thu viện phí, giúp bệnh nhân giảm thời gian chờ đợi khám, tái khám. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN

 

“Một chiều” là người bệnh không phải đi lại nhiều khi làm thủ tục, chỉ phải đi theo một chiều từ tiếp nhận- khám bệnh - làm xét nghiệm - nhận thuốc (hoặc mua thuốc) điều trị hoặc đưa vào điều trị nội trú. Còn “một cửa” là người bệnh chỉ cần biết hai người trực tiếp đón nhận bệnh nhân: Nhân viên y tế và BS khám bệnh; hai người này có trách nhiệm giải quyết mọi vấn đề cho người bệnh trong suốt quá trình KCB.


Nhận xét về sự đổi mới trong quy trình KCB tại BV Bạch Mai, bệnh nhân Đặng Tiến Dũng, 67 tuổi, Hà Nội, hồ hởi nói: “Việc cải cách thủ tục hành chính tại khoa Khám bệnh thực sự đã giúp chúng tôi bớt khổ mỗi khi đi khám bệnh. Trước đây, tôi thường phải mất 2 ngày mới khám bệnh xong nhưng sáng nay, mới 9 giờ 30, tôi đã có thể chờ lấy thuốc rồi ra về”.


Theo ghi nhận của PV Tin Tức, dù số lượng bệnh nhân rất đông, mới 9 giờ 30 sáng mà khoa Khám bệnh đã đón gần 1.300 người đăng ký khám nhưng tại đây không hề xảy ra cảnh tượng xô đẩy, cãi vã như trước đây. Thay vào đó là cảnh xếp hàng trật tự để chờ tới lượt nhận phiếu và số khám bệnh. Sau đó, bệnh nhân cũng không mất quá nhiều thời gian chờ đợi do phải chạy lòng vòng tìm phòng khám hoặc đôn đáo tìm nơi đóng tiền làm các thăm dò chức năng hết lần này đến lần khác như trước.


Nếu người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), chỉ cần nộp thẻ BHYT tại cửa đón tiếp, sau đó không phải làm bất cứ thủ tục nào khác. Sau khi khám bệnh xong người bệnh sẽ được nhân viên tại cửa tiếp đón ban đầu giám định hồ sơ, máy tính tự động tính viện phí. Lúc này, người bệnh chỉ việc đóng viện phí, nhận lại thẻ BHYT và được xác nhận đơn thuốc để lĩnh thuốc, rồi ra về.


“Đối với bệnh nhân tự nguyện, sẽ phải làm thêm việc nộp tiền trước khi làm các xét nghiệm thăm dò chức năng. Ở mỗi tầng của phòng khám, chúng tôi đều bố trí điểm thu tiền, người bệnh có thể tới bất kỳ điểm thu nào trong số đó để nộp tiền”, TS Đoan cho biết.


Để giảm thời gian chờ đợi cho bệnh nhân, khoa Khám bệnh đã triển khai đón tiếp từ 6 giờ 30 sáng và nâng số bàn tiếp đón từ 6 - 8 bàn lên 10 - 12 bàn. Thời gian làm việc của cán bộ y tế tại đây cũng không giới hạn trong giờ hành chính, mà kéo dài cho tới khi hết bệnh nhân đăng ký KCB (18 giờ - 18 giờ 30 hằng ngày).


Theo TS Đoan, để góp phần giảm quá tải BV, từ nay tới cuối năm, khoa Khám bệnh sẽ còn tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, bệnh nhân tái khám sẽ được tiếp đón và giám định hồ sơ trực tiếp tại các buồng khám chuyên khoa chứ không qua phòng tiếp đón như hiện nay. Ngoài ra, bệnh nhân có thể đăng ký lịch KCB qua điện thoại, internet…

 

Phát triển “mũi nhọn” chuyên sâu


“Bên cạnh việc chú trọng đổi mới “bộ mặt” của BV tại khoa Khám bệnh, BV Bạch Mai cũng luôn nỗ lực để giảm tình trạng quá tải ở khu vực điều trị nội trú, nhất là tại một số khoa có quá đông bệnh nhân như: Tim mạch, ung bướu…”, PGS.TS Đỗ Doãn Lợi, Phó Giám đốc BV Bạch Mai cho biết.


BV Bạch Mai hiện chỉ có khoảng 1.900 giường nhưng ở đây luôn có khoảng 3.000 bệnh nhân điều trị nội trú. Do đó, BV thường xuyên hoạt động trong tình trạng quá tải, công suất sử dụng giường bệnh luôn ở mức 160%. Vậy nên, hướng đi chính để giảm tình trạng quá tải của BV Bạch Mai trong thời gian tới là tiếp tục tập trung phát triển những “mũi nhọn” chuyên sâu để nâng cao chất lượng KCB, rút ngắn thời gian điều trị cho bệnh nhân. Đến nay, BV đã có chính sách đầu tư và phát triển các kỹ thuật chuyên sâu theo từng chuyên ngành. Ví dụ BV đã có kế hoạch đến năm 2020 đẩy mạnh kỹ thuật ghép tạng, phát triển kỹ thuật mổ tim hở, ghép tế bào gốc tạo máu, xây dựng đơn vị hỗ trợ sinh sản…


BV Bạch Mai cũng đã và đang nâng cấp, cải tạo, xây mới nhiều công trình phục vụ công tác KCB. Trong năm 2012, BV Bạch Mai đã đưa vào sử dụng thêm 100 giường bệnh tại khoa C9 Tim mạch và Trung tâm Y học hạt nhân, ung bướu. Bên cạnh 2 bộ phận nói trên, các khoa Da liễu, Truyền nhiễm cũng đang cải tạo, nâng cấp tăng thêm số giường bệnh để đáp ứng nhu cầu của người bệnh. Thêm vào đó, theo kế hoạch đến năm 2015, Dự án xây dựng Trung tâm Y tế Quốc tế với quy mô 21 tầng gồm 500 giường bệnh sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng…


Bên cạnh đó, BV Bạch Mai rất chú trọng việc tăng cường năng lực cho các BV tuyến dưới nhằm giảm số lượng bệnh nhân chuyển tuyến. Nhiều năm qua, BV Bạch Mai luôn là “điểm sáng” trong việc hưởng ứng Đề án 1816, cử cán bộ chuyên môn luân phiên xuống hỗ trợ cho các BV tuyến dưới, nhằm nâng cao chất lượng KCB. Từ năm 2009 BV Bạch Mai đã triển khai Đề án xây dựng BV Vệ tinh giai đoạn 2009 - 2013 tại 8 BV khu vực phía Bắc. Đề án này không những giúp các BV vệ tinh rút ngắn khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa y tế tuyến TƯ và địa phương mà còn giảm tải cho Bạch Mai và các BV tuyến TƯ khác.


“Về lâu dài, BV Bạch Mai sẽ xây dựng thêm cơ sở 2, dự kiến đặt tại huyện Gia Lâm (Hà Nội). Khi đó, BV sẽ có điều kiện để đáp ứng nhu cầu của người bệnh tốt hơn, tình trạng quá tải BV sẽ được giải quyết”, PGS. TS Đỗ Doãn Lợi khẳng định.


Những nỗ lực của BV Bạch Mai trong quá trình giảm quá tải BV cho thấy, bên cạnh những dự án cải tạo cơ sở vật chất và đào tạo nhân lực cần nhiều thời gian và kinh phí thì các BV hoàn toàn có thể đáp ứng sự hài lòng của người bệnh bằng việc sớm cải cách thủ tục hành chính trong quy trình KCB. Khi không còn quá sợ hãi với các thủ tục KCB rườm rà như hiện nay thì người bệnh sẽ chủ động hơn trong việc đi khám, phát hiện và điều trị bệnh sớm. Như vậy, không chỉ có người bệnh được “hưởng lợi”, giảm thời gian điều trị và chi phí KCB, mà chính ngành y tế cũng sẽ giảm được “gánh nặng” cho hệ thống điều trị.


Phương Liên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN