Đến 17 giờ cùng ngày, các địa phương trong tỉnh đã hoàn tất mọi phương án về nhân lực, vật lực để ứng phó với bão; đồng thời xác định những khu vực, địa bàn mục tiêu trọng điểm cần được ưu tiên cứu nạn, cứu hộ khi lũ, bão xảy ra, nhất là tại khu vực biển, miền núi, vùng trũng thấp, vùng hay bị ngập lụt.
Ông Diệp Minh Xuân, Phó Chủ tịch UBND huyện - Phó trưởng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Thuận Nam cho biết, đến chiều 9/11, phương án ứng phó với bão số 12 của huyện Thuận Nam đã hoàn tất. Thuận Nam có 1.040 chiếc tàu với 7.068 lao động đi biển; trong đó có 528 chiếc/3.173 lao động đang neo đậu tại các cảng cá trong tỉnh; 357 chiếc/3.481 lao động đang neo đậu tại các tỉnh bạn và đã liên lạc được.
UBND huyện Thuận Nam cũng yêu cầu chính quyền các xã khẩn trương huy động lực lượng giúp dân chằng chống nhà cửa, nhất là địa phương ven biển; có phương án sơ tán 991 hộ/4.078 khẩu ở khu vực ven biển, vùng trũng thấp đến nơi ở an toàn; đồng thời chuẩn bị đầy đủ nhu yếu phẩm cho người dân trong thời điểm xảy ra bão.
Phó Chủ tịch UBND huyện - Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Ninh Hải Võ Thể cho biết, Ninh Hải là địa phương vùng biển nên việc ứng phó với bão được thực hiện rất khẩn trương. Hiện nay, phương án ứng phó với bão số 12 của huyện đã hoàn tất. Ninh Hải có 1.031 chiếc tàu thuyền, tất cả đã được neo đậu an toàn tại các cảng cá trong tỉnh. UBND huyện dự kiến di dời 667 hộ/2.662 khẩu ở vùng xung yếu đến nơi an toàn.
Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Thuận, để giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra, tỉnh đã huy động toàn lực, toàn hệ thống chính trị nâng cao tinh thần trách nhiệm, chủ động đối phó với bão. Trong đó, tỉnh tập trung mọi nguồn lực để thực hiện tốt phương châm “ 4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”; chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương những ảnh hưởng của mưa bão.
Trước đó, sáng 9/11, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lưu Xuân Vĩnh đã ký công điện nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi đánh bắt và hoạt động trên biển, bắt đầu từ 12 giờ cùng ngày đến khi bão tan và kiên quyết không để người dân ở lại trên tàu thuyền, phương tiện thủy nội địa, lồng bè nuôi thủy sản trước 18 giờ chiều 9/11.