Chỉ số Phục hồi sau đại dịch COVID-19 đánh giá các quốc gia và vùng lãnh thổ trong ứng phó với lây nhiễm, triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 và điều kiện di chuyển trong xã hội. Xếp hạng càng cao, quốc gia và vùng lãnh thổ đó càng gần với khả năng phục hồi. Đặc trưng của chỉ số này là tỉ lệ lây nhiễm, tử vong thấp, mức độ bao phủ tiêm chủng lớn và khả năng di chuyển cao hơn.
Theo dữ liệu mới cập nhật của Nikkei, Việt Nam tăng 48 bậc lên vị trí thứ 14. Bài viết ngày 3/6 của Nikkei Asia nêu rõ với hơn 80% dân số được tiêm chủng ngừa COVID-19 đầy đủ và 60% dân số đã được tiêm mũi tăng cường, Việt Nam nhận được 27/30 điểm về mức độ bao phủ vaccine. Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong số các loại vaccine ngừa COVID-19 được triển khai ở Việt Nam tính đến ngày 8/5, có 46% là vaccine của các hãng Pfizer/BioNTech (Mỹ/Đức) và Moderna (Mỹ), 28% là vaccine của AstraZeneca (Anh/Thụy Điển) và 23% là vaccine của nhà sản xuất Trung Quốc Sinopharm. Nikkei cũng nhấn mạnh rằng Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á miễn tất cả các quy định về xét nghiệm, tiêm chủng và cách ly cho khách du lịch nước ngoài.
Tương tự Việt Nam, Philippines tăng 40 bậc trong bảng xếp hạng, lên vị trí thứ 33 nhờ mức độ lây nhiễm COVID-19 giảm đáng kể. Số ca mắc COVID-19 ghi nhận theo ngày ở nước ngày giảm xuống dưới mức 200 ca trong tuần qua, không có thêm ca tử vong nào. Từ tháng 2 vừa qua, quốc gia Đông Nam Á này đã mở cửa trở lại biên giới cho du khách quốc tế tiêm chủng đầy đủ. Tuần này, Philippines cũng bỏ yêu cầu du khách nước ngoài đã tiêm liều nhắc lại phải trình kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính khi nhập cảnh.
Theo chỉ số mà Nikkei vừa công bố, Campuchia và Hàn Quốc lần lượt dẫn đầu các quốc gia châu Á khi ở vị trí thứ 2 và 8 trong Chỉ số phục hồi sau đại dịch COVID-19.