Nhìn lại công tác phòng, chống và ứng phó với bão số 10

Bão số 10 (Doksuri) với rủi ro thiên tai cấp 4, chỉ sau cấp độ thảm họa. Đây là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua trên địa bàn toàn quốc.

Nhờ công tác dự báo diễn biến của bão số 10 cập nhật và tương đối chuẩn xác, cùng với sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt và sự nhập cuộc đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, nên việc tổ chức phòng, chống và ứng phó với bão số 10 đã huy động được các cấp, các ngành, các cơ sở và nhất là cộng đồng dân cư nơi bị ảnh hưởng của bão và mưa lũ nghiêm túc, khẩn trương thực hiện, đã giảm thiểu được tối đa thiệt hại do bão số 10 gây ra.

Dự báo sát đúng diễn biến của bão

Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương dự báo và cập nhật kịp thời vị trí và đường đi của cơn bão số 10.

Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương - Tiến sĩ Hoàng Đức Cường cho biết: Nhận định về thời tiết đặc biệt trong tháng 9, Trung tâm đã dự báo bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng hoạt động trên Biển Đông khoảng 2-4 cơn và có thể ảnh hưởng đến đất liền khoảng 1-2 cơn, đặc biệt là tại khu vực Trung Bộ. Bởi vậy, ngay từ sáng 11/9, khi áp thấp nhiệt đới xuất hiện cách đảo Lu-Dông (Philippines) khoảng 410km, bản tin thời tiết của Trung tâm đã đưa kịp thời và liên tục cập nhật về diễn biến của nó và khả năng mạnh lên thành bão.

Đúng như cảnh báo, lúc 15 giờ chiều 12/9, sau khi vượt qua khu vực miền Trung Philippin và đi vào Biển Đông, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão số 10 (có tên quốc tế là Doksuri). Bản tin khẩn cấp lúc 3h sáng 15/9 của Trung tâm nhận định, đến trưa chiều cùng ngày, vùng tâm bão số 10 sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị gây gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 15.

Cùng với tin báo bão khẩn cấp, Trung tâm còn cảnh báo 4 loại thiên tai nguy hiểm kèm trong bão. Đó là gió mạnh, sóng lớn trên biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi. Gió mạnh trên đất liền ven biển các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị; các khu vực sâu hơn trong đất liền ở các tỉnh này, cũng như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng; vùng ven biển các tỉnh Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hóa. Cảnh báo mưa rất lớn ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị; các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Nghệ An tiếp tục có mưa to... Cảnh báo lũ trên các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi.

Ngày 14/9, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã có công điện khẩn gửi các đơn vị trong ngành khẩn trương triển khai các biện pháp khẩn cấp ứng phó với bão số 10.

Sáng 15/10, Bộ trưởng dự cuộc họp trực tuyến giữa Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia với các Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ cùng với Đài các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi. Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị phải thông tin thường xuyên về diễn biến hướng đi, cường độ của bão số 10.

Qua chuyến thị sát các điểm thiệt hại do cơn bão số 10 (tối 15 và sáng 16/9) trên địa bàn tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: Công tác dự báo tương đối chính xác về hướng bão, cấp bão, từ đó giúp chính quyền và người dân chủ động phòng, chống, nên giảm thiểu được thiệt hại do bão số 10 gây ra.

Chỉ đạo sâu sát, quyết liệt

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi thị sát, kiểm tra công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 10 tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn-Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai cho rằng, các bộ, ngành, địa phương  đã vào cuộc nhanh chóng, quyết liệt, nên thiệt hại đã được hạn chế ở mức thấp trước cơn bão số 10 rất mạnh. 

Cụ thể là, ngày 13/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có Công điện số 1369 về việc triển khai các biện pháp khẩn cấp ứng phó bão số 10. Yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn, các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương có khả năng bão số 10 đổ bộ vào phải hoãn các cuộc họp chưa thật sự cần thiết để tập trung chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó với bão theo phương châm “bốn tại chỗ”. 

Sáng sớm 14/9, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đã chủ trì hội nghị trực tuyến nhằm đưa ra các giải pháp khẩn cấp ứng phó bão số 10 và mưa lũ. Tham dự có lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa, các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Hà Nội và lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ. 

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các địa phương phải sơ tán triệt để người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, vùng bão đi qua, các khu vực đê xung yếu, khu vực có nguy cơ lũ quét, lũ ống, sạt lở đất. Không cho phép chủ quan. Nghiêm túc triển khai công điện khẩn số 1369 về các biện pháp khẩn cấp ứng phó với bão số 10. Ngay sau cuộc họp trực tuyến, Phó Thủ tướng cùng Đoàn công tác Chính phủ đã trực tiếp vào vùng tâm bão số 10 để chỉ đạo công tác phòng, chống, ứng phó.

Thực hiện nghiêm túc Công điện khẩn số 1369, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đã chỉ đạo và nhanh chóng huy động lực lượng gồm 147.293 cán bộ chiến sỹ Quân khu 4; 600 cảnh sát cơ động và các phương tiện, trang thiết bị để hỗ trợ các tỉnh ứng phó với bão số 10. Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã chỉ đạo Biên phòng tuyến biển phối hợp với các địa phương kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm; quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền; sơ tán dân tại các khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.

Đến 15h ngày 14/9, các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi đã ban hành lệnh cấm biển. Tính đến trưa 15/9, các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị tổ chức sơ tán tổng số 33.998 hộ/116.525 người.

Tỉnh Nghệ An đã huy động 9.972 cán bộ chiến sỹ và hàng trăm phương tiện túc trực để ứng phó với bão, lũ. Tỉnh Quảng Bình đã huy động 100% cán bộ chiến sỹ lực lượng Quân sự, Biên phòng và Công an để sẵn sàng triển khai ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra. 

Với phương châm “Tính mạng, đời sống người dân là trên hết”, nên đến chiều 13/9, tất cả tàu thuyền của tỉnh Hà Tĩnh đã được kết nối liên lạc, chỉ đạo vào nơi tránh trú an toàn. Bên cạnh đó, UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ đập điều tiết đón lũ, nhờ vậy, đảm bảo được an toàn 100% hồ đập và vùng hạ du; huy động, chỉ đạo các lực lượng giúp dân gặt lúa, thu hoạch nông sản trước khi bão đổ bộ.

Ngay sau lệnh tập trung sơ tán dân, đảm bảo an toàn tính mạng người dân của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh được phát đi, cuộc “di dân” ra khỏi vùng nguy hiểm đã triển khai một cách khẩn trương. Đến 21h đêm 14/9, trước khi bão đổ bộ, những chuyến xe bus, xe khách vẫn “xuyên đêm” đưa người dân đi sơ tán đến nơi tránh trú an toàn. Riêng thị xã Kỳ Anh là “mắt bão” số 10, trước khi bão đổ bộ đã sơ tán hơn 3.600 người đến nơi tránh trú an toàn.

Trước tác động đặc biệt nghiêm trọng của cơn bão số 10 và diễn biến khó lường từ hoàn lưu của bão, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định hủy chương trình công tác tại Đông Nam Bộ, từ Thành phố Hồ Chí Minh bay trở ra Đà Nẵng và di chuyển liên tục 300km đường bộ tới Bắc miền Trung để trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả cơn siêu bão này.

Chiều tối 15/9, Thủ tướng đã có mặt và thị sát các điểm thiệt hại do cơn bão số 10 gây ra trên địa bàn thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình – một trong hai địa phương nằm trong vùng tâm bão đi qua. Ngay sau đó, tối 15/9, Thủ tướng đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, Quân khu 4 và các Bộ, ngành Trung ương để nắm tình hình và chỉ đạo khắc phục hậu quả cơn bão. Tiếp đó, sáng 16/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp đến huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), một trong những địa phương thiệt hại nặng nhất trong bão số 10, để chỉ đạo khắc phục hậu quả.

Thiệt hại được giảm thiểu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi kiểm tra công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 10 tại tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, việc chỉ đạo điều hành ứng phó với bão số 10 đã có nhiều đổi mới sáng tạo góp phần vào việc ứng phó thắng lợi, giảm thiểu đến mức thấp nhất hậu quả của bão. Trong đó phải kể đến việc kết hợp chặt chẽ giữa các bản tin, nhận định của cơ quan dự báo quốc gia với việc truy cập, tham khảo dự báo, nhận định về cơn bão của các đài quốc tế và khu vực.

Các Bộ, ngành đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, quyết liệt vào cuộc, phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ có hiệu quả với các địa phương trong ứng phó và khắc phục hậu quả cơn bão. Bộ Công an, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Quân khu 4, Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã huy động hàng trăm ngàn cán bộ, chiến sỹ cùng các phương tiện trang thiết bị giúp các địa phương kêu gọi hướng dẫn tàu thuyền, sơ tán dân, thu hoạch lúa, hoa màu và sửa chữa, khôi phục trường học, nhà cửa giúp dân ổn định cuộc sống.

Các cơ quan truyền thông và thông tin đại chúng từ Trung ương đến địa phương đã kịp thời thông tin đến các cấp chính quyền, người dân để phòng tránh một cách chủ động, có hiệu quả. Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã tăng cường lực lượng trực ban, nắm chắc tình hình, theo dõi diễn biến của bão, mưa lũ, kịp thời tham mưu chính xác, có hiệu quả trong việc chỉ đạo điều hành ứng phó và khắc phục hậu quả cơn bão.

Các địa phương đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai trong việc ứng phó và khắc phục hậu quả góp phần giảm thiểu đến mức thấp nhất hậu quả do bão gây ra, đặc biệt là thiệt hại về người và sản xuất nông nghiệp.

Minh chứng sống động là cơn bão số 10 mạnh tương đương với cơn bão số 6 (Xangsane), cũng đổ bộ vào các tỉnh miền Trung vào cuối tháng 9/2006 có sức gió mạnh nhất 134-149km/h, đã gây thiệt hại nặng nề cho Đà Nẵng, một phần Quảng Ngãi, Quảng Nam và Thừa Thiên - Huế. Bão số 6 Xangsane và mưa lũ đã làm 71 người thiệt mạng, hơn 500 người bị thương, gần 16.000 nhà sập, gần 579 tàu thuyền hư hại...

Trong khi đó bão số 10 cũng là một cơn bão rất mạnh, thời gian “quần thảo” trên đất liền lên tới 9h. Song tính đến thời điểm hiện tại, chỉ có 6 người chết,  819 nhà bị sập; 8 tàu cá bị chìm; 228 thuyền nhỏ bị hư hỏng, cuốn trôi…

Bởi vậy, những giải pháp triển khai thành công trong phòng, chống và ứng phó với bão số 10 vừa qua thực sự là những kinh nghiệm quý, cần được đúc rút như một bài học lớn trong ứng phó với thiên tai thời gian tới.

Kinh nghiệm từ thực tế

Ngư dân Thanh Hóa neo kéo tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn. Ảnh: Trịnh Duy Hưng/TTXVN

Nhận định về một số thiếu sót cần rút ra trong công tác ứng phó với bão số 10, theo Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, một số thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai còn chưa bố trí được thời gian để tham dự công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó với bão.

Ý thức chấp hành chỉ đạo, hướng dẫn ở một bộ phận dân cư còn chưa cao như chưa thực hiện triệt để việc chằng chống nhà cửa, cắt tỉa cành cây trước khi bão đổ bộ, .. dẫn đến số lượng nhà bị tốc mái, thiệt hại là rất lớn. Nhiều công trình, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu chống bão, nhất là các hạng mục cơi nới, nhà xưởng.

Công tác quản lý khu neo đậu tàu thuyền cần phải được quan tâm để phát huy hiệu quả hoạt động, đảm bảo an toàn cho tàu thuyền khi neo đậu trú tránh bão, tránh thiệt hại đáng tiếc khi tàu thuyền đã vào khu neo đậu. Nguồn lực cho việc nâng cấp hệ thống đê sông, đê biển, hồ đập để đảm bảo an toàn phòng chống thiên tai nói chung và chống bão nói riêng còn rất hạn chế.

Để thực hiện theo phương châm "xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai" cần phải chủ động đề ra những giải pháp thiết thực, hiệu quả, sát với thực tiễn. Trước mắt hướng dẫn, hỗ trợ người dân sớm ổn định đời sống, không để người dân nào bị đói, rét, thiếu nước uống, bảo quản lương thực sau thu hoạch; hoàn thành việc sửa chữa nhà ở, trường học, cơ sở y tế, vệ sinh môi trường; sửa chữa khắc phục hệ thống điện, hệ thống thông tin liên lạc, các sự cố đê điều, hồ đập, công trình thủy lợi.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cử các đoàn công tác hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả chú trọng việc phục hồi sản xuất nông nghiệp; tổ chức thống kê đánh giá thiệt hại, tổng hợp nhu cầu cấp bách gửi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và các Bộ ngành để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ các địa phương.

Tổ chức tiếp nhận và triển khai kịp thời các khoản hỗ trợ đến người dân, đảm bảo đúng đối tượng, công bằng và công khai, minh bạch.

Các Bộ ngành và địa phương tổ chức rút kinh nghiệm về những mặt làm được, những điểm còn tồn tại và kiến nghị bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách hiện hành về phòng, chống thiên tai.

Với truyền thống tốt đẹp “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách” của người dân khắp mọi miền Tổ quốc, sẽ giúp người dân vùng bão, lũ miền Trung có thêm điểm tựa, sức mạnh để vượt qua hậu quả thiên tai, sớm khôi phục lại sản xuất và đời sống.

Văn Hào - Thắng Trung (TTXVN)
Kiểm tra công tác khắc phục hậu quả bão số 10 tại Thanh Hóa
Kiểm tra công tác khắc phục hậu quả bão số 10 tại Thanh Hóa

Chiều 16/9, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng làm Trưởng đoàn đã đi kiểm tra công tác khắc phục hậu quả bão số 10 tại Thanh Hóa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN