Theo báo cáo của UBND tỉnh Cà Mau, sự cố sụt lún mặt đường và thân đê diễn vào khoảng 5 giờ ngày 6/8. Theo đó, hiện trạng trước khi sụt lún của tuyến đê đã thi công hoàn thành công tác đổ bê tông với độ cao là 3m.
Ghi nhận tại hiện trường cho thấy, nơi xảy ra hiện tượng sụt lún có chiều dài khoảng 130m, bị sụt hoàn toàn, có điểm đường bị sụt lún sâu từ 1,8m đến 2m.
Một đoạn rừng phòng hộ bị sạt lở tại huyện Phú Tân nhìn ra đảo Hòn Chuối năm 2016. |
Theo thông tin từ UBND tỉnh Cà Mau, đoạn xảy ra sụt lún này chưa tổ chức nghiệm thu đưa vào khai thác sử dụng. Tuy nhiên, bên cạnh đoạn bị sụt lún hoàn toàn thì hiện có trên 100m đường thân đê cũng tại vị trí phía Bắc cống Hương Mai có hiện tượng bị trượt ra phía đồng, độ sụt lún hiện đo được từ 0,8 đến 1,1m. Theo ước tính, mức độ thiệt hại khoảng 1 tỷ đồng.
Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, theo nhận định ban đầu của ngành chuyên môn thì nguyên nhân có thể do nền đất yếu, kết hợp mưa liên tục nhiều ngày, lượng nước mưa lớn, gây ngập úng cho khu vực. Theo đó, khi tháo nước chống úng có thể làm giảm áp lực nước lên mái đê phía đồng gây trượt. Bên cạnh đó, rất có thể đất bên dưới nền đê có các túi bùn, tải trọng thân đê lớn gây trược sâu nền, mái và chân đê.
Sau khi xảy ra sự cố công trình, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban Quản lý Dự án công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các đơn vị liên quan và chính quyền địa phương bảo vệ hiện trường. Theo đó, tích cực làm rào chắn, lắp đặt các biển báo khu vực bị sạt lở để người dân biết, cấm người qua lại khu vực có sự cố. Đồng thời, các đơn vị có liên quan tiếp tục quan trắc đoạn sụt lún dài 130m, khẩn trương gia cố, có biện pháp khắc phục kịp thời đoạn hơn 100m có dấu hiệu sụt lún, không để xảy ra sự cố.
Mặt khác, tỉnh Cà Mau sẽ thuê đơn vị tư vấn độc lập khẩn trương khảo sát, xác định nguyên nhân gây ra sự cố công trình. Ngoài ra, Ban Quản lý dự án công trình Nông nghiệp và phát triển nông thôn khẩn trương kiểm tra và rà soát toàn bộ các đoạn khác, bao gồm bờ Bắc và bờ Nam của gói thầu nêu trên và phải báo cáo về UBND tỉnh trước ngày 18/8.
Ông Lê Văn Sử cho biết thêm, dự án nâng cấp đê biển Tây, tỉnh Cà Mau thuộc Chương trình 667 của Chính phủ về nâng cấp đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang. Riêng tại Cà Mau, dự án nâng cấp đê biển Tây dài 72 km với tổng mức đầu tư là 1.697 tỷ đồng.
Hiện Cà Mau đã triển khai hai gói thầu với chiều dài 14,6 km. Đoạn sạt lở hiện nay là đoạn đấu nối từ cống Hương Mai đi ra hệ thống đê biển thuộc gói thầu 85 với tổng chiều dài 6,5 km. Theo đó, đoạn bị sụt lún có chiều rộng mặt đê là 7,5 m, chiều rộng mặt đường là 5,5m, tải trọng thiết kế 8 tấn, kết cấu mặt đường bằng bê-tông cốt thép dày 14,6 cm.
Trước đó, công trình nâng cấp đê biển Tây ở Cà Mau, là một trong 9 công trình chào mừng kỷ niệm 20 năm Ngày tái lập tỉnh Cà Mau. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh là đơn vị làm chủ đầu tư, giám sát là Ban Quản lý Dự án công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, do một công ty có trụ sở tại thành phố Cà Mau thi công.