Nguy cơ mắc bệnh từ khí thải Nhà máy luyện kim loại màu Lào Cai

Bên cạnh những thiệt hại về dứa và hoa màu do khí thải từ Nhà máy luyện kim loại màu Lào Cai thuộc Công ty cổ phần Tứ Đỉnh gây ra, nhiều người dân ở xã Bản Lầu, huyện Mường Khương (tỉnh Lào Cai) lại đang lo lắng cho sức khỏe khi bị khó thở, tức ngực.

Dù chưa có xác nhận chính thức từ ngành Y tế, nhưng nỗi lo của người dân là hoàn toàn có căn cứ bởi theo kết quả kiểm tra mới đây của cơ quan chức năng, khí thải của Nhà máy luyện đồng trên có hàm lượng SO2 (khí lưu huỳnh) khá cao.

Anh Lương Văn Lâm, một người dân ở thôn km 15, cách Nhà máy luyện kim loại màu vài trăm mét cho biết: "Hơn 40 hộ dân với khoảng hơn 100 nhân khẩu trong thôn rất lo lắng, bởi ngoài diện tích cây trồng, hoa màu bị thiệt hại, môi trường sống đang bị đe dọa nghiêm trọng. Mỗi khi nhà máy hoạt động, cây cỏ xung quanh nhà đều héo úa rồi chết dần, người khó thở, tức ngực, cay mũi, cay mắt và cay cổ họng. Nhiều người bị ho lâu ngày nhưng uống thuốc không khỏi".

Anh Lý Văn Hưởng, một người dân khác ở cùng thôn km15 cho biết thêm, những lúc nhà máy hoạt động về đêm mùi rất khó thở, làm chảy nước mắt. Nhiều hôm đi xe máy đã đội mũ bảo hiểm, đeo khẩu trang nhưng khi đi gần nhà máy vẫn bị cay mắt, hắt hơi liên tục mà không rõ nguyên nhân.

Qua kiểm tra thực tế của cơ quan chuyên môn cho thấy, các hạng mục sản xuất ra đồng kim loại và axit H2SO4 chưa đầu tư đúng theo tiến độ trong giấy chứng nhận đầu tư. Vì vậy, lượng khí SO2 chưa được thu hồi để sản xuất ra axit H2SO4 mà phải xử lý bằng hệ thống phun sữa vôi để trung hòa.

Tuy nhiên, theo ý kiến chuyên môn của một số chuyên gia trong ngành luyện kim, việc dùng sữa vôi để trung hòa khí SO2 chỉ là một giải pháp “chữa cháy” không thể dùng lâu dài. Theo thiết kế, Nhà máy luyện kim loại màu có thiết kế 10.000 tấn/năm và 35.000 tấn axit H2SO4/năm.

Để sản xuất 10.000 tấn đồng, thông thường phải sử dụng khoảng 45-47 tấn tinh quặng đồng nên sẽ sản sinh một lượng khí SO2 và một số khí thải độc hại khác rất lớn, không thể dùng sữa vôi trung hòa hết được. Chỉ có một hệ thống thu hồi khí thải theo đúng quy chuẩn được lắp đặt mới có thể giảm thiểu tác hại ra môi trường bên ngoài.

Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, nhà máy chưa có hệ thống thu hồi khí thải (chủ yếu là SO2). Ngoài ra, qua kiểm tra thực tế, cơ quan chuyên môn cũng phát hiện hệ thống xử lý khí thải của nhà máy luyện kim màu này còn có một số vị trí bị hở, hệ thống cấp và phun sữa vôi cũng chưa đáp ứng yêu cầu nên lượng khí thải SO2 không được xử lý triệt để, phát tán vào môi trường không khí.

Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, nếu gặp điều kiện thời tiết có mây mù, ẩm ướt hoặc trời mưa, khí SO2 sẽ tác dụng với nước và hơi nước tạo thành dung dịch axit H2SO4 gây tác động xấu cho cây cối, hoa màu.

Còn theo những nghiên cứu của ngành Y tế, khí SO2 có thể xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp hoặc hòa tan với nước bọt, từ đó qua đường tiêu hóa để ngấm vào máu. Khí SO2 có thể kết hợp với các hạt nước nhỏ hoặc bụi ẩm để tạo thành các hạt axít H2SO4 nhỏ li ti, xâm nhập qua phổi vào hệ thống bạch huyết.

Trong máu, SO2 tham gia nhiều phản ứng hóa học làm giảm dự trữ kiềm trong máu, gây rối loạn chuyển hoá đường và protein, gây thiếu vitamin B và C, tạo ra methemoglobine để chuyển Fe2+ (hoà tan) thành Fe3+(kết tủa), gây tắc nghẽn mạch máu cũng như làm giảm khả năng vận chuyển oxy của hồng cầu, gây co hẹp dây thanh quản, khó thở.
 
Một số công nhân đã từng làm việc tại nhà máy này cho biết thêm, do nhà máy không lắp đặt thiết bị thu hồi khí thải nên trong khuôn viên cơ sở này rất bụi với mùi khó thở. Ngoài ra, vào tháng 8/2016 Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai đã lấy mẫu kiểm tra,̀ xác định có 19 thông số trong 3 mẫu nước bề mặt tại nhà máy vượt quy chuẩn cho phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Còn theo báo cáo mới nhất của tổ công tác được thành lập theo quyết định của UBND tỉnh Lào Cai, để giải quyết vụ việc, nồng độ khí SO2 đo được tại nhà máy có thời điểm cao gấp 18 lần tiêu chuẩn cho phép.

 Ông Phạm Đăng Năm, Bí thư Đảng ủy xã Bản Lầu, huyện Mường Khương cho biết: "Thời gian gần đây đã nhận được thông tin của nhân dân trên địa bàn phản ánh về việc khí thải từ Nhà máy luyện kim loại màu gây mùi khó chịu. Nhiều người dân sống ở trung tâm xã Bản Lầu, cách nhà máy 6-7km, nhưng nhiều buổi sáng vẫn ngửi thấy mùi khí thải. Lâu dài, đây là một vấn đề đáng báo động bởi khi nhà máy vận hành hết công suất thiết kế, nếu không được thu gom, khí thải nhà máy này sẽ bao phủ một diện rất rộng cả 6 thôn của xã với gần 600 hộ dân và hơn 1000 nhân khẩu".

Xã Bản Lầu là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của tỉnh Lào Cai với nhiều loại cây quả đặc hữu như dứa, chuối, chè… Với hiện trạng quanh khu vực nhà máy trên như thời gian qua, ngay cả cây cỏ tự nhiên còn không tồn tại được, các loại cây ăn quả đặc hữu và sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao bị chết là điều khó tránh khỏi.

Người dân ở các địa phương vùng cao Lào Cai, trong đó có xã Bản Lầu, huyện Mường Khương không thường xuyên tiếp cận với các dịch vụ y tế nên ô nhiễm môi trường sống do khí thải là nguy cơ vô cùng nguy hiểm ảnh hưởng tới sức khỏe.

Vẫn biết phát triển công nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực luyện kim, trong quá trình sản xuất không tránh khỏi việc sản sinh ra các khí độc hại và nước thải có thể gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp thực sự có trách nhiệm với cộng đồng và môi trường sống của người dân thì hoàn toàn vừa sản xuất, vừa có thể bảo vệ môi trường.

Phát triển “công nghiệp xanh” đang là một xu hướng tất yếu để bảo vệ môi trường sống và hạn chế sự biến đổi khí hậu đang ngày một diễn biến mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu. Thời gian qua, tỉnh Lào Cai cũng là địa phương chịu không ít tác động của biến đổi khí hậu. Đã đến lúc, các ngành hữu quan và lãnh đạo tỉnh Lào Cai cần có một thái độ rõ ràng trong định hướng phát triển công nghiệp ở địa phương. 
Hồng Ninh/TTXVN
Khí thải từ nhà máy luyện đồng làm chết dứa của người dân xã Bản Lầu
Khí thải từ nhà máy luyện đồng làm chết dứa của người dân xã Bản Lầu

Theo kết quả điều tra, lấy mẫu phân tích của cơ quan chuyên môn tỉnh Lào Cai, bước đầu có thể nhận định khí thải từ Nhà máy luyện kim màu Lào Cai của Công ty cổ phần Tứ Đỉnh là nguyên nhân chính làm chết hàng chục ha dứa và nhiều cây cối, hoa màu khác của người dân ở xã Bản Lầu, huyện Mường Khương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN