Đại diện tỉnh Lai Châu cho biết: Hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) Trung ương, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh, Ban đại diện Hội đồng Quản trị (HĐQT) chi nhánh NHCSXH tỉnh.
Hiện, chi nhánh NHCSXH tỉnh Lai Châu đã triển khai 18 chương trình tín dụng ưu đãi cho 269.830 lượt hộ nghèo, hộ chính sách khác được vay vốn với tổng số tiền trên 7.693 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 4.801 tỷ đồng.
Từ nguồn vốn vay đó đã có 72.765 lượt hộ nghèo đã thoát khỏi ngưỡng nghèo, tạo việc làm mới cho 26.775 người lao động; 580 lao động được vay vốn để đi lao động có thời hạn tại nước ngoài, 9.854 học sinh, sinh viên được vay vốn và mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến, xây mới được 71.033 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS&VSMTNT); 7.795 hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn để làm nhà.
Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng vào thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, tăng thu nhập bình quân đầu người, giảm tỷ lệ hộ nghèo; đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Nguồn vốn với lãi suất ưu đãi còn góp phần bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao nhận thức của hộ nghèo, giúp đồng bào tự tin, tăng dần vị thế trong xã hội.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, ông Giàng A Tính khẳng định tính hiệu quả của nguồn vốn với lãi suất ưu đãi được triển khai theo Nghị định 78; đồng thời, đề nghị trong thời gian tới, các cấp, các ngành tiếp tục phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ hơn về nguồn vốn từ NHCSXH; tiếp tục tăng cường công tác phối hợp để triển khai nguồn vốn đảm bảo đúng đối tượng và phát huy hiệu quả.
Mục tiêu giai đoạn tiếp theo đến năm 2030, tỉnh Điện Biên sẽ tăng cường nguồn lực thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội, tăng trưởng nguồn vốn tín dụng bình quân hàng năm khoảng 10%; thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách xã hội được Chính phủ giao và các chương trình tín dụng do địa phương, tổ chức, đơn vị giao vốn ủy thác; 100% người nghèo và các đối tượng chính sác khác có nhu cầu, đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ tài chính do NHCSXH cung cấp. Tỉnh Điện Biên sẽ phát triển, nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ tài chính, ngân hàng, đảm bảo phục vụ tốt nhất nhu cầu của người nghèo, các đối tượng chính sách khác.
Ông Phạm Đức Toàn cho biết: Qua 20 năm thực hiện Nghị định 78 của Chính phủ đã thực sự tạo cơ hội cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh tiếp cận với dịch vụ tín dụng ưu đãi của Nhà nước; góp phần ngăn chặn tệ nạn cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, giúp cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách có vốn để phát triển kinh tế, tạo việc làm, cải thiện cuộc sống vươn lên thoát nghèo.
Giai đoạn 2002 - 2022, tỉnh Điện Biên đã triển khai thành công hoạt động tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định 78. Thông qua vốn tín dụng chính sách, đã có trên 392 nghìn lượt người nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn ưu đãi lãi suất để cải thiện cuộc sống, chuyển biến nhận thức, cách thức làm ăn. Từ nguồn tín dụng chính sách có gần 66 nghìn lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo; trên 19 nghìn lượt lao động được tạo thêm việc làm mới hoặc được duy trì và mở rộng việc làm, trong đó có 738 người xuất khẩu lao động; gần 22 nghìn học sinh, sinh viên (HS-SV) có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; xây dựng được trên 36 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, gần 16 nghìn ngôi nhà ở cho hộ nghèo và nhà ở cho người có thụ nhập thấp tại khu vực đô thị.
Với 100% thôn, bản được tiếp cận, vốn tín dụng chính sách đã kịp thời hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu của người dân ổn định đời sống, sinh hoạt. Hoạt động tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Điện Biên; góp phần tích cực trong công cuộc xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm từ 3 - 4%; niềm tin của nhân dân đối với chính sách ưu việt của Đảng và Nhà nước ngày càng được củng cố và nâng cao. Hoạt động tín dụng chính sách thực sự là “điểm sáng” và là một trong các trụ cột trong hệ thống các chính sách giảm nghèo ở Việt Nam.
Tại tỉnh Thanh Hóa, nguồn vốn tín dụng chính sách cho vay trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng trưởng và đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Từ 3 chương trình tín dụng ban đầu, đến nay, chi nhánh NHCSXH tỉnh Thanh Hóa đã và đang triển khai cho vay 22 chương trình ưu đãi. Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh, trong đó tập trung ưu tiên cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Tổng dư nợ tín dụng chính sách đến ngày 31/8 đạt gần 11.900 tỷ đồng, tăng hơn 11.461 tỷ đồng so với thời điểm nhận bàn giao, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 130,7%, với hơn 246.000 hộ còn dư nợ.
Hoạt động tín dụng chính sách xã hội tại Thanh Hóa đã góp phần giúp trên 321.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo, gần 91.000 lao động được tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm, hơn 11,3 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài được vay vốn, giúp hơn 448,3 nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, xây dựng gần 637.000 công trình cung cấp nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn, hơn 40.500 căn nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách, trong đó có gần 2.600 căn nhà ở phòng, tránh bão, lụt; hơn 1.000 căn nhà ở xã hội, 14 người sử dụng lao động được vay vốn để trả lương ngừng việc cho 841 người lao động do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19…
Theo Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng, hoạt động tín dụng chính sách tại một số tỉnh, thành hời gian qua đã phát huy hiệu quả, huy động sức mạnh tổng hợp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội cùng các hệ thống các Tổ tiết kiệm và vay vốn tại địa phương.
Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã đi vào cuộc sống, tác động mạnh mẽ, tích cực đối với hoạt động tín dụng chính sách; cấp ủy, chính quyền các cấp đã thống nhất quan điểm về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương. Trên cơ sở đó luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn nhằm nâng cao năng lực hoạt động của NHCSXH tại địa phương, cụ thể: cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; quan tâm bố trí địa điểm, thời gian, an ninh, an toàn đối với hoạt động giao dịch của NHCSXH tại 100% các điểm giao dịch cấp xã; chỉ đạo củng cố nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng trên địa bàn…