Người dân 'xóm chạy thận' ở Hà Nội vật lộn dưới cái nóng gay gắt

Nắng nóng gay gắt, có lúc nhiệt độ ngoài trời lên tới 50 độ C khiến cuộc sống của 130 bệnh nhân ở "xóm chạy thận" của Hà Nội vốn đã nhọc nhằn nay lại càng vất vả hơn.

"Xóm chạy thận" là cái tên quen thuộc mà người dân phường Đồng Tâm (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đặt cho con ngõ 121 phố Lê Thanh Nghị. Nơi đây từ lâu đã thành chỗ lưu trú cho bệnh nhân chạy thận theo chu kỳ tại Bệnh viện Bạch Mai và một số bệnh viện ở Hà Nội. Hiện nay, xóm có 130 bệnh nhân đang sinh sống.

Những ngày nắng gay gắt này, không khí trong xóm ngột ngạt, oi bức đến khó thở. Dưới lớp ngói fibro ximăng đã nứt vỡ, được vá bằng những tấm tôn và đan xen với  những tấm nhựa mỏng, hơi nóng đổ xuống các căn phòng nhỏ, hầm hập như thiêu đốt. Chiếc quạt hơi nước được coi và vật xa xỉ trong mỗi phòng trọ.

Chú thích ảnh
Cánh tay của những người dân trong xóm sau nhiều nay chạy thận.

Điều trị bệnh tại đây đã được 18 năm, ông Hoàng Văn Tuấn (46 tuổi, quê Mỹ Lộc, Nam Định) loay hoay nấu bữa sáng trên bếp cá nhân vừa bưng ra cửa phòng, nói: "Biết là ngõ nhỏ, chật hẹp khó đi lại, nhưng tôi vẫn phải đưa bếp ra ngoài, bởi thời tiết này nấu cơm trong phòng chịu sao nổi".

Hàng ngày, ông Tuấn vẫn cố làm thêm nghề chạy xe ôm để kiếm tiền chữa bệnh. Vợ ông bị tai nạn, sức khoẻ yếu, không thể lao động, còn con của ông năm nay lên lớp 7, chưa phụ giúp bố mẹ được về kinh tế. Trong những ngày dịch COVID-19 bùng phát tại Hà Nội, người dân hạn chế đi lại khiến thu nhập của ông giảm sút. Mọi kinh phí điều trị của mình, ông Tuấn dựa vào sự hỗ trợ của người thân, bạn bè và các nhà hảo tâm.

Ông Tuấn chia sẻ: "Phòng có mỗi cái quạt, nhưng trời nóng nên ban ngày quạt còn... thổi ra hơi nóng. Cố vay mượn thì cũng có thể sắm được cái điều hoà cũ đấy, nhưng nghĩ đến tiền điện cao quá nên lại thôi. Nhiều khi cố chạy xe kiếm tiền đến mệt lả người, về chỉ muốn ngủ nhưng nằm xuống giường nóng hầm hập, đành phải thức đến khi nào mệt quá, ngủ thiếp đi. Nhiều hôm, tôi phải thức đến 2-3 giờ sáng"..

Chú thích ảnh
Mùa hè đến, người dân trong "xóm chạy thận" phải ra ngõ ngồi vì trong nhà oi bức không chịu nổi.
Chú thích ảnh
Người nào còn ở trong nhà thì phải ra cửa phòng mong có được chút không khí.
Chú thích ảnh
Trong khu trọ thấp, chật hẹp, mùi thuốc sát trùng càng làm không khí trở nên ngột ngạt, khó chịu.

Do đặc thù của việc điều trị nên các bệnh nhân tại xóm không thể uống nhiều nước, dù thời tiết nắng nóng. Bà Nguyễn Thị Sự (70 tuổi, quê Hiệp Hoà, Bắc Giang) cho biết, căn bệnh suy thận đeo bám 12 năm nay khiến mỗi tuần bà phải lọc máu 2 lần. Mọi chi phí chữa bệnh của mình, bà đều dựa vào con trai cùng chút đồng lương hưu giáo viên và các khoản hỗ trợ.

"Bệnh này dù có nóng, có khát cũng không được uống nhiều nước. Khó chịu và mệt lắm. Nhiều khi nóng quá cứ trêu nhau bảo thôi nóng cho ra mồ hôi, càng bớt được nước trong người...", bà Sự chua chát nói.

Quanh năm chữa bệnh, chi phí sinh hoạt như ăn uống, thuê nhà, thuốc men... là những khoản cố định vô cùng lớn, khiến phần lớn các hộ dân trong xóm không ai dám mơ ước đến điều hoà, máy lạnh.

Chú thích ảnh
Giành giật sự sống với bệnh tật, người dân nơi đây đã nhiều năm không thể trở về quê hương.
Chú thích ảnh
Những ngày nắng nóng như cơn ác mộng với bà Dương Thị Hoài khi khát cũng không được uống nhiều nước và cũng không biết đi đâu cho hết nóng.

Xóm chạy thận xơ xác này cũng là căn nhà thứ hai của bà Dương Thị Hoài (quê Nam Định), bà đã 66 tuổi và có đến 11 năm sống chung với căn bệnh suy thận tại bệnh viện Bạch Mai. Căn phòng trọ rộng chừng 8 mét vuông, bà Hoài thuê mỗi tháng đã 1,2 triệu.

Sợ mẹ vất vả, mấy người con bà Hoài gom góp mua cho mẹ chiếc điều hòa, nhưng bà chỉ dám bật nó lên mỗi khi các con đến chơi. Còn ngày thường, dù nóng đến mấy, chiếc điều hoà vẫn nằm đó như vật trang sức đắt tiền.

"Tiền điện toosn kém nên tivi cũng chả dám xem nữa là bật điều hoà. Bản thân tôi có làm được gì ra tiền đâu, các con gom góp lo cho mình hàng tháng đã vất vả lắm rồi. Chúng nó muốn đón tôi về nhưng tôi sợ trở thành gánh nặng, căn bệnh này ở quê không thể điều trị tốt như Hà Nội", bà Hoài chia sẻ.

Chú thích ảnh
Tiền điện đắt đỏ khiến "giấc mơ" về những chiếc điều hoà trong xóm chạy thận trở nên xa xỉ.

Căn bệnh suy thận đến với bà Hoài chưa phải là điều tồi tệ nhất. Thời gian đầu khi đến xóm thuê phòng để tiện đến bệnh viện chạy thận, chồng của bà Hoài luôn ở bên chăm sóc, đỡ đần. "Khi phòng tôi chưa có điều hòa thì còn hai vợ chồng nên đỡ buồn, lắp điều hoà được 1 năm thì ông bỏ tôi đi mất, đến lúc đỡ khổ hơn 1 tý thì người lại không còn", bà Hoài rơm rớm trong nước mắt.

Chú thích ảnh
Ni sư Thích Đàm Hoài (chùa Phúc Long) cùng các nhà hảo tâm đã đến hỗ trợ bà con trong xóm chạy thận.
Chú thích ảnh
Những phần quà từ các nhà hảo tâm đã giúp những người dân trong xóm chạy thận vơi đi phần nào gánh nặng của cuộc sống.

Bà Hoài chia sẻ, rất may là trước đợt nóng này, nhà chùa Phúc Long đã đến thiện nguyện, tặng rất nhiều lương thực, thực phẩm. Giữa lúc dịch COVID-19 khiến người dân lao động gặp khó khăn, thì tấm lòng của các nhà hảo tâm đã giúp cho người trong xóm chạy thận không lo bị đói.

Video phóng viên báo Tin tức ghi nhận chia sẻ từ người dân xóm chạy thận trong những ngày nắng nóng oi bức:

 

Bài, ảnh, clip: Trung Nguyên/Báo Tin tức
Ấm lòng cư dân 'xóm chạy thận' mùa dịch COVID-19
Ấm lòng cư dân 'xóm chạy thận' mùa dịch COVID-19

Chiều 14/5, Chùa Phúc Long (Thanh Trì, Hà Nội) cùng các phật tử và nhà hảo tâm trao tặng 135 suất quà tới các hộ dân "xóm chạy thận" ở 121 Lê Thanh Nghị (phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN