Tối 13/11, đê bao cồn Phú Đa, khu vực ấp Phú Bình (tỉnh Bến Tre) tiếp tục vỡ thêm khoảng 300 m. Vụ vỡ đê đã làm 4 căn nhà xây dựng kiên cố và đất của người dân ven sông Cổ Chiên bị sụp lún xuống sông. Ảnh: Công Trí/TTXVN |
Sau hơn một tháng kể từ ngày xảy ra sự cố sạt lở đê bao ở khu vực cồn Phú Đa, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre khiến 4 ngôi nhà sụp xuống sông và 8 ngôi nhà buộc phải di dời đi nơi ở mới, vợ chồng chị Ngô Thị Cẩm Hương, cồn Phú Đa, xã Vĩnh Bình xin hàng xóm dựng tạm mái chòi để tiếp tục công việc bán quán nước cho khách qua lại nơi bến đò tạm Phú Bình để mưu sinh qua ngày.
Sự cố sạt lở bất ngờ xảy ra vào chiều 12/11 khiến ngôi nhà trị giá khoảng 200 triệu đồng đang xây dựng chưa ở ngày nào của vợ chồng chị Hương sụp xuống sông. Bỗng chốc, cơ ngơi mà hai vợ chồng dành dụm cả đời bị hà bá cuống trôi theo dòng nước xiết.
Nhưng dẫu có biết nguy hiểm vẫn rình rập từng ngày nhưng vợ chồng chị vẫn chấp nhận mưu sinh ở khu vực cồn Phú Đa. “Hiện tại, vợ chồng tôi che tạm mái chòi để bán quán nước, duy trì cuộc sống của mình. Về lâu dài không dám nghĩ tới phải làm gì vì nỗi mất mát quá lớn, đến nay vẫn còn ám ảnh”, chị Cẩm Hương chia sẻ.
Sau sự cố sạt lở xảy ra liên tục từ ngày 12 – 14/11, gia đình ông Nguyễn Như Long nằm trong diện buộc phải di dời khẩn cấp sang nơi ở mới. Chính quyền địa phương đã hỗ trợ gia đình ông tháo dỡ một phần nhà, di chuyển đồ đạc có giá trị sang nhà người thân cất tạm. Tuy nhiên, đến nay vợ chồng ông Long và cháu nội vẫn bám trụ lại một phần mái nhà dưới của ngôi nhà vì lý do chưa có kinh phí để cất nơi ở mới.
Ông Nguyễn Như Long cho biết, hôm sạt lở nhà nước buộc các hộ dân trong diện có nguy cơ bị sạt lở phải di tản, di dời để lấy đất làm bờ đê mới. Sau vài ngày đất tạm ổn, bớt sạt lở, các gia đình vẫn cố bám lại nhà cũ vì chưa có điều kiện tài chính, rất mong nhà nước có chính sách hỗ trợ để di dời.
Đến nay, không riêng gì gia đình chị Hương, ông Long mà phần lớn các hộ dân có nhà bị sạt lở và buộc phải di dời vẫn cố bám trụ, tiếp tục công việc ở mép sông Cổ Chiên dẫu ngày nào nỗi sợ cũng đeo bám họ. Nhịp sống cứ lặp lại cả tháng nay: ban ngày về nhà, vườn cũ làm việc, mưu sinh, tối thì đến nhà người thân ngủ nhờ hoặc liều mình ngủ lại nhà cũ trong nỗi lo thấp thỏm.
“Nhà bây giờ nguy hiểm quá không dám ở, nên tối tôi đi ngủ ở nhà người bà con, ban ngày ra dọn dẹp, chăm sóc vườn cây ăn trái”, anh Chung Hoàng Mai chia sẻ nỗi khó khăn của mình.
Căn nhà của vợ chồng chị Phan Thị Mộng Trinh cũng đã bị tháo dỡ một nửa, giờ vợ chồng chị và con còn sống tạm dưới mái bếp. Chị Trinh rầu rĩ cho biết, hôm bị sạt lở, vợ chồng chị dời về nhà bố ở tạm. Nhưng vì nhà bố ở xa xôi, con cái đi học khó khăn. Dẫu biết ở đây không an toàn nhưng cũng phải ở. Nếu nhà nước sớm hỗ trợ bơm cát nền nhà bên trong đê mới thì chúng tôi sẽ dựng tạm nhà ở cho an toàn.
Sau khi đê bao ấp Phú Bình, cồn Phú Đa, xã Vĩnh Bình bị sạt lở, huyện Chợ Lách đã trích hơn 2 tỷ đồng để làm gần 500 m đê bao mới, đến nay đã hoàn thiện. Những gia đình nằm ngoài khu vực đê bao này đều buộc phải di dời nhưng không phải ai cũng có thể đi được vì phần lớn đất đai của họ đã chảy theo dòng nước hoặc đã hiến để làm đê bao.
Ông Lê Nguyên Luyến, Trưởng ấp Phú Đa cho biết, đến thời điểm này đã có hai hộ dời nhà vào bên trong đê mới, những hộ còn lại vẫn ở tạm nhà cũ hoặc ở nhờ nhà người thân. UBND xã sẽ hỗ trợ bơm cát nền, cát xây tường cho 10 hộ còn lại nhưng hiện nay các hộ này vẫn chưa cất nhà mới.
“Sở dĩ những hộ còn lại chưa di dời vì đê cũ bị vỡ đã được sửa xong, nghề nghiệp của họ gắn với mép sông này (đặt lợp, đánh cá…), vườn cây ăn trái vẫn còn nên họ bám trụ lại để mưu sinh”, ông Luyến giải thích.
Theo ông Phạm Anh Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách cho biết, đối với các hộ sạt lở vừa qua, tỉnh cũng như huyện hết sức quan tâm. Trước mắt đã hỗ trợ cho mỗi hộ dân 20 triệu đồng. Bên cạnh đó cũng có nhiều nhà tài trợ đã đến hỗ trợ cho người dân. Mỗi hộ đến nay cũng được 40 - 50 triệu đồng. Cơ bản chính quyền cũng sẽ hỗ trợ người dân xây cất nhà để có thể an cư lạc nghiệp.