Sạt lở bờ bao cồn Phú Bình ảnh hưởng trực tiếp đến nhà ở và diện tích đất sản xuất của người dân. Ảnh: Trần Thị Thu Hiền/TTXVN |
Theo ông Cao Văn Trọng, đảm bảo an toàn khoảng 700 hộ dân/2.000 nhân khẩu, với 800 ha đất cồn Phú Bình - Phú Đa, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre kiến nghị Trung ương xem xét, hỗ trợ kinh phí khoảng 60 tỷ đồng để đầu tư khẩn cấp kè chống sạt lở toàn tuyến đê bao cồn Phú Bình - Phú Đa. Điều này nhằm giúp người dân trong khu vực yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống. Đồng thời, các hộ bị ảnh hưởng sạt lở được xây dựng khu tái định cư.
Cùng với đó, Bến Tre cũng đề nghị các Bộ, ngành Trung ương; cơ quan nghiên cứu Khoa học và các Viện trường hỗ trợ địa phương khảo sát, đánh giá tìm nguyên nhân gây sạt lở để khuyến cáo, hướng dẫn địa phương biện pháp xử lý, khắc phục phù hợp.
Bến Tre là tỉnh xếp thứ 8 trong số 63 tỉnh, thành cả nước chịu ảnh hưởng nặng nề do tác động của biến đổi khí hậu. Trong đó, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh ngày càng nghiêm trọng.
Cụ thể, trong các ngày 12 và 13/11/2017, khu vực cồn Phú Đa - Phú Bình xảy ra sạt lở đê bao nghiêm trọng. Chiều dài sạt lở khoảng 400m, sạt lở ăn sâu vào trong đất liền 20 - 50m, làm 4 ngôi nhà kiên cố bị sụp xuống sông Cổ Chiên, trôi hoàn toàn. Ngoài ra, 8 căn nhà ở bị đe dọa trực tiếp đã di dời khẩn cấp; sạt lở làm mất một cầu phà, giao thông bị chia cắt; 25 ha cây ăn trái, hoa màu bị ngập úng; mất gần 2ha đất trong vòng 2 ngày.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ, huy động mọi nguồn lực để tập trung ứng phó, khắc phục thiệt hại.Tuy nhiên, tình hình sạt lở vẫn diễn biến phức tạp. Một số đoạn tiếp tục sạt lở thêm do đã vượt quá khả năng ứng phó của địa phương. Trường hợp không có giải pháp khắc phục phù hợp, kịp thời, toàn bộ các hộ dân trong khu vực cồn Phú Đa - Phú Bình sẽ bị ảnh hưởng.
Ông Phạm Anh Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách cho biết, hiện việc thi công 2 đoạn đê bao có tổng chiều dài 470 m cơ bản đã hoàn thành. Trong đợt triều cường tháng 11 vừa qua, tuyến đê đã ngăn nước không tràn vào vườn cây cây ăn trái của người dân. Do khó khăn về vốn ngân sách và sự cấp bách phải khắc phục sự cố nên tỉnh cho chủ trương vừa thiết kế vừa thi công. Huyện chỉ mới tạm ứng kinh phí 2 tỷ cho đơn vị thi công và đã đề nghị với tỉnh xin kinh phí.