Ngày 28/4 không ghi nhận ca mắc mới COVID-19; ngăn chặn tiêu cực trong mua sắm thiết bị phòng dịch

Đến 18 giờ ngày 28/4, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới COVID-19, giữ nguyên tổng số 270 ca, có 3 ca dương tính trở lại sau khi khỏi bệnh và có kết quả xét nghiệm âm tính. Như vậy, từ 6 giờ sáng ngày 16/4 đến 18 giờ ngày 28/4, Việt Nam đã có 12 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 45.466 trường hợp, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện: 323; cách ly tập trung tại cơ sở khác: 8.459; cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 36.684 trường hợp.

Chú thích ảnh
Xét nghiệm sàng lọc ca mắc COVID-19. Ảnh: TTXVN.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, trong các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với vi rút SARS-CoV-2 là 8 ca; số ca có kết quả xét nghiệm 2 lần trở lên âm tính là 7 ca.

Trong số 8 bệnh nhân dương tính lại với vi rút SARS-CoV-2 sau khi khỏi bệnh, kết quả xét nghiệm mới nhất của bệnh nhân 52 và 149 ở Quảng Ninh và bệnh nhân 36 tại Bình Thuận đều âm tính. Hiện các bệnh nhân này vẫn được cách ly, theo dõi tiếp tại các cơ sở y tế, điều trị nâng cao thể trạng, sức khỏe ổn định, không sốt, không ho. Tất cả các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân 36 đều có kết quả xét nghiệm âm tính.

Ngăn chặn có hiệu quả tiêu cực, tham nhũng trong mua sắm các trang thiết bị y tế

Chiều 28/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN.

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi 12 ngày liên tiếp không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng. Các vùng có nguy cơ cao được công bố tại cuộc họp trước đều không có ca lây nhiễm mới. Với 270 ca mắc COVID-19 trong 100 triệu dân, hệ số lây nhiễm dịch bệnh ở nước ta thuộc nhóm thấp nhất thế giới.

Thủ tướng cho rằng, các ngành, các cấp, các địa phương trong cả nước, nhất là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện tốt các chỉ đạo của Thủ tướng và Chính phủ. Đây là một thành công của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong phòng, chống dịch COVID-19. Đến giờ phút này, có thể nói, Việt Nam đã cơ bản đẩy lùi được dịch COVID-19.

Tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục nhấn mạnh quan điểm không được chủ quan trong phòng, chống dịch; phát huy hơn nữa trách nhiệm cán bộ y tế, nhất là ở tuyến đầu phòng dịch vì hiện vẫn chưa có vắc xin chữa trị, phòng dịch.

Các cơ quan chức năng và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cần tiếp tục thực hiện theo chiến lược đề ra, phát hiện sớm, khoanh vùng, dập dịch và chữa trị hiệu quả. Người đứng đầu cơ sở, tổ chức, địa phương cần tiếp tục thực hiện các biện pháp đã đề ra theo nội dung Chỉ thị 19; tránh tập trung đông người.

Thủ tướng nhắc lại quy định tiếp tục đeo khẩu trang nơi đông người; đảm bảo an toàn cho người dân, an toàn với dịch bệnh và an toàn giao thông. Hệ thống phòng dịch vẫn tiếp tục hoạt động 100%; triển khai công tác xét nghiệm, phát hiện sớm, điều trị bệnh nhân có hiệu quả, nhất là các đối tượng nghi nhiễm phải được nhân rộng kiểm tra.

Về đề nghị của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần tạo điều kiện xuất khẩu khẩu trang y tế, tháo gỡ khó khăn thúc đẩy xuất khẩu trên cơ sở đã có cơ số dự phòng trong nước và đảm bảo chất lượng; tạm dừng mua sắm thuốc điều trị cho tình huống 10.000 người mắc...

Thủ tướng yêu cầu các địa phương và các ngành cần tập trung xem xét, có giải pháp chống lây nhiễm từ bên ngoài; đồng thời nới lỏng, khôi phục các hoạt động xã hội. Khởi động tích cực các ngành nghề kinh tế có hệ số an toàn cao trên cơ sở có phương án phòng dịch đảm bảo.

Người đứng đầu các cấp, các ngành tăng cường quán triệt các nội dung của Chỉ thị 19, đảm bảo an toàn giao thông; phân công người trực trong thời gian nghỉ để kịp thời xử lý các vấn đề liên quan đến dịch bệnh.

Đặc biệt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các địa phương có biện pháp đảm bảo an toàn cho học sinh đi học trở lại. Cùng với đó, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cần xây dựng phương án ứng phó với nguy cơ dịch bệnh lây lan trở lại trên diện rộng. Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế cần có biện pháp tăng cường kiểm soát tại các đường mòn, lối mở, tiến hành cách ly phù hợp theo đặc điểm của địa phương; tiếp tục cải thiện cơ sở vật chất các khu cách ly, đảm bảo an toàn, chuẩn bị cho các tình huống xấu xảy ra.

Thủ tướng lưu ý các địa phương ngăn chặn có hiệu quả tình trạng tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong mua sắm các trang thiết bị y tế. Nếu phát hiện tiêu cực, tham nhũng phải chuyển cơ quan điều tra để xử lý nghiêm. Cùng với đó, các cơ sở sản xuất trang thiết bị y tế phải chú ý đảm bảo chất lượng, gìn giữ uy tín quốc gia.

Trường học phải đảm bảo các tiêu chí phòng chống dịch mới được hoạt động

Ngày 28/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng chống dịch COVID-19 trong trường học, với 15 tiêu chí áp dụng cho trước, trong và sau khi học sinh học tập ở trường.

Theo bộ tiêu chí này, nếu trường nào đạt từ 7 tiêu chí trở xuống sẽ bị đánh giá là "thực hiện chưa tốt, trường học không an toàn và không được phép hoạt động". Bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng chống dịch COVID-19 trong trường học được Bộ GD&ĐT phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) thực hiện và tham khảo ý kiến chuyên môn của Bộ Y tế để xây dựng.

Chú thích ảnh
Trường học phải đạt các tiêu chí do Bộ GD&ĐT quy định mới được hoạt động trở lại. Ảnh: Vũ Vân.

Một số tiêu chí được Bộ GD&ĐT nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu là: 100% học sinh, cán bộ, giáo viên phải khai báo sức khỏe, đo thân nhiệt ở nhà trước khi đến trường; 100% học sinh và cán bộ, giáo viên thực hiện việc đeo khẩu trang đúng cách trên đường đến trường; thực hiện vệ sinh, khử trùng trường, lớp, đồ dùng học tập và phương tiện đưa đón (nếu có) theo đúng hướng dẫn của ngành Y tế; có nhân viên y tế trường học, phòng cách ly, phòng y tế đảm bảo theo quy định, có tổ chức tư vấn tâm lý học đường… Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, rà soát và bổ sung kịp thời các trang thiết bị phòng chống dịch bệnh để chuẩn bị cho buổi học tiếp theo phải được các trường kiểm tra thường xuyên.

Bộ GD&ĐT khuyến nghị các trường thường xuyên kiểm tra để duy trì các tiêu chí đạt. Trường học được đánh giá “Đạt” từ 8 đến 10 tiêu chí, được xếp loại “thực hiện khá, trường học an toàn, được phép hoạt động và cho học sinh đi học trở lại”. Căn cứ vào bộ tiêu chí này, Bộ GD&ĐT đề nghị các Sở GD&ĐT xây dựng các tiêu chí cụ thể gắn với tình hình thực tiễn của địa phương, làm cơ sở đánh giá mức độ an toàn của nhà trường khi cho học sinh đi học trở lại.

Hà Nội tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch trong tình hình mới

Ngày 28/4, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký ban hành Chỉ thị 07/CT-UBND về thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.

Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan thuộc thành phố, UBND quận, huyện, thị xã tiếp tục nâng cao nhận thức và hành động, quán triệt sâu sắc quan điểm “chống dịch như chống giặc”, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và mọi người dân, đề cao kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của người đứng đầu. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Thành phố kiên định thực hiện các nguyên tắc phòng chống dịch: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch đồng thời với việc làm tốt công tác điều trị, hạn chế thấp nhất người tử vong; phương châm “4 tại chỗ”, tuyệt đối không lơ là, chủ quan; nới lỏng nhưng không lơi lỏng; tiếp tục dừng các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, giải đấu thể thao, sự kiện có tập trung đông người tại nơi công cộng, sân vận động và các sự kiện lớn chưa cần thiết; thực hiện việc hiếu, hỷ văn minh, hạn chế tối đa tập trung đông người và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, tránh lây lan dịch bệnh; tiếp tục tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu (khu vui chơi, giải trí, cơ sở làm đẹp (trừ hiệu cắt tóc), karaoke, mát-xa, quán bar, vũ trường, trò chơi điện tử, internet, nhà hát, rạp chiếu phim...

Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức, cơ sở chịu trách nhiệm xây dựng phương án làm việc cho cơ quan, đơn vị một cách phù hợp bảo đảm an toàn cho cán bộ, nhân viên; không tổ chức các cuộc họp, hội nghị đông người chưa cần thiết, không để đình trệ công việc nhất là các công việc có thời hạn, thời hiệu theo quy định của pháp luật, các dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Riêng hai huyện Mê Linh và Thường Tín tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Công văn số 2601/VPCP-KGVX ngày 03/4/2020 của Văn phòng Chính phủ, Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 31/3/2020 của Chủ tịch UBND Thành phố.

Các phương tiện vận tải được phép qua lại trên các tuyến đường liên tỉnh, quốc lộ thuộc địa bàn có nguy cơ cao trên địa bàn thành phố, nhưng phải đảm bảo yêu cầu về phòng chống dịch theo quy định và không dừng, đỗ, đón trả khách. Khuyến cáo người dân không ra khỏi nhà nếu không cần thiết và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Không tập trung quá 20 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách tối thiểu 1m khi tiếp xúc.

Hà Nội phê duyệt ngân sách cho người nghèo vay khắc phục hậu quả dịch COVID-19

UBND TP Hà Nội cũng vừa ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch phân bổ 650 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác phục hồi sản xuất, hỗ trợ khắc phục thiệt hại do dịch COVID-19.

Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, tham mưu, báo cáo UBND thành phố phê duyệt điều chỉnh kế hoạch phân bổ nguồn vốn giữa các quận, huyện, thị xã (nếu có phát sinh), không để tồn đọng, lãng phí vốn, tăng hiệu quả nguồn vốn ủy thác; thẩm tra, xác định số lượng đối tượng vay vốn đảm bảo đúng quy định của pháp luật và chi tiết theo từng đối tượng tại Điều 6 Quyết định số 26/2017/QĐ-UBND ngày 04/08/2017 của UBND TP Hà Nội.

Sở Tài chính căn cứ Quyết định phân bổ nguồn vốn cho vay của UBND thành phố và tiến độ giải ngân của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố, thực hiện thủ tục chuyển kinh phí cho vay đến các đối tượng thụ hưởng theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước.

Thành phố sẽ cho vay theo thứ tự ưu tiên: Hộ được giãn nợ, gia hạn nợ có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh; hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ có mức sống trung bình trên địa bàn; các đối tượng chính sách khác; cơ sở sản xuất kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ thu hút lao động; ưu tiên các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng với dịch COVID-19, các ngành phục vụ sản xuất nông nghiệp, cung ứng lương thực, thực phẩm, y tế cho nhân dân và các ngành nghề dịch vụ phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân trên địa bàn. Quản lý và sử dụng nguồn vốn cho vay theo đúng phương án phân bổ và Quyết định số 26/2017/QĐ-UBND ngày 4/8/2017 của UBND TP Hà Nội.

Vân Sơn/Báo Tin tức
TP Hồ Chí Minh: Thêm bệnh nhân 151 dương tính với COVID-19 trở lại
TP Hồ Chí Minh: Thêm bệnh nhân 151 dương tính với COVID-19 trở lại

Ngày 28/4, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết bệnh nhân 151 - nữ (1975), quốc tịch Brazil, cư ngụ tại T1, Chung cư Masteri Thảo Điền (Quận 2) - đã dương tính trở lại với COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN