Ngày 2/7: Các trường hợp nghi ngờ COVID-19 đều âm tính, Việt Nam phát triển kinh tế đi đôi với đảm bảo an toàn

Ngày 2/7, Việt Nam tiếp tục không ghi nhận ca mắc mới COVID-19. Điều đáng mừng là các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đều đã được xác định âm tính. Trong ngày, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2020, "mục tiêu kép" về phát triển kinh tế đi đôi với an toàn xã hội tiếp tục được khẳng định.

95,8% số ca bệnh COVID-19 đã được chữa khỏi

Chú thích ảnh
Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam ngày 2/7/2020.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, ngày 2/7, Việt Nam tiếp tục không nhận ca mắc mới COVID-19. Như vậy đã 77 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng.

Toàn quốc hiện còn 13.085 người đang cách ly phòng dịch COVID-19. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 13.085 trường hợp, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện: 105; cách ly tập trung tại cơ sở khác: 12.107; cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 873 trường hợp.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, trong số các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính 2 lần trở lên với virus SARS-CoV-2 là 3 ca.

Cũng trong ngày 2/7, Việt Nam có thêm 4 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Như vậy, tính đến thời điểm này, Việt Nam đã có 340/355 ca mắc COVID-19 được điều trị khỏi (chiếm 95,8% tổng số ca bệnh), chưa có trường hợp tử vong.

“Thở phào” khi trường hợp nghi ngờ nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Bình Dương đã âm tính

Chú thích ảnh
Xét nghiệm sàng lọc các mẫu thử nghi mắc COVID-19. Ảnh: TTXVN

Ngay đầu giờ sáng 2/7, thông tin về kết quả xét nghiệm âm tính của trường hợp nghi ngờ nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Bình Dương đã khiến cộng đồng “thở phào”.

Theo thông tin từ Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, Viện nhận được thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM về 1 trường hợp nghi nhiễm virus SARS-CoV-2 làm việc tại Bình Dương đến khám bệnh tại TP. Hồ Chí Minh. Ngay trong ngày 1/7/2020, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh nhanh chóng hỗ trợ địa phương điều tra dịch tễ, xác minh. Kết quả cho thấy trường hợp này và tất cả người tiếp xúc đều âm tính với virus SARS-CoV-2.

Trước đó, tối 1/7, một trường hợp nghi mắc COVID-19 tại Vĩnh Phúc cũng đã được xác định âm tính.

Cách ly y tế 9 công dân tại Vĩnh Phúc

Chú thích ảnh
Việt Nam nỗ lực kiểm soát dịch COVID-19. Ảnh: TTXVN

Mặc dù trường hợp nghi nhiễm COVID-19 tại địa bàn đã được khẳng định âm tính, song Ban chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc vẫn ra quyết định số 846/QĐ-BCĐ về việc đưa 9 công dân đi cách ly y tế, chống lây lan dịch COVID-19, đến cách ly tại Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Tường.

UBND huyện Vĩnh Tường nhận được thông báo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Phúc ngày 1/7/2020, về việc phát hiện một người nước ngoài nghi nhiễm virus SARS-CoV-2. Qua điều tra dịch tễ trên địa bàn huyện Vĩnh Tường có 9 công dân tiếp xúc trực tiếp với lái xe đã chở người nghi nhiễm nói trên.

Để chủ động phòng chống, ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh ra cộng đồng, UBND huyện Vĩnh Tường đã yêu cầu Chủ tịch UBND các xã, thị trấn, đặc biệt các xã Chấn Hưng, Lũng Hòa, Phú Đa, Vân Xuân, Yên Lập... chủ động phối hợp với Trung tâm Y tế huyện và các cơ quan liên quan khẩn trương điều tra, rà soát phát hiện những trường hợp tiếp xúc trực tiếp với 9 công dân trên; tổ chức quản lý, giám sát, cách ly y tế các công dân có liên quan theo quy định. Trong quá trình thực hiện cách ly tại nhà, nơi lưu trú, nếu công dân có các biểu hiện nghi mắc COVID-19, lực lượng chức năng địa phương phải báo cáo ngay với UBND huyện, Ban chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 huyện để chuyển công dân đến cơ sở y tế điều trị và tiếp tục cách ly theo dõi theo quy định.

Việt Nam 'nước rút' trong nghiên cứu, sản xuất vắc-xin phòng COVID-19

Chú thích ảnh
Lấy mẫu huyết thanh của chuột đã tiêm dự tuyển vaccine COVID-19, để đánh giá khả năng sinh miễn dịch vào ngày 15/5 và 29/5. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Tại Việt Nam, dự án nghiên cứu phát triển vắc-xin COVID-19 của các nhà khoa học Công ty một thành viên Vaccine và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech) đang có "triển vọng rất tích cực".

Tại Việt Nam, dự án nghiên cứu phát triển vắc xin COVID-19 của các nhà khoa học Công ty một thành viên Vaccine và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech) đang có "triển vọng rất tích cực".

Tiến sĩ Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch Công ty một thành viên Vaccine và Sinh phẩm số 1 cho biết, hiện vắc-xin đang trong giai đoạn thử nghiệm trên chuột. Khi so sánh với những con chuột được tiêm virus hoang dại đã bất hoạt, những con chuột được tiêm vắc-xin dự tuyển cho đáp ứng kháng thể cao.

“Bằng việc tiêm so sánh với chính chủng vi-rút hoang dại đã được bất hoạt cho chuột, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương xác định các mẫu huyết thanh này đã cho đáp ứng kháng thể, trong đó có những mẫu đáp ứng khá cao”, Tiến sĩ Đỗ Tuấn Đạt thông tin.

Ngoài ra, công nghệ mà Vabiotech sử dụng trong sản xuất vắc-xin phòng chống dịch bệnh là công nghệ vector virus thay vì các công nghệ vắc-xin bất hoạt hay sống giảm độc lực như truyền thống. Đây là công nghệ mới, đa năng, cho hiệu suất sản xuất cao, không phụ thuộc vào việc nuôi cấy toàn thể tác nhân gây bệnh, phù hợp đối với các vắc-xin đại dịch.

Ở giai đoạn tiếp theo, vắc-xin dự tuyển sẽ được phát triển thành vaccine hoàn chỉnh, ổn định và đủ tiêu chuẩn để sử dụng cho người. Nhóm nghiên cứu cũng sẽ xây dựng quy trình sản xuất thương mại để có thể đáp ứng quy mô sản xuất lên tới hàng triệu, thậm chí là hàng chục triệu liều.

Tiến sĩ Đỗ Tuấn Đạt cho biết, vắc-xin phòng COVID-19 của Việt Nam dự kiến tiêm thử trên người sau 9-12 tháng, hoàn chỉnh vào tháng 10/2021. "Có thể từ 9 đến 12 tháng nữa, Việt Nam sẽ có vắc-xin đủ tiêu chuẩn để thử nghiệm trên người. Trong khi thông thường, phải mất từ 3 - 5 năm mới có một dự tuyển có vắc-xin tốt, mất 5-10 năm để hoàn chỉnh có vắc-xin”. Đối với vắc-xin phòng COVID-19, quá trình nghiên cứu sản xuất có thể được rút ngắn và các bước rút ngắn chủ yếu về mặt thủ tục hồ sơ hoặc các quy trình cấp phép. Các bước sản xuất, nghiên cứu vẫn được đảm bảo, không đi tắt hay bỏ qua bất cứ bước nào.

“Hiện Vabiotech cũng chờ đợi các kết quả nghiên cứu của thế giới về hiệu lực của những ứng viên vắc-xin tiềm năng, các quốc gia giải quyết vấn đề đánh giá vắc-xin trên người khi không còn nhiều mô hình bệnh nhân... để so sánh, rút kinh nghiệm và áp dụng cho vắc-xin của Việt Nam”, Tiến sĩ Đỗ Tuấn Đạt chia sẻ.

Thực hiện mục tiêu kép, chống dịch COVID-19 phải tuyệt đối an toàn

Tại Hội nghị Chính phủ với địa phương đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 được tổ chức sáng 2/7, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, Việt Nam đã thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch sớm, chủ động và có hiệu quả.

Tuy nhiên, Bộ Y tế nhận định, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với làn sóng dịch thứ hai nếu trong trường hợp xảy ra các ca lây nhiễm tại cộng đồng do bỏ sót các trường hợp nhập cảnh mắc bệnh hoặc các bệnh nhân nhiễm bệnh nhưng không có triệu chứng trong cộng đồng. Theo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19, Việt Nam đang đứng trước sức ép rất lớn, một mặt phải giữ an toàn trong nước, mặt khác không thể đóng cửa, vì phải đưa công dân Việt Nam bị kẹt ở nước ngoài về nước, cũng như đón các chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam làm việc, xúc tiến thương mại, hợp tác làm ăn.

Thứ trưởng Nguyễn Thành Long cho rằng, Ban Chỉ đạo quốc gia thống nhất tinh thần đảm bảo thực hiện mục tiêu kép nhưng phải tuyệt đối an toàn thông qua triển khai các biện pháp. Trước hết, ngăn chặn dịch xâm nhập thông qua kiểm soát nhập cảnh đường hàng không và kiểm soát đường biên giới trên bộ, đường mòn, lối mở.

Đối với hoạt động kiểm soát dịch xâm nhập qua đường hàng không, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Công an, Đại sứ quán Việt Nam tại nước sở tại để tổ chức hiệu quả các chuyến bay đón công dân (kể cả doanh nhân người Việt Nam) đang mắc kẹt tại nước ngoài, đồng thời phối hợp với bộ, ngành liên quan về lộ trình nối lại đường bay với một số nước và quy trình cách ly đối với người nước ngoài nhập cảnh ngắn hạn, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về các nội dung nêu trên nhằm ngăn chặn dịch xâm nhập và từng bước tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế.

Đối với hoạt động kiểm soát dịch xâm nhập qua đường biên giới trên bộ, đường mòn, lối mở, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng tổ chức tuần tra, kiểm soát đường biên giới, cửa khẩu, đường mòn, lối mở chặt chẽ; phân công, bố trí các tổ, chốt cố định, lưu động phù hợp với đường biên giới giáp Trung Quốc, Lào và Campuchia, đảm bảo kiểm soát, ngăn chặn, phát hiện sớm và xử lý các trường hợp xuất, nhập cảnh trái phép.

Về các biện pháp phòng, chống dịch trong tình trạng bình thường mới, Bộ Y tế đã xây dựng phương án xét nghiệm cho giai đoạn có ca bệnh xâm nhập từ nước ngoài về, ca bệnh thứ phát trong cộng đồng và các ổ dịch khu trú và chuẩn bị phương án xét nghiệm cho trường hợp bệnh lây lan rộng trong cộng đồng. Thực hiện chiến lược xét nghiệm ưu tiên cho các nhóm đối tượng nguy cơ cao theo từng phương án phù hợp với tình hình dịch bệnh...

Bộ Y tế đã chủ trì xây dựng các hướng dẫn chi tiết về giám sát dịch, phòng ngừa dịch bệnh tại nơi làm việc, trường học, nhà máy, khu dân cư, các khu tập trung đông người như chợ, rạp hát, sân vận động, ký túc xá của người lao động... để đảm bảo công tác phòng bệnh chủ động tại cộng đồng, đảm bảo sản xuất song song cùng với an toàn phòng, chống dịch.

Xây dựng các tiêu chí đối với các quốc gia, vùng lãnh thổ kiểm soát tốt dịch bệnh; xây dựng các hướng dẫn về điều kiện đảm bảo cho mở cửa hàng không, du lịch quốc tế. Triển khai giám sát trọng điểm quốc gia COVID-19 ở tất cả các khu vực trên toàn quốc. Kiện toàn, duy trì sẵn sàng các đội đáp ứng nhanh để điều tra, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch.

Thực hiện sàng lọc bệnh nhân, phân luồng, phân tuyến, thực hiện kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện đảm bảo không để lây nhiễm trong các cơ sở khám, chữa bệnh; khai thác kỹ tiền sử các trường hợp có biểu hiện viêm đường hô hấp cấp tính để xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp mắc.

Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc truy vết các trường hợp tiếp xúc gần; cập nhật và nâng cấp các phần mềm khai báo y tế, ứng dụng bluezone...; nghiên cứu phương án tích hợp giải pháp quản lý tiếp xúc của các hãng công nghệ lớn, các quốc gia khác trên thế giới để quản lý hiệu quả hơn trong trường hợp mở cửa đường bay quốc tế; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo điều hành, hoạt động chuyên môn; khuyến khích người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến để giải quyết các thủ tục hành chính, tư vấn sức khỏe, khám chữa bệnh...

Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn về hướng dẫn nâng cao năng lực truy vết cho các địa phương. Tổ chức cách ly hiệu quả tại các cơ sở cách ly.

Xây dựng phương án cách ly đối với các chuyên gia nước ngoài nhập cảnh Việt Nam trong thời gian ngắn để thực hiện các hoạt động như xúc tiến đầu tư, ký kết các thỏa thuận, hợp đồng kinh tế. Xem xét có quy định về thu phí đối với cách ly, phí điều trị trên cơ sở vận dụng Nghị định số 101/2010/NĐ-CP ngày 30/9/2010…

Nâng cao năng lực điều trị, tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm các phác đồ điều trị, đặc biệt đối với các ca nặng như bệnh nhân số 19 (đã xuất viện về gia đình) và bệnh nhân số 91. Cùng với đó, tăng cường nghiên cứu khoa học, thực hiện các nghiên cứu khoa học về dịch tễ học phân tử, sản xuất vắc-xin, thuốc điều trị, xét nghiệm chẩn đoán xác định, sản xuất máy thở, các trang thiết bị y tế cần thiết.

Tổ chức các chương trình truyền thông đến các đối tượng có nguy cơ cao, song song với tiếp tục tuyên truyền rộng rãi về sự nguy hiểm của dịch bệnh và nguy cơ xâm nhập vào nước ta để người dân không chủ quan, lơ là; về những kết quả, kinh nghiệm, bài học thực tế và những tấm gương trong công tác phòng, chống dịch.

Phối hợp với WHO hoàn thiện tài liệu về truyền thông nguy cơ và truyền thông trong dịch, cập nhật kinh nghiệm từ thực tế chống dịch của Việt Nam trong thời gian vừa qua và tập huấn cho cán bộ truyền thông ở tuyến cơ sở.

PV/Báo Tin tức
Báo động tình trạng tin giả về COVID-19
Báo động tình trạng tin giả về COVID-19

Một báo cáo do 5 tổ chức kiểm chứng thông tin ở châu Âu thực hiện đã lên tiếng báo động về tình trạng tin giả tràn lan trên mạng xã hội và Internet liên quan đến dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN