Ngày 9/2, tại Hội thảo khoa học "Bạo lực học đường - Thực trạng và giải pháp", do tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Dung nhấn mạnh, bạo lực học đường không chỉ gây ra tác động xấu tới mối quan hệ giữa trò với trò, thầy với trò mà còn gây tác hại trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần, thái độ học tập của học sinh, sự giảng dạy của thầy cô và hoạt động của nhà trường; đồng thời gây ra cái nhìn không tốt, tâm lý e ngại của xã hội đối với ngành giáo dục. Vì vậy, cần ngăn chặn, đẩy lùi và tiến tới xóa bỏ bạo lực học đường..
Theo ông Nguyễn Dung, mặc dù ngành giáo dục và đào tạo tỉnh đã triển khai nhiều chương trình giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên, chú trọng xây dựng văn hóa trường học, nhưng thời gian gần đây, tình trạng bạo lực học đường vẫn xảy ra trên địa bàn tỉnh. Điển hình là các vụ bạo lực học đường của học sinh Trường THCS Trần Phú vào tháng 12/2015, Trường THPT Phú Bài vào tháng 1/2016, Trường THPT Bùi Thị Xuân vào tháng 2/2016 và vụ ở đường La Sơn Phu Tử, thành phố Huế vào tháng 10/2016. Các vụ việc này chủ yếu là bạo lực tập thể, thực hiện các hành vi gây tổn thương nghiêm trọng về mặt thể chất. Tuy nhiên, đây chỉ là phần nổi của "tảng băng chìm" về thực trạng bạo lực học đường đang diễn ra hàng ngày với nhiều hình thức ở tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực học đường, trong đó phải kể đến nguyên nhân từ phía bản thân học sinh gắn với đặc điểm tâm lý lứa tuổi, sự buông lỏng quản lý và nuông chiều con thái quá của nhiều gia đình, tác động từ những mặt trái của xã hội như: sự du nhập của nhiều trò chơi điện tử, phim ảnh, sách truyện có xu hướng bạo lực...
Các đại biểu tham dự hội thảo cho rằng, các bậc phụ huynh cần tăng cường sự quan tâm, lắng nghe, chia sẻ và làm gương cho con cái; cần chú trọng và nâng cao hiệu quả công tác giáo dục đạo đức lối sống, lý tưởng cách mạng cho học sinh; nâng cao trách nhiệm của những nhà quản lý, nhà giáo dục; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh và tạo điều kiện để học sinh tự học tập, rèn luyện, phấn đấu và trưởng thành; tổ chức các hoạt động ngoại khóa, hướng đến hình thành các giá trị chân thiện mỹ....
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Tú Anh, Trường Đại học sư phạm - Đại học Huế nhận định, các hành vi bạo lực học đường có thể gây những hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của học sinh. Để phòng ngừa và ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường, cần quan tâm xây dựng môi trường nói không với bạo lực trong xã hội và nhà trường; nâng cao nhận thức cho học sinh thông qua việc tích hợp, lồng ghép nội dung bạo lực học đường trong các môn học chính khóa và cả hoạt động ngoại khóa.
Phát triển kỹ năng sống cho học sinh, trong đó chú trọng kỹ năng giao tiếp và giải quyết mâu thuẫn để phòng ngừa các hành vi bạo lực xuất hiện. Hỗ trợ cho các học sinh chịu ảnh hưởng bởi bạo lực học đường thông qua việc xây dựng các phòng tư vấn, tham vấn tâm lý các trung tâm hỗ trợ trong nhà trường và cộng đồng; đồng thời xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường.
Thạc sĩ Hoàng Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng, những người làm công tác giáo dục cần nhận thức đúng và có trách nhiệm trong việc giáo dục đạo đức, lối sống; cần đi sâu vào tâm lý các em, quan tâm đến từng hoc sinh ...Việc quan tâm đến tâm lý và bồi dưỡng kỹ năng sống cho học sinh là việc làm quan trọng trong việc hạn chế tình trạng bạo lực học đường.
Mặt khác, để bảo vệ học sinh, nhiều trường học ở Thừa Thiên - Huế đã trang bị kiến thức và đưa ra những quy định phù hợp. Có trường đã thành lập đội ngũ tư vấn tự quản kết hợp với việc lập đường dây nóng, giải quyết kịp thời các sự việc khi còn manh nha. Nhiều trường như: THPT Nguyễn Tri Phương, THPT Nguyễn Huệ, Ban Giám hiệu đã lưu ý giáo viên chủ nhiệm quan tâm, chia sẻ với các em; tích cực tổ chức các hoạt động ngoại khóa để tạo sân chơi lành mạnh cho học sinh như tham quan, cắm trại, văn nghệ, thể thao, thi tìm hiểu giáo dục pháo luật...; qua đó, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.