Để tránh say nắng, trường hợp bắt buộc phải đi ra đường cần đội mũ rộng vành, mặc áo chống nắng, đeo khẩu trang, thoa kem chống nắng... Ảnh: Minh Quyết/TTXVN |
Dễ đột quỵ, biến chứng thần kinh, thậm chí tử vong
Theo BS Lương Quốc Chính, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai, sốc nhiệt (còn gọi là say nắng) là hình thái nghiêm trọng nhất của tổn thương do nhiệt và là một cấp cứu y học.
Sốc nhiệt có thể giết hoặc gây tổn hại cho não và các cơ quan nội tạng khác trong cơ thể. Đối tượng dễ bị say nóng, say nắng là người già, trẻ em, những người lao động, luyện tập với cường độ cao, ở ngoài trời nắng lâu.
Tình trạng này là hậu quả của việc tiếp xúc với nhiệt độ cao kéo dài, thường kết hợp với mất nước, gây tổn thương hệ thống kiểm soát thân nhiệt. Định nghĩa y học của sốc nhiệt là nhiệt độ trung tâm của cơ thể lớn hơn 40,550C với các biến chứng liên quan tới hệ thống thần kinh trung ương xuất hiện sau tiếp xúc với nhiệt độ cao. Các triệu chứng thường gặp khác bao gồm buồn nôn, co giật, lú lẫn, mất định hướng, và đôi khi mất ý thức hoặc hôn mê.
"Do đó, nếu bạn nghi ngờ ai đó bị sốc nhiệt, hãy gọi số điện thoại cấp cứu 115 ngay lập tức hoặc đưa bệnh nhân tới bệnh viện. Bất cứ sự trì hoãn việc tìm kiếm hỗ trợ y tế nào đều có thể khiến bệnh nhân tử vong", BS Lương Quốc Chính khuyến cáo.
Trong khi đợi y tế đến, cần phải tiến hành sơ cứu, đưa bệnh nhân tới môi trường có điều hòa nhiệt độ, hoặc ít nhất là một khu vực râm mát và cởi bỏ bất cứ quần áo nào không cần thiết.
Nếu có thể được, đo nhiệt độ trung tâm cơ thể của bệnh nhân và bắt đầu tiến hành sơ cứu bằng cách làm mát để hạ nhiệt độ trung tâm cơ thể xuống 38,33 - 38,880C.
Nếu không có nhiệt kế cũng chớ nên do dự tiến hành sơ cứu với các các phương pháp làm mát như: Quạt và làm ướt da bệnh nhân bằng khăn ướt hoặc vòi nước; Áp túi nước đá vào nách, bẹn, cổ và lưng bệnh nhân. Do các khu vực này có nhiều mạch máu gần với da cho nên việc làm lạnh chúng có thể làm giảm được nhiệt độ cơ thể; Nhúng bệnh nhân vào vòi hoa sen hoặc bồn tắm có nước mát, hoặc bồn tắm nước đá.
Nếu hỗ trợ y tế tới muộn, bạn có thể gọi điện tới các phòng cấp cứu trong bệnh viện để được hướng dẫn thêm.
Mỗi ngày uống ít nhất 8 cốc nước
Để phòng tránh sốc nhiệt trong những ngày nắng nóng kỷ lục này, BS Lương Quốc Chính khẳng định, khi chỉ số nhiệt cao, tốt nhất người dân nên ở trong môi trường điều hòa.
Trường hợp bắt buộc phải đi ra ngoài, cần mặc quần áo rộng, nhẹ và sáng mầu và đội một chiếc mũ rộng vành; Sử dụng kem chống nắng có chỉ số chống nắng trên 30.
Trong những ngày nắng nóng, cần uống nhiều nước để tránh mất nước. Cụ thể, mỗi ngày uống ít nhất 8 cốc nước, nước trái cây, hoặc nước rau... Vì các tình trạng rối loạn liên quan tới nhiệt cũng có thể là hậu quả của mất muối, do vậy khuyến khích sử dụng/bổ sung đồ uống thể thao giầu chất điện giải trong thời gian nhiệt độ và độ ẩm cao (trong các đợt nóng).
Bên cạnh đó, thu xếp lại hoặc hủy bỏ các hoạt động ngoài trời. Nếu có thể, thay đổi thời gian ngoài trời của bạn sang một khoảng thời gian mát mẻ hơn trong ngày, hoặc vào buổi sáng sớm hoặc sau khi mặt trời lặn.
Ngoài ra, cần tránh chất lỏng có cafein hoặc cồn bởi vì cả hai chất này có thể khiến bạn mất nhiều dịch hơn và làm trầm trọng thêm tình trạng rối loạn liên quan tới nhiệt. Lưu ý, không uống thuốc muối khi không có chỉ định của bác sĩ. Cách dễ nhất và an toàn nhất để bồi phụ muối và các điện giải khác trong đợt nóng là uống đồ uống thể thao và các loại nước trái cây.
Lưu ý, cần đi khám bác sĩ trước khi tăng chế độ uống nước hàng ngày nếu bạn có bệnh gan, thận, tim hoặc động kinh (là những bệnh lý cần hạn chế uống nước), hoặc có vấn đề về giữ/tích nước.
Nếu bạn sinh sống trong một căn hộ hoặc ngôi nhà không có quạt hoặc điều hòa không khí thì hãy cố gắng dành tối thiểu 2 giờ mỗi ngày (trong khoảng thời gian nóng nhất trong ngày) để tới môi trường có máy điều hòa (siêu thị, bưu điện, ngân hàng, thậm chí nhà hàng xóm...) hoặc những nơi râm mát...
Tại nhà, đóng cửa rèm, che chắn cửa, hoặc hạ mành... trong thời gian nóng nhất trong ngày và mở cửa sổ vào ban đêm ở hai cạnh của ngôi nhà để tạo sự thông gió.