Đổ trộm rác thải công nghiệp tràn lan
Tại bãi rác sinh hoạt và dọc triền đê thôn Ngô Xá, xã Long Châu, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, không khó để người dân phát hiện ra các loại chất thải công nghiệp. Kính vụn, nhựa, ruột phích, vải vụn, giấy bóng… xuất hiện tràn lan. Các chất thải này đều đang trong quá trình bị đốt. Mùi hôi thối từ rác thải sinh hoạt hòa cùng khói, bụi đặc quánh, khiến ai đi qua cũng phải nín thở từ xa. Tình trạng trên đã xuất hiện từ lâu. Năm 2018, tại xã Long Châu, huyện Yên Phong, nhiều trường hợp đổ trộm chất thải công nghiệp đã bị bắt giữ, số tiền xử phạt lên đến hàng trăm triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Hồng Thạch, Phó Chủ tịch UBND xã Long Châu, các đối tượng đổ trộm rác thải công nghiệp hoạt động rất manh động. Những đối tượng này thường xuyên bố trí thêm lực lượng cảnh giới tại xã Long Châu và trên tuyến đường chính 286 (trục từ thành phố Bắc Ninh đến huyện Yên Phong). Khi lực lượng làm công tác bảo vệ môi trường của địa phương về nhà sinh hoạt hoặc lợi dụng đêm tối, các đối tượng sẽ tiến hành đổ trộm.
Không chỉ tình trạng đổ trộm rác thải công nghiệp tràn lan, nghiêm trọng hơn là người dân còn sử dụng các loại rác công nghiệp để tái chế. Ông Nguyễn Văn Tán, Trưởng thôn Mẫn Xá, xã Văn Môn, huyện Yên Phong cho biết: Từ năm 2005 đến nay, người dân nơi đây đã nhập các loại chất thải, phế liệu trong đó có rác thải công nghiệp về tái chế. Tuy nhiên, mỗi gia đình chỉ nhập với số lượng nhỏ. Người dân thường liên hệ với các doanh nghiệp có chất thải để lấy rác thải công nghiệp về tái chế. Thậm chí có những doanh nghiệp tự liên hệ và chở các chất này đến tận nơi cho các hộ dân. Qua khâu sàng lọc, các loại kim loại được cô đúc lại. Những chất thải không thể tái chế,người dân đóng bao đổ xuống đồng ruộng, ao hồ. Đến nay, chất thải chất cao thành các đống như núi chưa có cách xử lý. Tình trạng ô nhiễm môi trường này khiến nhiều héc ta đất nông nghiệp không thể cấy lúa được, ông Tán bức xúc.
Đặc biệt, tình trạng mua bán chất thải công nghiệp trái phép cũng rất phức tạp. Đầu tháng 7/2019, Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Công an huyện Yên Phong bắt quả tang và tạm giữ 7 xe container chở chất thải là các tụ điện, linh kiện hỏng với khối lượng gần 200 tấn. Đoàn kiểm tra đã tiến hành lấy mẫu, điều tra nguồn gốc chất thải trên. Qua xác minh được biết, số chất thải trên của một người dân thu mua của các hộ kinh doanh phế liệu ở các tỉnh về tập kết ở kho tại xã Văn Môn, huyện Yên Phong chờ bán cho khách hàng. Người này không được các cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép thu gom, vận chuyển xử lý chất thải.
Hiện nay, địa bàn tỉnh Bắc Ninh có 16 khu công nghiệp tập trung, 38 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 10.000 ha, trong đó có 10 khu công nghiệp đi vào hoạt động. Thống kê mỗi năm, lượng rác thải công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh ước tính gần 48.000 tấn, trong đó lượng rác thải nguy hại là trên 17.000 tấn. Lượng chất thải này không được quản lý tốt sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng môi trường.
Nhiều khó khăn khi xử lý vi phạm
Tại Bắc Ninh, tình trạng đổ trộm rác thải công nghiệp ở các địa phương không phải là mới. Tuy nhiên, do lực lượng làm công tác bảo vệ môi trường còn mỏng, các cơ sở sản xuất cố tình xả thải không qua xử lý với thủ đoạn tinh vi, xả trộm về đêm hoặc xây dựng cống ngầm. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng chưa thực sự hiệu quả, sự vào cuộc của chính quyền địa phương chưa đủ mạnh mẽ nên chưa xử lý dứt điểm tình trạng trên.
Theo báo cáo của Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an tỉnh Bắc Ninh, từ đầu năm 2019 đến nay, Phòng Cảnh sát Môi trường và Công an các huyện, thị xã, thành phố đã tiến hành xử lý 49 vụ việc vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường liên quan đến việc tiếp nhận, chuyển giao và đổ chất thải rắn công nghiệp thông thường không đúng theo quy định. Trong đó, Phòng đã xác minh, làm rõ 47 vụ việc,xử phạt hành chính 11 tổ chức, 41 cá nhân với số tiền 450 triệu đồng.
Ông Đoàn Phong Sơn, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết, hiện nay, toàn tỉnh Bắc Ninh có 25 công ty được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực thu gom, vận chuyển xử lý rác thải. Tuy nhiên, tình trạng đổ trộm chất thải còn xảy ra do các đại lý vận chuyển thường bán chất thải thông thường cho các đơn vị thương mại, hoặc tái chế chất thải trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, các loại chất thải dạng lỏng như chất thải hầm cầu được một số cá nhân đến hút bể phốt của các nhà dân sau đó tìm nơi vắng vẻ, xa khu dân cư để xả thải ra môi trường tự nhiên mà không chuyển đến các công ty có chức năng xử lý.
Ngoài các công ty có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải, một số cá nhân ở trong và ngoài tỉnh không có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải nguy hại, công nghiệp cũng tiến hành mua bán các loại chất thải này để bán kiếm lời. Những chất thải không bán được, họ tìm chỗ xa dân cư, vắng người qua lại đổ xuống môi trường tự nhiên.
Trong thời gian qua, lực lượng Cảnh sát Môi trường tỉnh Bắc Ninh thường xuyên phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Công an các huyện, thị xã, thành phố... nhằm kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Từ đó, cơ quan chức năng có hướng giải quyết tình trạng đổ trộm rác thải công nghiệp.
Tuy nhiên, công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng vẫn còn gặp nhiều khó khăn do nhiều vụ việc, do thủ đoạn của các đối tượng đổ trộm chất thải tinh vi, lợi dụng lúc đêm tối, mưa gió đổ trộm. Việc phối hợp với các ban ngành chức năng ngoài giờ hành chính chưa đạt được kết quả cao. Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp huyện, xã còn mỏng, chưa bảo đảm được số lượng người khi tham gia công tác phối hợp...
Nhằm tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong bảo vệ môi trường, ông Đoàn Phong Sơn, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an tỉnh Bắc Ninh đề nghị cần nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước và trách nhiệm của các cấp chính quyền, ban ngành đoàn thể trong thực hiện quy hoạch phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung trên địa bàn tỉnh; gắn kết công tác bảo vệ môi trường ngay từ khi hình thành và trong suốt quá trình hoạt động dự án. Các cấp chính quyền địa phương cần tăng cường quản lý Nhà nước nhằm phát hiện, xử lý, phản ánh với các cơ quan chuyên môn để xử lý hành vi vi phạm pháp luật về môi trường ngay từ giai đoạn đầu, tránh để kéo dài, gây mất an ninh trật tự. Đặc biệt, tỉnh Bắc Ninh cần đề xuất với Chính phủ tăng biên chế cán bộ quản lý môi trường cấp huyện, xã. Đồng thời, mở các lớp kiến thức cho cán bộ làm công tác quản lý môi trường các cấp để bảo đảm hiệu quả công tác phối hợp.
Đồng quan điểm với ông Đoàn Phong Sơn, ông Lưu Xuân Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Bắc Ninh khẳng định: Hành vi đổ trộm rác thải bị nghiêm cấm theo quy định pháp luật. Chất thải không qua xử lý đổ ra môi trường không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt người dân.
Thời gian qua, Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Bắc Ninh đã phối hợp lực lượng Cảnh sát Môi trường tiến hành thanh, kiểm tra xử lý các cơ sở vi phạm quy định. Trong 6 tháng đầu năm 2019, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra 9 cuộc, phát hiện đã xử lý 5 doanh nghiệp vì xả thải vượt quy chuẩn môi trường và đang xem xét xử lý 4 doanh nghiệp. Ông Lưu Xuân Hùng đề nghị các cấp chính quyền tăng cường lực lượng cán bộ bảo vệ môi trường. Công tác phối hợp giữa Sở Tài nguyên và Môi trường và Cảnh sát Môi trường cần thường xuyên, nhất là trao đổi thông tin, có cơ sở thực tiễn, có giải pháp mang tính phòng ngừa.
Được biết, tỉnh Bắc Ninh đặc biệt quan tâm đến vấn đề xử lý môi trường. Ngoài việc đầu tư, xây dựng các nhà máy xử lý rác sinh hoạt, tỉnh còn xây dựng nhiều nhà máy xử lý rác thải công nghiệp. Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất có nghĩa vụ ký kết hợp đồng với đơn vị xử lý rác nhằm đảm bảo môi trường. Tuy nhiên, hiện tại một số làng nghề và các khu, cụm công nghiệp tỷ lệ thu gom chỉ đạt tỷ lệ thấp. Số rác thải còn lại được các cơ sở thu gom, phân loại. Sau khi tách lấy một số sản phẩm có thể tái chế thì trực tiếp đổ, đốt tại các bãi rác sinh hoạt, điểm công cộng, ít người qua lại. Việc đốt trực tiếp như vậy ngoài ô nhiễm khói, bụi... còn phát sinh các chất độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe con người.