Tiềm năng lớn về năng lượng sạch
Định hướng quy hoạch điện gió tại tỉnh Bình Định từ nay đến năm 2020 có tổng công suất 96MW và từ năm 2020 – 2030 là 141MW; điện mặt trời từ nay đến năm 2020 là 1.263MW và từ năm 2020 - 2030 là 1.017MW. Như vậy, Bình Định là một trong những tỉnh có khả năng phát triển nguồn năng lượng điện gió và điện mặt trời lớn của nước ta. Đây là những nguồn năng lượng điện xanh, sạch, không gây ô nhiễm môi trường và không làm mất nguồn tài nguyên khoáng sản.
Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Định Man Ngọc Lý cho biết: Bình Định hiện có 3 dự án điện gió là Phương Mai 1, Phương Mai 3, Nhà máy điện mặt trời và điện gió Fujiwara Bình Định.
Dự án Nhà máy điện mặt trời và điện gió Fujiwara Bình Định có tổng công suất 100MW, do nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư với tổng số vốn 63,69 triệu USD. Dự án này đã khởi công xây dựng nhà máy điện mặt trời công suất 50MW tại sườn phía Tây núi Phương Mai, Khu kinh tế Nhơn Hội với diện tích 60 ha sẽ đi vào hoạt động từ tháng 2/2019. Giai đoạn 2 của dự án sẽ xây dựng Nhà máy điện gió công suất 50 MW tại sườn núi Bà, thôn Tân Thanh, xã Cát Hải (huyện Phù Cát) với quy mô từ 200 – 250ha, dự kiến đi vào hoạt động năm 2020.
Dự án điện gió Phương Mai 3 do Công ty cổ phần đầu tư và tư vấn Hà Long cùng Công ty cổ phần Phong điện miền Trung làm chủ đầu tư, đang quan trắc gió với cột quan trắc được xây dựng khoảng 10m2 và cao hơn 100m trong Khu kinh tế Nhơn Hội.
Tương tự với dự án Nhà máy điện mặt trời và điện gió Fujiwara Bình Định, Tổng Công ty Cổ phần Thương mại và Xây dựng Vietracimex đang khảo sát để lập dự án nhà máy điện gió và điện mặt trời có tổng công suất khoảng 100MW; trong đó, nhà máy điện gió được khảo sát tại khu vực xã Mỹ An; nhà máy điện mặt trời được khảo sát tại khu vực thuộc hai xã Mỹ Thành và Mỹ Thắng.
Tuy chưa thành lập dự án và chỉ đang trong giai đoạn khảo sát, nhưng dự kiến có thể xây dựng nhà máy điện gió Mỹ An công suất tới 50MW, diện tích đất dùng để trồng cột thu gió chỉ 9,86ha. Bình quân 0,1972ha/01MW thấp hơn rất nhiều so với 0,7ha/01MW theo quy định của Chính phủ và nhiều dự án khác.
Ông Man Ngọc Lý khẳng định, về mặt pháp lý, Tổng Công ty Cổ phần Thương mại và Xây dựng Vietracimex đã thực hiện đủ các bước thủ tục theo quy trình, quy định của pháp luật. Theo khảo sát ban đầu của đơn vị này, khu vực biển thuộc xã Mỹ An, giáp ranh và Mỹ Thọ (Phù Mỹ) là vùng có tiềm năng phát triển năng lượng điện gió với công suất tới 50MW.
Người dân còn thiếu thông tin
Ngày 13/11/2017, UBND tỉnh Bình Định có văn bản số 6177/UBND-KT thống nhất chủ trương cho Tổng Công ty Cổ phần Thương mại và Xây dựng Vietracimex khảo sát, nghiên cứu lập đề xuất đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời và điện gió tại các xã Mỹ Thắng, Mỹ An và Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ).
Ngày 3/1/2018, UBND tỉnh Bình Định có văn bản số 16/UBND-KT đề nghị Bộ Công Thương bổ sung nhà máy điện gió Mỹ An vào quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Bình Định giai đoạn 2016 – 2025. Tháng 3/2018, Tổng Công ty Cổ phần Thương mại và Xây dựng Vietracimex đã tiến hành xây dựng cột quan trắc gió tại khu vực này và đã bị người dân ngăn cản.
Ngày 2/4/2018, UBND huyện Phù Mỹ có văn bản số 280/UBND-KTHT yêu cầu UBND các xã Mỹ An, Mỹ Thọ quán triệt, tuyên truyền, phổ biến cho người dân biết được mục đích, chủ trương về việc khảo sát để xây dựng dự án điện gió Mỹ An. Ngày 17/4/2018, UBND huyện Phù Mỹ tiếp tục ban hành văn bản số 47/UBND-VP thông báo về việc xây dựng cột quan trắc gió, yêu cầu người dân cùng các cơ quan chức năng phối hợp. Tuy nhiên, thêm một lần nữa, người dân cản trở việc xây dựng cột quan trắc gió. Nguyên nhân của những lần cản trở, không đồng tình của người dân hai xã Mỹ An, Mỹ Thọ là do người dân nghi ngại nhà đầu tư đến đây chỉ để khai thác titan.
Những hệ lụy từ các dự án khai thác, tận thu titan từ hàng chục năm trước vẫn còn ám ảnh người dân ven biển huyện Phù Mỹ. Nhiều dự án khai thác, tận thu tài nguyên ồ ạt, làm lợi cho nhà đầu tư. Khai thác xong, nhiều khu vực không được hoàn thổ, trở thành những bẫy hố cát khổng lồ và tình trạng hoang mạc hóa làng biển. Việc trồng lại những cánh rừng phi lao phòng hộ ven biển rất khó khăn và phải mất vài chục năm mới hình thành nên một cánh rừng. Do vậy, khai thác titan là một nỗi nhức nhối với không ít người dân ven biển giàu loại tài nguyên này.
UBND huyện Phù Mỹ khẳng định, hầu hết những người dân khi được UBND huyện gặp trực tiếp đều cho rằng chưa nắm được thông tin về xây dựng cột quan trắc gió của Tổng Công ty Cổ phần Thương mại và Xây dựng Vietracimex khảo sát, nghiên cứu lập đề xuất đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời và điện gió tại các xã Mỹ Thắng, Mỹ An và Mỹ Thành. Như vậy, có hai vấn đề ở đây là, người dân thiếu thông tin hoặc người dân không tin vào việc xây dựng cột quan trắc. Ngoài ra, còn có khả năng thứ ba là, một số đối tượng quá khích đã lợi dụng vấn đề nhạy cảm để xúi giục người dân.
Thực tế, đã có nhiều dự án được nhà đầu tư đăng ký đầu tư, nhưng sau khi tận thu titan lại không đầu tư dự án. Khu vực dự kiến xây cột quan trắc của Tổng Công ty Cổ phần Thương mại và Xây dựng Vietracimex cũng là khu vực có trữ lượng titan lớn. Tại làng biển Tân Phụng, hầu như toàn bộ những người dân ở đây đều đồng thuận phát triển điện gió. Họ chỉ yêu cầu sự rõ ràng về thông tin và làm đúng những gì cam kết.
Theo đó, UBND huyện Phù Mỹ và các xã Mỹ An, Mỹ Thọ cần thông tin rộng rãi hơn đến người dân về việc xây dựng cột quan trắc gió để xây dựng dự án nhà máy điện gió sẽ không làm mất rừng, mất titan như khẳngđịnh của ông Hồ Quốc Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định. Đơn vị thi công cũng nên có bảng thông tin về công trình cột quan trắc nhằm tạo sự đồng thuận. Đồng thời, người dân các xã Mỹ An, Mỹ Thọ có quyền yêu cầu UBND xã cử đại diện các nhóm dân giám sát tại hiện trường đối với việc thi công cột quan trắc gió.