Mùa xuân mới của “hoa hướng dương” Diệu Thuần

“Đóa hồng lúng liếng mắt cười


Nụ đào khoe sắc rạng ngời xuân phơi


Mai vàng lộc biếc nơi nơi


Gió xuân nồng ấm lả lơi gọi mời...”.

 

Những vần thơ tràn đầy sức sống trong bài thơ “Cảm Xuân” của Diệu Thuần, cô gái có 7 năm chiến đấu với căn bệnh ung thư máu, đã giúp tôi lý giải phần nào thắc mắc tại sao em có thể đứng vững sau bao thăng trầm của cuộc sống. Nghị lực sống mãnh liệt đã giúp cô thiếu nữ mảnh mai này có thêm sức mạnh để vượt qua lằn ranh giữa sự sống và cái chết, để em kịp trở thành một cử nhân Tài chính - Ngân hàng, say mê chơi đàn ghi ta, sáng tác thơ và còn viết tự truyện rất lôi cuốn.


Diệu Thuần năm 2010, khi vẫn đang chống chọi với căn bệnh ung thư.

 

Tháng 11/2012, nhóm phóng viên theo dõi lĩnh vực y tế chúng tôi rất xúc động khi nghe GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu TƯ thông báo: “Ca ghép tế bào gốc tạo máu cho bệnh nhân Hoàng Thị Diệu Thuần, tác giả của cuốn tự truyện “Như hoa hướng dương”, bước đầu đã thành công”. Vô cùng mừng cho Thuần vì trước khi tiến hành ca ghép, các bác sĩ nhận định trường hợp của em có những mối lo nhất định: Thời gian bệnh đã lâu, Thuần còn mắc viêm gan C, sự trùng hợp về gen giữa Thuần và người anh trai (người cho tế bào gốc) không đạt 100%. Gặp Thuần dù khi ca ghép đã được thông báo là thành công, tôi vẫn thấy hơi băn khoăn vì hôm đó trông Thuần xanh xao, yếu ớt. Em mệt tới mức tôi chỉ dám chụp vài bức ảnh để kỷ niệm ngày em ra viện chứ không dám lại gần hỏi chuyện em, dù chỉ một câu.


Nhưng gặp lại Diệu Thuần vào một ngày cuối năm, khi em lên Viện Huyết học và Truyền máu TƯ để tiếp tục điều trị theo liệu trình sau ghép tế bào gốc thì tôi thực sự bất ngờ vì sự hồi phục nhanh chóng của Thuần. Chỉ sau gần 2 tháng, Thuần đã lên được 4 kg, giờ Thuần đã nặng 38 kg rồi. Tóc của Thuần đang mọc dần trở lại. Em đi lại nhanh nhẹn, nói năng hoạt bát hơn. Thuần cho biết em có thể tự làm những việc cá nhân thông thường, bố mẹ Thuần có thể yên tâm làm việc quanh nhà, ngoài vườn chứ không phải lo trông chừng Thuần từng phút như trước. Tuy nhiên, do tác dụng phụ của thuốc chống thải ghép mà Thuần đang uống nên trông sắc của da còn chưa sáng.


Bìa cuốn tự truyện “Như hoa hướng dương” của Diệu Thuần.

“Để có được “dung nhan” như 7 năm trước thì phải chờ thêm một thời gian nữa ạ. Bác sĩ Bình, BS Khánh, Viện Huyết học và Truyền máu TƯ nói rằng những tác dụng phụ này sẽ mất sau khi em dừng uống thuốc chống thải ghép chừng 6 tháng đến 1 năm nữa. Nhưng điều quan trọng là em thấy mình khỏe dần lên và tràn đầy hy vọng mình sẽ hoàn toàn khỏi bệnh”, Diệu Thuần cười và chia sẻ.


Ánh mắt tràn đầy hy vọng trong đôi mắt biết nói cùng sự hồi phục nhanh chóng về thể trạng của cô thiếu nữ xứ Nghệ cũng khiến tôi có cảm nhận rằng ca ghép tế bào gốc của em đã thành công tốt đẹp. Có lẽ chỉ hơn một năm nữa thôi là Diệu Thuần sẽ lấy lại được hình ảnh của một thiếu nữ duyên dáng có mái tóc bồng bềnh, dày dặn như cách đây 7 năm về trước.

 

Sức sống kỳ diệu


Thuần kể, 7 năm trước, khi bắt đầu thi đỗ vào khoa Tài chính - Ngân hàng của Đại học Quốc gia Hà Nội thì cũng là lúc em vô tình biết được mình mắc phải căn bệnh Lơxêmi kinh dòng bạch cầu hạt, một dạng ung thư máu hay dân gian gọi là bệnh máu trắng. Từ một cô gái năng động, yêu thơ văn, thích hát và thường “phiêu” với cây đàn ghi ta, cuộc sống của Thuần ngày bị thu hẹp trong lối mòn giữa đường đến trường, phòng trọ và bệnh viện. Nỗi đau về tinh thần và nỗi đau thể xác sau những ca chọc tủy, những đợt xạ trị kéo dài không dứt... đã có lúc tưởng như khiến Thuần gục ngã. Nhưng rồi sức sống kỳ diệu đã giúp Diệu Thuần vượt qua được qua tất cả.


Nhiều bác sĩ, y tá của Viện Huyết học và Truyền máu TƯ chia sẻ rằng: "Có lẽ đây là lần đầu tiên các bác sĩ ở Viện điều trị cho một bệnh nhân mắc bệnh Lơxêmi kinh dòng bạch cầu hạt sống đến bảy năm như Thuần. Trước đây, đối với căn bệnh này thì chỉ có phương pháp duy nhất là ghép tế bào gốc đồng loại (khả năng thành công là 60 - 70%). Tuy nhiên do việc ghép tế bào gốc rất phức tạp, yêu cầu rất nhiều tiêu chuẩn nên chỉ có khoảng 10% số bệnh nhân có cơ hội điều trị bằng phương pháp này. Vì vậy, nhiều bệnh nhân mắc bệnh này chỉ sống được từ 3 - 5 năm. Điều đó cho thấy ở Diệu Thuần có một nghị lực và sức sống thật diệu kỳ”.
Theo Thạc sĩ Bạch Quốc Khánh, Phó Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương (Hà Nội): “Với Thuần, dù đã được điều trị 2 năm bằng thuốc điều trị nhắm đích, phương pháp điều trị tối tân nhất hiện nay nhưng bệnh vẫn không tiến triển tốt hơn. Vậy nên cơ hội duy nhất của bệnh nhân lúc này là ghép tế bào gốc tạo máu. Nếu không, bệnh sẽ sớm diễn biến sang giai đoạn ung thư máu thể cấp tính, bệnh nhân có thể tử vong trong vòng 6 tháng. Rất may, ca ghép của Diệu Thuần đã thành công tốt đẹp, các xét nghiệm đến nay đều cho kết quả khả quan. Đây là kết quả có hậu cho một cô gái đầy nghị lực vươn lên như Diệu Thuần”.


Nhắc đến nghị lực vượt qua bệnh tật, Thuần khiêm tốn cho biết phải có sự động viên của gia đình, bạn bè và những thầy thuốc của Viện Huyết học và Truyền máu TƯ thì em mới có thể vượt qua được bệnh tật. Bởi lẽ, cũng có những lúc Thuần rất chán nản, cũng là lúc hụt hẫng, nhất là khi thời gian đầu mắc bệnh, em mới bước chân vào giảng đường đại học. Rồi lúc đi xin việc Thuần còn bị từ chối khi thật thà nói mình bị ung thư. Những lúc đau quá, thậm chí Thuần đã nghĩ đến cái chết...
“Thời gian mà em chán nản nhất là khoảng tháng 9/2011. Lúc đó, em đau chân đến mức không đi lại được và còn bị teo nhỏ một bên chân. May mắn là em có bố mẹ, anh trai, bạn học cùng đại học, bạn học cấp 3... luôn ở bên để trợ giúp, sẻ chia. Và một điều rất may mắn là em được điều trị tại Viện Huyết học và Truyền máu TƯ, nơi các BS, y tá rất nhiệt tình chữa trị cho bệnh nhân mà không đòi hỏi gì thêm. Những cử chỉ và thái độ ân cần của các y, bác sĩ đã giúp những người bệnh như em thêm thoải mái, quyết tâm phấn đấu vượt qua khó khăn”, Diệu Thuần chia sẻ.


Và cũng nhờ sự động viên, giúp đỡ của các bác, các anh của Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, Diệu Thuần đã hoàn thành cuốn tự truyện “Như hoa hướng dương” vào tháng 7/2012. Thuần tâm sự: “Em viết tự truyện với mong muốn cuốn sách có thể giúp cho những người bị bệnh như mình tìm thấy sự đồng cảm, kinh nghiệm chống chọi với bệnh tật để quyết tâm chữa bệnh hơn”.


Trong cuốn tự truyện này, tôi tìm thấy những dòng thơ rất xúc động mà Thuần viết về tình yêu:


“... Tháng Tư về


Nắng nhạt màu qua kẽ lá


Vẽ vào mắt em câu kể thần thoại


Ném em vào ký ức mang tên anh...”


Diệu Thuần cho hay, đó là những dòng thơ về Thái, một chàng sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội cũng mắc bệnh ung thư mà em đã gặp và rất quý trong thời gian đầu nhập viện. Lúc ấy, Thuần mới 18 tuổi còn Thái mới19 tuổi (năm 2005). Sự đồng cảm, nỗi sẻ chia và những cảm xúc ngọt ngào giữa hai người cùng cảnh ngộ đã nảy sinh trong họ một tình cảm đặc biệt. Nhưng thật buồn là một thời gian sau, căn bệnh ung thư đã mang Thái đi mãi mãi.


Sau đó, những người bạn từng nằm viện cùng Thuần như anh Thắng, chị Lan, Huệ, anh Hoàng, Long, chị Định, anh Tuấn... cũng lần lượt ra đi.


Nhưng rồi chọn cho mình cách sống là cố gắng không nghĩ về những điều quá bi quan, “hoa hướng dương” Diệu Thuần đã tìm thấy niềm tin, sự hy vọng trong chính ánh mắt yêu thương và sự quan tâm, lo lắng của những người thân yêu.

 

Và ước vọng mùa xuân


“Sau Tết, em sẽ lên Viện Huyết học và Truyền máu TƯ để làm xét nghiệm, lĩnh thêm thuốc chống thải ghép và điều trị thêm 6 tháng - 1 năm kể từ sau khi ghép tế bào gốc. Sau đó, em tiếp tục định kỳ đi kiểm tra sức khỏe. Mừng nhất là các xét nghiệm máu và tủy của em thời gian gần đây đều cho kết quả tốt chị ạ”, Diệu Thuần hồ hởi khoe.


Thuần “bật mí” rằng trước Tết, em được Giám đốc Công ty cổ phần rau sạch Sông Hồng đến tặng quà và mời em làm kế toán cho công ty khi sức khỏe cho phép.

“Sau Tết, có lẽ em chưa đi làm ngay được vì cần phải tới bệnh viện kiểm tra nhiều lần, em cũng cần có thời gian để sức khỏe phục hồi và trau dồi lại một số kiến thức cần thiết. Nhưng dù sao, em cũng rất vui vì mình đã có một cơ hội để làm việc...”.


Hiện tại, Thuần rất háo hức đón chờ Tết Quý Tỵ. Năm nào, gia đình Thuần cũng gói bánh chưng vào khoảng 28 - 29 Tết. Như thường lệ, Thuần sẽ lại quanh quẩn, ngồi nói chuyện và xem bố, mẹ gói bánh chưng.


“Tết năm nay đặc biệt có ý nghĩa đối với em và gia đình. Bởi lẽ sau 6 cái Tết âu sầu, dài dằng dặc thì Tết này em đã được chữa khỏi bệnh. Em hy vọng qua Tết, sức khỏe sẽ tốt hơn để sớm đi làm, góp ít công sức để cùng bố mẹ chi trả những khoản nợ để lo cho em giai đoạn trước và sau ghép tế bào gốc. Hiện tại thì số tiền mọi người ủng hộ cho em vẫn còn một ít để em điều trị sau ghép”, Diệu Thuần xúc động nói.


Tạm biệt Thuần ra về, tôi bỗng thấy lòng lâng lâng, vui lây với sự háo sức mừng xuân mới của Diệu Thuần. Mong sao, nghị lực sống và câu chuyện về “hoa hướng dương” Diệu Thuần sẽ truyền thêm sức mạnh cho những người bệnh không may mắc phải căn bệnh nan y, giúp họ thêm vững tâm và có cơ hội được điều trị khỏi mọi bệnh tật. Để rằng, mỗi dịp Tết đến, xuân về luôn là khoảnh khắc hạnh phúc và lấp lánh hy vọng của mỗi người, mỗi gia đình.


Phương Liên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN