Lũ lớn, hơn 7.000 hộ bị ngập, một người chết ở Thừa Thiên - Huế

Ảnh hưởng của không khí lạnh và không khí lạnh tăng cường kết hợp đới gió Đông trên cao hoạt động mạnh, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 125 - 350mm, có nơi cao hơn như Bạc Mã 400mm; xuất hiện một đợt lũ lớn trên các sông.

Mọi đồ đạc phải đưa lên cao tại một hộ dân ở xã Quảng Thọ. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN

Đến 7 giờ ngày 21/11, lũ trên sông Hương tại Kim Long 2,71m, trên báo động 2 là 0,71m; sông Bồ tại Phú Ốc 4,12m, dưới báo động 3 là 0,38m; xảy ra tình trạng ngập lụt kéo dài ở các vùng thấp trũng của huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, thị xã Hương Trà, Hương Thủy và thành phố Huế.

Các hồ thủy điện vận hành xả lũ theo phương án đã được duyệt để bảo đảm an toàn hồ đập, đồng thời tránh gây đột biến cho vùng hạ du. Đến sáng 21/11, mực nước hồ Tả Trạch là 38,26m; lưu lượng đến hồ 1337 m3/s, lưu lượng về hạ du 278m3/s (bao gồm lưu lượng phát điện và lưu lượng qua cống xả sâu).

Tương tự, hồ thủy điện Hương Điền mực nước 57,34m; lưu lượng đến hồ 1102m3/s, lưu lượng về hạ du 1532m3/s; hồ thủy điện Bình Điền là 81,84m; lưu lượng đến hồ 969m3/s, lưu lượng về hạ du 1498 m3/s; thủy điện A Lưới là 552,861m; lưu lượng đến hồ 150m3/s, lưu lượng về hạ du 152 m3/s. Về phía hạ du, các đập Thảo Long mở 15/15 cửa; đập Cửa Lác mở toàn bộ 70/70 cửa; đồng thời tất cả các cống trên đê đã được mở hết để thoát lũ.

Mưa lũ khiến nhiều tuyến đường bị ngập lụt nặng ở xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN

Thống kê ban đầu của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, mưa lũ làm ông Nguyễn Giỏi (sinh năm 1965, tại thị trấn Phú Lộc) chết do bị lật thuyền. Toàn tỉnh hiện có 7.070 hộ bị ngập lụt từ 0,2 - 0,6m. Các tuyến đường tại thành phố Huế bị ngập sâu.

Tuyến đường các xã Hương Xuân, Hương Văn, Hương Toàn, Hương Vinh (thị xã Hương Trà) ngập sâu từ 0,2 đến 0,6m. Nhiều tuyến đường tại thị trấn Phong Điền, xã Phong Chương, Phong Mỹ, Phong Sơn (huyện Phong Điền) bị ngập sâu từ 0,2 đến 0,7m; các tuyến đường tại các xã Quảng Phước, Quảng Thọ, Quảng An, Quảng Thành, thị trấn Sịa bị ngập sâu từ 0,2 đến 0,8m, giao thông đi lại chủ yếu bằng thuyền.


Đặc biệt, tuyến đường sắt Bắc - Nam bị tắc từ 12 giờ 30 ngày 20/11 đến 21 giờ 30 cùng ngày mới thông đường do đất đá sạt lở, trong đó có tảng đá nặng khoảng 10 tấn chắn ngang đoạn đường ray tại Km 758 + 400 (thuộc địa phận huyện Phú Lộc). Nhiều đoàn tàu nằm lại Ga Lăng Cô và Đà Nẵng. Ngành đường sắt đã huy động lực lượng và phương tiện để xử lý để thông tuyến.

Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã huy động tối đa lực lượng ứng trực 24/24 triển khai kế hoạch ứng phó với thiên tai; phối hợp với các địa phương, đơn vị tổ chức lực lượng kiểm soát giao thông tại các khu vực đường bị ngập, các ngầm, đò ngang, đò dọc để hướng dẫn người, phương tiện và phân luồng giao thông đảm bảo an toàn, nghiêm cấm người và phương tiện giao thông đi qua các khu vực nguy hiểm; tổ chức đảm bảo an toàn giao thông đường bộ qua Quốc lộ 1A, Quốc lộ 49, đường sắt Bắc Nam, đường hàng không. 

UBND thành phố Huế, Ban Quản lý Dự án Cải thiện môi trường nước thành phố Huế triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho người dân và các tuyến đang thi công dở dang khi có mưa lũ xảy ra...

Quốc Việt (TTXVN)
Thừa Thiên - Huế: Nhiều đoàn tàu phải nằm chờ thông tuyến do sạt lở
Thừa Thiên - Huế: Nhiều đoàn tàu phải nằm chờ thông tuyến do sạt lở

Ngày 20/11, tại Thừa Thiên - Huế, mưa lớn kéo dài khiến một khối đá lớn nặng khoảng 10 tấn sạt từ trên núi xuống, nằm chắn ngang đường sắt Bắc - Nam, đoạn qua đèo Hải Vân khiến Đoàn tàu SE3 và nhiều đoàn tàu khác phải dừng ở ga Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế) chờ khắc phục sự cố.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN