Bộ LĐTBXH công bố bản tin thị trường lao động quý II/2016 |
Trong các loại hình doanh nghiệp, khối doanh nghiệp Nhà nước có mức thu nhập bình quân tháng cao nhất, 6,72 triệu đồng/tháng; tiếp đó là khu vực đầu tư nước ngoài 5,53 triệu đồng/tháng, khối kinh doanh tập thể có mức thu nhập bình quân tháng thấp nhất là 3,55 triệu đồng.
Theo Bộ LĐTBXH, thu nhập bình quân tháng của lao động làm công ăn lương trong quý II/2016 đạt 4,85triệu đồng. Mức thu nhập này giảm 228.000 đồng so với quý 1/2016, tăng 393.000 đồng (8,8%) so với cùng kỳ 2015.
Theo ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động Xã hội, nguyên nhân lương bình quân tháng quý II giảm là do quý I có Tết âm lịch nên bên cạnh lương thì người lao động còn được thưởng cuối năm.
Còn theo ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, một trong những lý do thu nhập bình quân tháng khối doanh nghiệp Nhà nước cao bởi 90% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, chủ yếu tập trung khối tư nhân. Trong khi những doanh nghiệp Nhà nước đa phần là doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên khoảng cách thu nhập với các nhóm còn lại đã giảm xuống và xu thế này sẽ còn tiếp diễn trong quá trình cạnh tranh và hội nhập.
So sánh về bảng lương thu nhập theo ngành nghề, nhóm quản lý và chuyên môn kỹ thuật bậc cao có thu nhập bình quân tháng cao nhất, song thu nhập của nhóm “lao động giản đơn” tăng nhanh hơn, thu hẹp khoảng cách với các nhóm còn lại. “Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm vẫn là những nhóm ngành có thu nhập cao nhất, nhưng chênh lệch so với nhóm thấp nhất có giảm” ông Đào Quang Vinh cho biết.
Khảo sát của Bản tin thị trường cho thấy, có 15,95% lao động làm công hưởng lương thuộc nhóm thu nhập thấp (dưới 2,93 triệu đồng/tháng).