Tỉnh Lâm Đồng bắt đầu thực hiện chính sách mới đối với công tác nạo vét các lòng hồ thủy điện, thủy lợi. Theo đó, các chủ hồ thủy điện, thủy lợi phải trả chi phí nạo vét lòng hồ cho các doanh nghiệp, Nhà nước không hỗ trợ từ ngân sách. Khoáng sản do nạo vét tận thu từ lòng hồ sẽ được bán đấu giá, tiền thu được nộp ngân sách Nhà nước; không cho phép các doanh nghiệp tự bán để trả tiền chi phí phương tiện, thiết bị, nhân công, nhiên liệu phục vụ nạo vét lòng hồ như trước đây.
Theo văn bản số 1753/UBND-TL, ngày 7/3/2024, UBND tỉnh Lâm Đồng có ý kiến về việc chi phí thực hiện nạo vét lòng hồ thủy điện, thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Cụ thể: Đối với các khoản chi phí phát sinh liên quan đến công tác nạo vét lòng hồ thủy lợi, thủy điện, thực hiện trên cơ sở thỏa thuận giữa chủ hồ và doanh nghiệp nạo vét, ngân sách Nhà nước không hỗ trợ chi phí thực hiện công tác nạo vét này; đề nghị các doanh nghiệp liên hệ với đơn vị chủ hồ để được thanh toán các khoản chi phí có liên quan theo thỏa thuận.
Liên quan đến nội dung này, trước đó, một số doanh nghiệp tham gia nạo vét lòng hồ thủy điện, thủy lợi trên địa bàn tỉnh như: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất thương mại dịch vụ Rạng Đông, Công ty Lê Chương Đà Lạt, Đại Cát Đức Trọng, Đắc Thắng Lợi, Khoáng sản Ngọc Diệp, Tài Hòa Phú 68… đã nêu kiến nghị: “Trách nhiệm nạo vét lòng hồ thủy điện, thủy lợi về cơ bản do chủ đầu tư hoặc đơn vị quản lý, vận hành, khai thác hồ chứa (chủ hồ chứa) thực hiện. Tuy nhiên trên thực tế, doanh nghiệp đang thực hiện nạo vét mà không được hoàn trả chi phí từ chủ hồ chứa và các chủ hồ chứa cũng không kê khai chi phí nạo vét vào chi phí vận hành hằng năm của các nhà máy thủy điện liên quan. Bên cạnh đó, để làm ra 1 m3 cát, sỏi sạch đưa vào đấu giá, doanh nghiệp còn phải chi trả rất nhiều chi phí liên quan, chi phí nhiên liệu, nhân công, máy móc, thiết bị để tách lọc; chi phí quản lý bảo vệ; chi phí bảo vệ môi trường. Do đó, việc Sở Tài chính nhận định sau khi đấu giá, không hoàn trả chi phí cho doanh nghiệp là không hợp tình, hợp lý…”.
Sau khi tổ chức họp liên ngành với các Sở Công Thương, Xây dựng, Tài Nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… cùng các doanh nghiệp, Sở Tài chính Lâm Đồng nhận định (tại văn bản số 330/STC-GCS ngày 26/2/2024): Sau thời gian vận hành, khai thác, sử dụng, các hồ, đập thủy điện bị bồi lắng làm giảm hiệu xuất hoạt động, giảm dung tích chứa nước của các hồ làm ảnh hưởng đến nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, thủy điện, thủy lợi. Do vậy, công tác nạo vét, chống bồi lắng lòng hồ, đảm bảo an toàn hồ đập, dù có thu được các sản phẩm tận thu như: cát, sỏi, đá, cuội... hay không thì công tác nạo vét vẫn phải thực hiện… Như vậy, công tác nạo vét lòng hồ thủy điện, thủy lợi thuộc trách nhiệm của chủ hồ. Do đó, các khoản chi phí phát sinh liên quan đến công tác nạo vét lòng hồ được thanh toán trên cơ sở thỏa thuận giữa chủ hồ và doanh nghiệp nạo vét. Nhà nước không hỗ trợ kinh phí để chi trả như kiến nghị của các doanh nghiệp.
Trong quá trình nạo vét lòng hồ, trường hợp thu được tài nguyên khoáng sản như cát, sỏi, đá…, UBND các huyện, thành phố căn cứ chỉ đạo của UBND tỉnh tại văn bản số 2096/UBND-TL ngày 22/3/2023 để tổ chức bán đấu giá khoáng sản. Toàn bộ số tiền thu được từ việc bán khoáng sản nộp vào tài khoản tạm giữ của Phòng Tài chính - Kế hoạch các huyện, thành phố. Các chi phí liên quan đến công tác bán đấu giá được sử dụng nguồn này để thực hiện.
Theo ông N.V.T, chủ một doanh nghiệp tham gia nạo nét lòng hồ thủy lợi, thủy điện trên địa bàn cho biết, trước đây, các doanh nghiệp hoạt động theo hình thức giống như khai thác khoáng sản, kinh doanh vật liệu xây dựng. Nghĩa là sau khi thỏa thuận với chủ hồ, doanh nghiệp sẽ lập hồ sơ xin chính quyền địa phương cấp phép nạo vét lòng hồ; Nhà nước và chủ hồ không phải trả bất cứ khoản chi phí nào cho hoạt động nạo vét này; doanh nghiệp sống được từ nguồn kinh phí bán cát, sỏi, đá… tận thu từ lòng hồ; sau khi trừ các khoản kinh phí thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, doanh nghiệp được hưởng phần kinh phí còn lại. Tuy nhiên với chính sách mới đây, doanh nghiệp sẽ trở thành đơn vị làm thuê đơn thuần cho chủ hồ.
Theo ông N.V.T, cách đây 1 năm, tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu các doanh nghiệp tham gia hoạt động nạo vét lòng hồ đóng cửa bãi chứa, không được bán khoáng sản thu được ra ngoài để chờ cơ quan chức năng tổ chức bán đấu giá lượng khoáng sản này. Bởi vậy, hầu hết các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, vì diện tích các bãi chứa đã quá tải. Thị trường vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng vì vậy cũng đã bị khan hiếm, đẩy giá lên cao…