"Việc thực thi Luật GTĐB từ năm 2008 đến nay đã góp phần giảm sâu số người chết do tai nạn giao thông từ trên 15.000 người/năm xuống còn dưới 8.000 người hiện nay; đưa hạ tầng giao thông quốc gia phát triển vượt bậc, từ vị trí 79 vươn lên đứng thứ 28 thế giới. Tuy nhiên, nhiều quy định đã nảy sinh những tồn tại, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung như: Tỷ lệ % diện tích đất dành cho đường bộ chưa đảm bảo; hạn chế về hạ tầng giao thông thông minh khiến cho việc xử phạt không minh bạch; phương tiện cá nhân phát triển nhanh với nhiều loại hình công nghệ tiên tiến; hệ thống quốc lộ, đường nông thôn, đường cao tốc phát triển mạnh nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải, tính kết nối và sự đồng bộ; vận tải công cộng chưa đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân...", Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện cho biết.
Trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Luật GTĐB năm 2008 của các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố, cùng với thực tiễn công tác quản lý, chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 12/2019, Bộ GTVT xây dựng Luật GTĐB (sửa đổi) thay thế Luật GTĐB năm 2008 với mục tiêu giải quyết những bất cập trong Luật GTĐB năm 2008, dự thảo Luật GTĐB sửa đổi sắp trình Chính phủ sẽ có nhiều điểm mới sát thực tế hiện nay, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Theo ông Nguyễn Văn Huyện, các điểm mới đáng chú ý được sửa đổi, bổ sung vào dự thảo Luật như: Khái niệm phương tiện giao thông thông minh, giao thông công cộng; các hành vi bị nghiêm cấm sát với Luật Phòng chống tác hại của rượu bia; sử dụng điện thoại di động khi điều khiển phương tiện, quay đầu, lùi xe trên đường cao tốc; xử phạt nguội qua camera; cạnh tranh lành mạnh trong vận tải...
Tầm nhìn trong sửa đổi, bổ sung Luật GTĐB mới từ 15 - 20 năm. Các loại hình phương tiện thay đổi, dự báo cho phát triển các loại xe công nghệ hiện đại trong tương lai như ô tô bay cũng được tiếp thu chỉnh sửa trong Luật, các loại hình đường giao thông nông thôn khoảng 680.000 km sẽ được đưa vào quản lý... Vì vậy, dự thảo Luật mới sẽ nâng lên 150 điều, thay vì 98 điều như trước đây.
Mục tiêu của việc xây dựng Luật GTĐB mới, Bộ GTVT xác định minh bạch, giảm thiểu thủ tục hành chính, đảm bảo phục vụ tốt nhất lợi ích của người dân và doanh nghiệp. Cùng đó, giao thông đường bộ sẽ an toàn hơn, tai nạn giao thông giảm sâu hơn, thuận tiện, dễ dàng, giảm chi phí cho người dân hơn và thân thiện với môi trường. Việc sửa đổi Luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao sửa đổi và trình Quốc hội vào kỳ họp thứ X tới đây.
Một trong những vấn đề đang được dư luận quan tâm nhất hiện nay là việc quản lý, đào tạo, sát hạch, tịch thu giấy phép lái xe (GPLX) của người vi phạm cũng sẽ được bổ sung, sửa đổi sát thực tế, đảm bảo công bằng và đủ sức răn đe.
Về vấn đề này, ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ Phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) khẳng định, Nghị định 100/2019 quy định 61 hành vi vi phạm ngoài việc phạt tiền, người lái xe sẽ bị tước quyền sử dụng GPLX từ 1 - 24 tháng. Quy định tước quyền sử dụng GPLX đã được cập nhật vào phần mềm quản lý vi phạm. Tổng cục và Cục Cảnh sát giao thông đang quản lý dữ liệu này. Để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, theo dõi hành vi vi phạm, đảm bảo ATGT, dự thảo Luật GTĐB mới đề xuất theo dõi số lần vi phạm bị tước quyền sử dụng GPLX để thu hồi GPLX. Hình thức này đang được áp dụng tại nhiều nước trên thế giới.
Cụ thể, trong thời hạn 3 năm, mà lái xe bị tước GPLX đến 4 lần sẽ bị thu hồi GPLX, sau đó sẽ phải học và thi lại mới được cấp GPLX mới. Việc này cũng tương tự như tính điểm để xử lý vi phạm của lái xe, không phát sinh thêm thủ tục. Người dân có thể theo dõi số lần bị tước GPLX qua phần mềm của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.