Tại Việt Nam, chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với thuốc lá hiện bằng 70% giá xuất xưởng. Tuy nhiên, khi tính theo chuẩn quốc tế là mức thuế trong giá bán lẻ, tỷ lệ thuế của Việt Nam (bao gồm VAT) vẫn còn thấp so với đa số các nước trong khu vực và trên thế giới.
Theo một nghiên cứu của Liên minh phòng chống thuốc lá Đông Nam Á (SEATCA) năm 2020, tỷ lệ thuế thuốc lá tính theo giá bán lẻ chỉ chiếm 38.8%, bằng một nửa của hầu hết các nước ASEAN như Thái Lan (78.6%), Singapore (67,1%), Indonesia (62.3%). Trong khi đó, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Ngân hàng Thế giới (WB), tỷ trọng thuế thuốc lá trên giá bán lẻ phải đạt từ 75% mới thực sự có tác động làm giảm tiêu dùng.
Do những hạn chế của chính sách thuế TTĐB hiện hành, giá thuốc lá ở Việt Nam cũng ở mức thấp nhất thế giới, tỷ lệ hút thuốc giảm chậm và sức mua thuốc lá của người Việt Nam vẫn đang gia tăng.
Theo báo cáo của WHO, năm 2020, giá trung bình một bao thuốc nhãn phổ biến nhất ở Việt Nam là 2,82 USD/1 bao, chỉ bằng 1/3 so với mức bình quân của tất cả các quốc gia trên thế giới (8,46 USD/bao). Với mức này, giá thuốc lá ở Việt Nam đứng thứ 157 trên tổng số 161 quốc gia.
Trong một báo cáo năm 2021 về chỉ số thuế thuốc lá của Liên minh Phòng chống thuốc lá Đông Nam Á (SEATCA), giá thuốc lá tại Việt Nam ngày càng rẻ so với thu nhập đầu người. Chỉ số “Giá thuốc lá tính theo phần trăm thu nhập quốc gia đầu người” giảm từ 11,4% năm 2000 xuống còn 3,04% năm 2019. Điều này có nghĩa là thuốc lá ngày càng rẻ đi so với thu nhập của người dân và sức mua thuốc lá gia tăng.
WHO và các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực y tế công cộng khuyến nghị để đạt được hiệu quả giảm tiêu dùng thuốc lá, các nước cần thay đổi chính sách thuế thuốc lá theo hướng bổ sung thuế tuyệt đối hoặc chuyển sang hệ thống thuế hỗn hợp (bao gồm với thuế TTĐB và thuế tuyệt đối) và tăng thuế theo một lộ trình đều đặn để giá thuốc lá theo kịp mức tăng thu nhập và dần hướng tới mức thuế tối ưu là chiếm 75% giá bán lẻ.
Dựa trên kinh nghiệm tăng thuế thuốc lá tại một số quốc gia như Thái Lan, Philippines hay Italy, những nước này đều chứng kiến một sự thay đổi tích cực sau khi thay đổi chính sách thuế thuốc lá.
Cụ thể, tại Thái Lan, tăng thuế thuốc lá làm giảm tiêu dùng thuốc lá nhưng doanh thu thuế tăng. Từ năm 1993-2017, chính Phủ Thái Lan đã tăng thuế TTĐB với thuốc lá 11 lần, trung bình khoảng 2 năm tăng một lần. Kết quả là thuế thuốc lá đã tăng từ 55% đến 90% giá bán buôn đã có thuế (tương đương mức tăng từ 120% giá xuất xưởng lên thành 693% giá xuất xưởng nếu tính theo cách tính thuế của Việt Nam).
Năm 2017, Thái Lan tiếp tục cải cách thuế thuốc lá với hệ thống thuế hỗn hợp. Kết quả đạt được là thu ngân sách tăng hơn gấp 4 lần, từ 500 triệu USD năm 1993 lên gần 2,3 tỷ USD năm 201 và tỷ lệ hút thuốc chung cả nam và nữ trên toàn quốc giảm từ 32% (năm 1991) xuống còn 19,91% (năm 2017).
Ngoài tiêu dùng thuốc lá giảm, tăng thuế thuốc lá không làm gia tăng tình trạng buôn lậu như nhiều người vẫn lầm tưởng. Qua phân tích số liệu từ 94 quốc gia năm 2018, WHO cho thấy không có mối liên quan rõ ràng giữa tình trạng buôn lậu thuốc lá và giá thuốc lá.
Thậm chí, tại các quốc gia có mức giá thuốc lá thấp như Ethiopia, Pakistan, Brazil, tình trạng buôn lậu thậm chí lại xảy ra nhiều hơn (với thị phần buôn bán thuốc lá lậu trên 30%) so với những quốc gia có mức giá và thuế thuốc lá cao. Nhiều quốc gia đã kiểm soát buôn lậu thuốc lá thành công ngay cả khi thuế và giá thuốc lá tăng cao. Như ở Italy, năm 1992, nước này ghi nhận nạn buôn lậu thuốc lá ước tính ở mức cao (13%). Chính phủ đã quyết định tăng thuế TTĐB thuốc lá ba lần trong giai đoạn 1993-2000 để tăng suất thuế TTĐB lên 75,2% giá bán lẻ.
Để kiểm soát buôn lậu, chính phủ Itay đã thực hiện một số biện pháp, bao gồm việc giới thiệu mã vạch trên bao thuốc lá để giúp phát hiện thuốc lá bất hợp pháp; thông qua luật trong đó coi buôn lậu thuốc lá giống như các hành vi phạm tội nghiêm trọng khác… Những nỗ lực này đã mở đường cho các cơ quan thực thi pháp luật và các cơ quan tư pháp giải quyết vấn đề buôn lậu thuốc lá một cách hiệu quả. Do đó, tỷ lệ thuốc lá nhập lậu đã giảm xuống khoảng 3% vào năm 2000 và duy trì ở mức thấp trong những năm tiếp theo.