Kiên quyết loại bỏ những yếu tố, công nghệ gây tác hại môi trường

“Việc xuất hiện nhiều điểm nóng về môi trường như xâm ngập mặn, hạn hán rồi sự cố ô nhiễm môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung do Formosa gây ra vừa qua... gây bức xúc xã hội, lo lắng cho người dân; sắp tới sẽ giải quyết như thế nào?”.

Câu hỏi này được ông Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường nêu lên tại hội nghị “Phát triển bền vững – xu thế tất yếu và sự cần thiết đối với doanh nghiệp” do Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VBCSD)- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng với Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam (HVBL) tổ chức, diễn ra chiều 22/9, tại Hà Nội.

Quang cảnh Hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường chia sẻ: Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển, công nghiệp hoá, đô thị hoá và đến thời điểm bùng phát nhiều vấn đề môi trường.

Ông Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, phát biểu tại hội nghị.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển giống như Nhật Bản, Singapore hay Hàn Quốc ở thập niên 80 thế kỷ trước. Các dự án được đầu tư ở giai đoạn 2006 -2010, thời kỳ Việt Nam bùng nổ đầu tư, rải thảm đỏ đón vốn đầu tư; sau một thời gian đi vào hoạt động, đã bộc lộ nhiều vấn đề về môi trường. Do đó, Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt mới, đòi hỏi có giải pháp kiên quyết, để loại bỏ những yếu tố, công nghệ gây tác hại tới môi trường...


Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Thế Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho rằng: Giải pháp tốt nhất để có thể loại bỏ những yếu tố gây ô nhiễm môi trường là mỗi doanh nghiệp phải đưa ra chương trình hành động, phát triển hướng tới bền vững, tăng trưởng xanh. Hơn thế, các kế hoạch hành động từ trung ương đến địa phương cần được triển khai đồng bộ và phù hợp với các nội dung về nâng cao nhận thức; hoàn thiện thể chế; chuyển đổi cơ cấu kinh tế ngành, địa phương và doanh nghiệp, đổi mới công nghệ ....

Dẫn lại Chỉ thị 25 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành đầu tháng 9/2016 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường, ông Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục  Môi trường nhấn mạnh: “Đã tới lúc phải xem xét lại vấn đề thu hút đầu tư, công nghệ lạc hậu rồi giám sát hoạt động xả thải của doanh nghiệp, quan trắc đánh giá bảo vệ môi trường... cần được tiếp cận một cách bài bản”.


Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương cũng đánh giá cao vai trò của doanh nghiệp và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân, nguồn đầu tư Nhà nước và ODA như là chất xúc tác để thu hút, hình thành môi trường thuận lợi cho khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Để đạt được mục tiêu này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư nhấn mạnh: Doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung nghiên cứu và xác định được một mô hình phát triển kinh tế thích hợp.


Theo ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch VCCI: Những rủi ro liên quan tới môi trường, xã hội, khoảng cách giàu nghèo, biến đổi khí hậu.... phát triển bền vững đang là xu thế tất yếu của toàn cầu. “Phát triển bền vững là từ khoá quan trọng trong chặng đường phát triển của mỗi doanh nghiệp”, ông Khương khẳng định.


Cũng theo ông Đoàn Duy Khương, hiện 95% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ, nên các chính sách cũng cần tăng cường hướng tới đối tượng này. Việt Nam vừa sửa đổi Luật Doanh nghiệp, trong đó bổ sung hình thức doanh nghiệp mới – doanh nghiệp xã hội. Trong các chương trình phát triển bền vững, chính sách đưa ra cũng cần hướng tới loại hình doanh nghiệp này nhiều hơnđể các doanh nghiệp này phát triển và tham gia tích cực vào cộng đồng doanh nghiệp chung.


Nhấn mạnh phát triển bền vững là từ khoá quan trọng trong chặng đường phát triển của mỗi doanh nghiệp, Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, đã tới lúc đưa ra hàng rào bảo vệ môi trường bằng cách kiên quyết loại bỏ công nghệ lạc hậu ra khỏi dây chuyền sản xuất và chính sách của Chính phủ phải làm thế nào giá thành sản phẩm phản ứng đủ chi phí sản xuất thực tế của doanh nghiệp.“Với những doanh nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu, xả thải gây ô nhiễm môi trường, cần có công cụ, chính sách thuế đủ mạnh “đánh” vào những doanh nghiệp này”, ông Khương cho biết.


Phó Chủ tịch VCCI cũng khẳng định: Một bộ chỉ số về phát triển bền vững (VSI) đã được cơ quan này xây dựng từ năm 2014 và công bố lần đầu vào năm 2015. Báo cáo VSI là công cụ hỗ trợ doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp cải thiện hoạt động theo hướng bền vững hơn. VSI phiên bản 2016 tiếp tục được cơ quan này xây dựng, gồm 151 câu hỏi nhằm đo lường giá trị doanh nghiệp trên 3 lĩnh vực: Môi trường, kinh tế, xã hội. Dự kiến Top 100 doanh nghiệp doanh nghiệp phát triển bền vững sẽ được VBCSD công bố vào tháng 11 tới.

Ông Leo Evers - Tổng Giám đốc Điều hành HVBL trình bày "Báo cáo Phát triển Bền vững 2015" tại Hội nghị.

Tham dự chương trình với tư cách là một doanh nghiệp rất chú trọng tới việc phát triển bền vững, đại diện HVBL khẳng định: Nhằm chung tay bảo vệ nguồn nước, HVBL đã đầu tư rất lớn cho những công nghệ sản xuất tiết kiệm nước và hệ thống xử lý nước thải tiên tiến hiện đại. Trong năm 2015, doanh nghiệp đã tiếp tục giảm thêm 3% lượng nước tiêu thụ trong sản xuất. Đặc biệt, Nhà máy tại Đà Nẵng của HVBL nằm trong Top 5 các Nhà máy bia có hiệu suất sử dụng nước tốt nhất của Tập đoàn Heineken toàn cầu. Tổng lượng nước tiết kiệm được trong năm 2015 từ các nhà máy bia của HVBL là 60.000 mét khối (m3), tương đương lượng nước của 24 hồ bơi Olympic. Cũng trong 4 năm qua, HVBL đã liên tục giảm lượng khí thải CO2trực tiếp trong quá trình sản xuất. Trong năm 2015, với việc gia tăng sử dụng nhiên liệu sinh khối (biomas) và sinh học (biogas), đã giảm được 34% lượng khí thải CO2 trong sản xuất so với năm 2014, xuống còn 5,0 kg-eqCO2/hl, tốt hơn mức trung bình của Heineken toàn cầu.


Bên cạnh các hoạt động kinh doanh, HVBL còn hướng đến những hoạt động đầu tư cộng đồng mang tính chiến lược, ưu tiên 2 lĩnh vực: nguồn nước và giáo dục. Chương trình nước sạch cho cộng đồng “1 phút tiết kiệm triệu niềm vui” được triển khai từ năm 2012 đã góp phần không nhỏ trong việc xây dựng ý thức tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước trong cộng đồng. Chương trình hỗ trợ tài năng trẻ “Vì an ninh tài nguyên Nước” của Nhà máy bia Heineken Việt Nam được triển khai từ năm 2012 vừa để hỗ trợ nghiên cứu bảo tồn nguồn nước vừa tài trợ học bổng bậc đại học. Trong năm 2015, chương trình đã cấp 55 học bổng và 4 tài trợ cho những nhà khoa học trẻ và những sinh viên tiềm năng, những người sẽ góp phần bảo tồn nguồn nước sạch cho tương lai...


Được biết, HVBL cũng vừa giới thiệu “Báo cáo Phát triển bền vững năm 2015 - “Vì một Việt Nam tốt đẹp hơn” lần thứ 2, tập trung vào 6 lĩnh vực trọng tâm: Tuyên truyền uống có trách nhiệm, Bảo vệ nguồn nước, Giảm thiểu khí thải CO2, Hỗ trợ cộng đồng, Nguồn cung ứng bền vững, Sức khỏe và an toàn.

Hoài Anh
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN