Chuyên gia môi trường khuyến cáo người dân hạn chế các hoạt động ngoài trời, đóng cửa sổ và sử dụng khẩu trang chống bụi khi ra đường. Còn theo chuyên gia y tế, trong điều kiện thời tiết xấu, người dân cần vệ sinh đường hô hấp bằng nước muối sinh lý. Người bị bệnh hô hấp cần thực hiện các biện pháp dự phòng nghiêm ngặt.
Theo các hệ thống đo chỉ số chất lượng không khí từ Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), UBND thành phố Hà Nội, Trang thông tin điện tử và nền tảng ứng dụng PAM Air (do Công ty Cổ phần Tư vấn và Tích hợp công nghệ D&L quản lý), Air Visual (thuộc Tổ chức IQAir có trụ sở chính tại Thụy Sỹ), hầu hết các điểm quan trắc ở Hà Nội và các tỉnh lân cận đều chuyển mức kém màu cam là nhóm nhạy cảm có thể bị ảnh hưởng sức khỏe và mức xấu màu đỏ-mức có hại cho sức khỏe.
Lúc 8 giờ ngày 2/9, hệ thống quan trắc không khí từ ứng dụng Envisoft của Tổng cục Môi trường ghi nhận 3 điểm có chỉ số AQI ở mức 154-155. Cổng thông tin quan trắc môi trường của UBND thành phố Hà Nội ghi nhận 4 điểm quan trắc chỉ số AQI ở mức 151-157, những người bình thường bắt đầu có ảnh hưởng tới sức khỏe, nhóm nhạy cảm có thể gặp phải các vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng hơn.
Theo AirVisual, rất nhiều điểm quan trắc ở Hà Nội và các vùng lân cận đều ở đỏ- chỉ số AQI cao nhất tới 184, có hại cho sức khỏe. AirVisual dự báo tình trạng ô nhiễm sẽ diễn ra cả ngày. Theo thang bảng ô nhiễm các thành phố lớn trên thế giới, Hà Nội đang đứng đầu với chỉ số 159.
PAMAir ghi nhận chỉ số AQI ở hầu khắp Hà Nội và một số tỉnh lân cận có mức đỏ, không tốt cho sức khỏe - chỉ số AQI cao nhất 199, thậm chí có 9 điểm quan trắc ở mức tím 201-265, trong đó 2 điểm ở Hưng Yên, 1 điểm ở Thái Bình, 1 điểm ở Hải Phòng và 5 điểm ở Hà Nội (Đông Anh, Hoài Đức, Bắc Từ Liêm, Phú Xuyên) mọi người bị ảnh hưởng tới sức khỏe nghiêm trọng.
Ngoài các yếu tố về hoạt động giao thông, xây dựng, sản xuất công nghiệp, ô nhiễm không khí ở các tỉnh miền Bắc phụ thuộc vào điều kiện thời tiết và hoạt động dân sinh theo mùa vụ hay dịp lễ như đốt rơm rạ, vàng mã.