Sáng 28/4, chỉ số ô nhiễm không khí Hà Nội lại cao nhất thế giới

Sáng 28/4, không khí ở Hà Nội ô nhiễm trở lại sau nhiều ngày chất lượng tốt, với chỉ số ô nhiễm không khí đứng ở vị trí cao nhất thế giới. 

Chú thích ảnh
Hà Nội xếp hạng ô nhiễm nhất thế giới trong sáng 28/4 theo ghi nhận của Air Visual. Ảnh chụp màn hình.

Theo các hệ thống đo chỉ số chất lượng không khí từ Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), UBND TP Hà Nội, trang thông tin điện tử và nền tảng ứng dụng PAM Air (do Công ty Cổ phần Tư vấn và Tích hợp công nghệ D&L quản lý), Air Visual (thuộc Tổ chức IQAir có trụ sở chính tại Thụy Sỹ), hầu hết các điểm quan trắc ở Hà Nội và các tỉnh lân cận trong sáng 28/4 đều chuyển màu đỏ.

Lúc 7 giờ sáng 28/4, hơn 50 điểm đo của Hệ thống theo dõi chất lượng không khí PAM Air ghi nhận chất lượng không khí Hà Nội ở ngưỡng xấu, với chỉ số chất lượng không khí từ 150 - 200, bắt đầu có hại cho sức khỏe mọi người, nhóm nhạy cảm như người mắc bệnh hô hấp, tim mạch, người già, trẻ em nên hạn chế hoạt động ngoài trời.

Hệ thống quan trắc của Đại sứ quán Mỹ, của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội ghi nhận tình trạng tương tự.

Chú thích ảnh
Ghi nhận tình trạng ô nhiễm không khí trên hệ thống đo của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội.

Trong khi đó, theo AirVisual, ghi nhận lúc 9 giờ 40 phút, chỉ số ô nhiễm không khí ở Hà Nội được xếp hàng ở vị trí ô nhiễm nhất thế giới, đứng trên cả Dhaka của Bangladesh, Trung Quốc, Uzbekistan...

Bộ Y tế khuyến cáo, những ngày chất lượng không khí lên ngưỡng đỏ, người dân nên ở trong nhà, đóng các cửa sổ, cửa chính, hạn chế tham gia giao thông, hoạt động ngoài trời như tập thể dục. Khi ra ngoài cần đeo khẩu trang, về nhà nên rửa mặt, mắt, mũi bằng nước muối sinh lý.

Nguyên nhân của ô nhiễm không khí tại Hà Nội kéo dài nhiều năm qua, là sự tổng hợp của nhiều nhóm nguyên nhân gồm giao thông, hoạt động xây dựng, sản xuất công nghiệp và các hoạt động dân sinh như đốt than, đốt rác, đốt rơm rạ...

Cùng với đó, theo ghi nhận trong sáng 28/4, các phương tiện giao thông đi lại trên đường phố Hà Nội đã đông đúc trở lại. Các chuyên gia môi trường lý giải, ngoài những nguồn thải thường xuyên và các yếu tố thời tiết, thì lượng người và phương tiện giao thông gia tăng đổ ra đường sau khoảng thời gian giãn cách xã hội cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm này. 

Trong đợt giãn cách xã hội tháng 4, lượng người tham gia giao thông và các hoạt động sản xuất bị hạn chế giúp chất lượng không khí được cải thiện so với khoảng thời gian cùng kỳ các năm trước. Tuy vậy, vẫn có những ngày chất lượng không khí ở ngưỡng kém vào xấu.

TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch ở Việt Nam cho rằng, việc cách ly xã hội với lượng tham gia giao thông giảm đến 80% song vẫn có thời điểm ô nhiễm cho thấy, cùng với nguồn giao thông, nhiều nguồn gây ô nhiễm nghiêm trọng khác của Hà Nội là xây dựng, cơ sở sản xuất, làng nghề, đặc biệt là hoạt động đốt không kiểm soát. Đợt đại dịch lần này cho thấy cần có nhiều chính sách giảm thiểu ô nhiễm không khí từ nguồn giao thông và các nguồn khác.

Trung Hiếu/Báo Tin tức
Ô nhiễm không khí có liên hệ với tỉ lệ tử vong do COVID-19
Ô nhiễm không khí có liên hệ với tỉ lệ tử vong do COVID-19

Bệnh nhân mắc COVID-19 tại những khu vực có mức độ ô nhiễm không khí cao trước khi dịch bùng phát có tỉ lệ tử vong cao hơn so với những người sống tại các địa điểm có môi trường không khí sạch hơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN