Khí tượng Thủy văn đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững - Bài cuối: Hướng tới làm tốt công tác 'đoán bệnh của trời'

Việt Nam là đất nước chịu tác động của biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết, thủy văn cực đoan, ngày càng diễn biến phức tạp, khắc nghiệt, gây ra nhiều thiệt hại về người và tài sản. Nhiều quy luật khí hậu bị phá vỡ khiến công tác khí tượng thủy văn gặp nhiều khó khăn hơn trong việc đưa ra những dự báo, cảnh báo.

Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, ngành Khí tượng Thủy văn xác định, một trong những nhiệm vụ quan trọng là tăng cường hợp tác quốc tế, đề ra những giải pháp hiệu quả trong thời gian tới.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế

Khí tượng Thủy văn là một ngành khoa học kỹ thuật có tính đồng bộ, liên kết rất chặt chẽ kể cả trong nước và quốc tế. Vì vậy, ngành Khí tượng Thủy văn suốt quá trình phát triển luôn coi trọng công tác hợp tác quốc tế, qua đó tạo điều kiện để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chuyên môn. Mặt khác, thông qua việc hợp tác quốc tế sẽ là cơ hội tốt phát triển công nghệ, nhân lực chất lượng cao cũng như tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ khác, đẩy nhanh sự phát triển của ngành.

Chú thích ảnh
Kiểm tra nhiệt độ ngoài trời tại Trung tâm khí tượng thủy văn tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN

Thực hiện các Nghị quyết và đường lối đối ngoại của Đảng, ngành Khí tượng Thủy văn đã không ngừng phấn đấu vươn lên, tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ đại diện Việt Nam tham gia các điều ước quốc tế về khí tượng thủy văn được phân công, mở rộng và tăng cường quan hệ quốc tế theo tinh thần đa phương hóa, đa dạng hóa, tranh thủ tối đa nguồn viện trợ để phát triển. Đồng thời, ngành Khí tượng Thủy văn Việt Nam cũng làm tốt nghĩa vụ thành viên trong các tổ chức quốc tế mà ngành tham gia, góp phần nâng cao uy tín quốc gia trên trường quốc tế và phục vụ cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước.

Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới Petteri Talass bày tỏ, ngành Khí tượng Thủy văn Việt Nam chủ động tham gia tích cực vào Tổ chức Khí tượng Thế giới, tăng cường vị thế của Việt Nam trong khu vực châu Á, góp phần nâng cao năng lực phòng tránh thiên tai, đảm bảo an ninh trong khu vực và bảo vệ chủ quyền biển đảo, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng đất nước.

Trong khuôn khổ Tổ chức Khí tượng Thế giới, ngành Khí tượng Thủy văn Việt Nam đã tham gia hầu hết các ban kỹ thuật (khí hậu, thủy văn, khí tượng thủy văn biển, hệ thống cơ sở và nghiên cứu khí quyển). Ngành đã từng bước trở thành thành viên quan trọng của Tổ chức Khí tượng Thế giới trong các chương trình hợp tác tự nguyện, các chương trình nghiên cứu của Tổ chức Khí tượng Thế giới tại khu vực Đông Nam Á. Ngành Khí tượng Thủy văn Việt Nam tích cực tham gia công tác quản lý và cải tổ của hệ thống Tổ chức Khí tượng Thế giới tại khu vực châu Á. Đặc biệt, những năm gần đây, các hoạt động trong khuôn khổ công ước khung về biến đổi khí hậu, Công ước viên và Nghị định thư Montreal về bảo vệ tầng ô zôn đã được thực hiện rất tích cực, Việt Nam được Tổ chức Khí tượng Thế giới và các Tổ chức quốc tế có liên quan đánh giá cao.

Với những nội dung hợp tác ngày càng phong phú, đa dạng, ngành Khí tượng Thủy văn Việt Nam đã thể hiện vai trò chủ động trong các hoạt động chuyên môn cũng như khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế thông qua các nhiệm kỳ là Chủ tịch Ủy ban Bão, Phó Chủ tịch Hiệp hội Khí tượng khu vực II châu Á.

Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến với Đại diện thường trực khu vực Đông Bán cầu của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) trao đổi về Kế hoạch Chiến lược của Tổ chức Khí tượng Thế giới và các sáng kiến trong năm 2021, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn Hoàng Đức Cường, Đại diện thường trực ủy quyền của Việt Nam tại Tổ chức Khí tượng Thế giới nhấn mạnh: Việt Nam cam kết tiếp tục thực hiện tốt vai trò hỗ trợ khu vực trong 2 chương trình của Tổ chức Khí tượng Thế giới: Dự án Trình diễn dự báo thời tiết nguy hiểm và Hệ thống chỉ dẫn cảnh báo lũ quét cho khu vực Đông Nam Á. Việt Nam cũng đã chủ động tham gia vào các hoạt động của Hiệp hội Khí tượng khu vực châu Á, đã kết nối với các thành viên văn phòng khu vực của Tổ chức Khí tượng Thế giới các Ban kỹ thuật và Hiệp hội khu vực. Việt Nam cũng rất mong muốn nhận được sự hỗ trợ về công nghệ cũng như những kinh nghiệm của các quốc gia khác đặc biệt trong việc tăng cường năng lực cảnh báo, dự báo.

Bên cạnh các dự án hợp tác quốc tế, đầu tư xây dựng trang thiết bị, các dự án chuyển giao công nghệ, hợp tác nghiên cứu đã tạo nhiều cơ hội cho ngành Khí tượng Thủy văn Việt Nam tiếp cận với các công nghệ mới và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần tích cực vào quá trình phát triển và hiện đại hóa ngành, đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải quốc gia. Thông qua các hoạt động hợp tác quốc tế, ngành Khí tượng Thủy văn Việt Nam đã có nhiều cố gắng giúp các nước Lào, Campuchia trong việc đào tạo cán bộ chuyên môn, phát triển mạng lưới trạm khí tượng thủy văn ngay từ những năm đầy khó khăn, gian khổ.

Trong năm 2010-2020, ngành Khí tượng Thủy văn Việt Nam đã hoàn thành các nhiệm vụ đề ra trong khuôn khổ hợp tác đa phương (Tổ chức Khí tượng Thế giới, Ủy ban Bão, Tiểu ban Khí tượng và Vật lý địa cầu ASEAN…) và hợp tác song phương với Hàn Quốc, Trung Quốc, Lào cũng như Cơ quan Khí tượng Nhật Bản, Phần Lan, Italy, Na Uy và đã tích cực huy động nguồn lực trong nước và quốc tế hỗ trợ thực hiện kế hoạch  hiện đại hóa ngành Khí tượng Thủy văn, tham gia công tác quản lý điều hành của Tổ chức Khí tượng Thế giới…

Đi nhanh hơn - tích cực hơn

Với mục tiêu phát triển ngành Khí tượng Thủy văn Việt Nam đồng bộ, theo hướng hiện đại hóa và tự động hóa, có đủ năng lực quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật khí tượng thủy văn trong phạm vi cả nước, nâng cao năng lực quan trắc, dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, trọng tâm là dự báo, cảnh báo các thiên tai liên quan đến lũ, lũ quét, sạt lở đất, cấp báo động lũ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và phục vụ phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai trong tình hình mới, ngành cần đi nhanh hơn, tích cực hơn.

Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn cho rằng, trước hết phải thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tinh thần sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn đơn vị thực hiện tốt đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và chỉ thị, nghị quyết của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ngành cần phát triển đồng bộ theo hướng hiện đại hóa; lấy việc đầu tư cho khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực làm giải pháp chủ yếu để phát triển trên cơ sở kế thừa và phát huy tối đa nguồn lực hiện có; khai thác triệt để thành tựu khoa học công nghệ trong nước đồng thời ứng dụng chọn lọc những thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến trên thế giới.

Ngành Khí tượng Thủy văn Việt Nam có vị trí quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh, đặc biệt là trong công tác phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai. Vì vậy đầu tư cho ngành cần đi trước một bước để cung cấp kịp thời, chính xác thông tin và luận cứ khoa học về khí tượng thủy văn cho sự phát triển bền vững của đất nước trong bối cảnh thiên tai ngày càng khắc nghiệt và gia tăng do biến đổi khí hậu.

Cùng với đó, ngành Khí tượng Thủy văn tiếp tục củng cố và hoàn thiện hệ thống mạng lưới trạm quan trắc quốc gia, trong đó tập trung đầu tư phát triển  hệ thống trạm quan trắc tự động nhằm bảo đảm thu thập đầy đủ và chính xác các số liệu, đáp ứng yêu cầu cảnh báo, dự báo khí tượng thủy văn, phục vụ phòng chống thiên tai, phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng, khai thác tài nguyên và môi trường. Hệ thống thông tin chuyên ngành cần tăng cường theo hướng hiện đại hóa bao gồm: mạng thông tin nội địa giữa Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia với các Trung tâm dự báo khu vực và hệ thống thông tin quốc tế; thu thập và khai thác các thông tin từ vệ tinh đáp ứng yêu cầu theo dõi từ xa các diễn biến thời tiết trên phạm vi rộng và dự báo thời tiết, nhất là dự báo bão, áp thấp nhiệt đới, gió mùa. Việc trang bị mạng lưới ra đa thời tiết cần hoàn thiện theo dõi và dự báo các hệ thống thời tiết có quy mô nhỏ hơn như: tố, lốc, vòi rồng, mưa đá, lũ quét… Hệ thống máy tính cần tăng cường đủ mạnh để đáp ứng các yêu cầu trong công tác xử lý, tính toán, lưu trữ, khai thác thông tin, tư liệu, nghiên cứu khoa học và phát triển các phương pháp dự báo khí tượng thủy văn.

Nhằm tranh thủ tối đa nguồn viện trợ từ bên ngoài về phương pháp và công nghệ mới, thiết bị, máy móc và phương tiện kỹ thuật, đào tạo cán bộ khoa học, ngành Khí tượng Thủy văn tiếp tục tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế. Phương thức phục vụ của ngành Khí tượng Thủy văn đổi mới theo hướng Nhà nước chịu trách nhiệm cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn đáp ứng các yêu cầu phục vụ công cộng, phòng tránh thiên tai, bảo vệ cuộc sống, tài sản cho toàn xã hội. Các hoạt động khí tượng thủy văn cần khuyến khích xã hội hóa, thương mại hóa và tăng cường sử dụng thông tin khí tượng thủy văn trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhằm mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực…

Để làm tốt công tác “đoán bệnh của trời”, ông Trần Hồng Thái nhấn mạnh, ngành Khí tượng Thủy văn phải thường xuyên làm tốt nhiệm vụ theo dõi, quan trắc mọi diễn biến thời tiết, thủy văn trên cả nước; tập trung nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo hơn nữa, đặc biệt là các hiện tượng thời tiết thủy văn, hải văn nguy hiểm trên đất liền và trên cả vùng biển rộng lớn của Tổ quốc để phục vụ phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh đặc biệt là nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

Thắng Trung (TTXVN)
Khí tượng Thủy văn đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững - Bài 1: Nỗ lực góp phần giảm nhẹ thiên tai
Khí tượng Thủy văn đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững - Bài 1: Nỗ lực góp phần giảm nhẹ thiên tai

Trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, hiện tượng thời tiết, thủy văn cực đoan ngày càng diễn biến phức tạp, khắc nghiệt, gây ra nhiều thiệt hại to lớn. Vì thế, nhiệm vụ của ngành Khí tượng Thủy văn ngày càng quan trọng, nặng nề để cung cấp những bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phục vụ đời sống của nhân dân và đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN