Khí tượng Thủy văn đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững - Bài 1: Nỗ lực góp phần giảm nhẹ thiên tai

Trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, hiện tượng thời tiết, thủy văn cực đoan ngày càng diễn biến phức tạp, khắc nghiệt, gây ra nhiều thiệt hại to lớn. Vì thế, nhiệm vụ của ngành Khí tượng Thủy văn ngày càng quan trọng, nặng nề để cung cấp những bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phục vụ đời sống của nhân dân và đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.

TTXVN giới thiệu 2 bài viết về vai trò của công tác khí tượng thủy văn góp phần giảm nhẹ thiên tai, phát triển kinh tế, xã hội.

Bài 1: Nỗ lực góp phần giảm nhẹ thiên tai

Công tác khí tượng thủy văn nói chung và mức độ dự báo chính xác kịp thời, tin cậy trong dự báo thời tiết, cảnh báo thiên tai sẽ góp phần quyết định giảm được thiệt hại và chi phí xã hội trong công tác phòng, chống thiên tai.

Theo dõi và dự báo sát thời tiết bất thường, cực đoan

Chú thích ảnh
Nhiều ngôi nhà bị ngập do mưa lũ ở huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Ảnh tư liệu: TTXVN

Năm 2020 được đánh giá là một năm của thiên tai bất thường, cực đoan nhất trong lịch sử ở cả 3 miền đất nước, ngay những ngày đầu của Tết Canh Tý 2020, mưa đá, dông lốc đã xảy ra nghiêm trọng tại nhiều tỉnh, thành của miền Bắc. Mùa khô, thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng ở Đồng bằng sông Cửu Long, xâm nhập mặn xảy ra sớm, lấn sâu và kéo dài nhiều ngày (vượt năm hạn mặn khốc liệt kỷ lục năm 2016). Mùa mưa, khúc ruột miền Trung phải hứng chịu chuỗi đa thiên tai liên tiếp và dồn dập.

Trong 42 ngày (trung tuần tháng 9 và tháng 10/2020), khu vực Trung Bộ đã chịu ảnh hưởng trực tiếp của 6 cơn bão, 1 áp thấp nhiệt đới. Trong đó, bão số 9 (Molave) là một trong 2 cơn bão có cường độ mạnh nhất trong 20 năm trở lại đây. Mưa lớn kéo dài với tổng lượng mưa phổ biến cao hơn gấp 3-5,5 lần so với trung bình nhiều năm, nhiều điểm vượt giá trị lịch sử. Lũ lớn xảy ra trên hầu khắp các sông trên toàn quốc, đỉnh lũ phổ biến vượt mức báo động 3 từ 0,5-2 m. Nhiều sông vượt mức lũ lịch sử; ngập lụt sâu diện rộng, kéo dài nhiều ngày. Sạt lở đất diễn ra nghiêm trọng gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống và sản xuất của hàng triệu người dân tại khu vực này.

Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Mai Văn Khiêm cho biết, mặc dù thiên tai rất lớn và dồn dập cuối năm, nhưng với sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành, địa phương, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã dự báo, cảnh báo sát thực tế các đợt thiên tai thông qua hàng nghìn tin dự báo, cảnh báo trên trang Web của Tổng cục Khí tượng Thủy văn cũng như các phương tiện thông tin đại chúng.

Cụ thể, trong năm 2020, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã theo dõi và dự báo 13 cơn bão, 1 áp thấp nhiệt đới (7 cơn bão và 1 áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta); 24 đợt không khí lạnh; 13 đợt nắng nóng; 19 đợt mưa diện rộng. Đặc biệt, trong tháng 9, 10, 11/2020, Trung tâm đã được cảnh báo, dự báo từ rất sớm, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại khu vực miền Trung, Đồng bằng sông Cửu Long; bão, mưa lớn khu vực miền Trung, góp phần tích cực vào công tác chủ động ứng phó, phòng, chống thiên tai từ Trung ương tới địa phương.

Những số liệu, những bản tin tưởng như khô khan nhưng đằng sau đó là sự cố gắng, nỗ lực vượt qua nguy hiểm của các cán bộ khí tượng thủy văn. Chị Mai Thị Thu Sương, quan trắc viên thuộc Trạm thủy văn Thạch Hãn, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Quảng Trị chia sẻ: "Chúng tôi luôn quan trắc những số liệu khí tượng, thủy văn kịp thời, chính xác đến từng cm phục vụ cho nhân dân địa phương và các cấp trong chỉ đạo điều hành phòng, chống thiên tai. Ngày cũng như đêm, mỗi tiếng một lần đo lũ, mưa, vất vả đến mấy thì các cán bộ ở đây vẫn không lùi bước, bởi những số liệu lịch sử về mưa lũ sẽ giúp ngành Khí tượng Thủy văn đưa ra bản tin dự báo chính xác, sát thực tế."

Trưởng trạm thủy văn Thạch Hãn, Đài Khí tượng Thủy văn Quảng Trị Phan Ngọc Tính cho biết, khi mưa lũ về, cây cối trôi nhiều trên các dòng sông, nhưng cán bộ trạm vẫn hàng giờ ra sông tác nghiệp thu thập số liệu cung cấp cho Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, phục vụ cho công tác dự báo, cảnh báo, đồng thời giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống ngành Khí tượng Thủy văn (1945 – 2020), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, từ núi rừng biên giới khó khăn đến hải đảo xa xôi, không quản ngày đêm, bất chấp thời tiết mưa to, lũ lớn, bão mạnh, các quan trắc viên luôn tận tụy âm thầm làm việc thu thập dữ liệu, truyền tin kịp thời về trung tâm để thực hiện tốt nhiệm vụ dự báo, cảnh báo thời tiết, phục vụ hiệu quả phòng, chống thiên tai. Nổi bật nhất là chất lượng dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai ngày càng được nâng lên, dần tiệm cận với trình độ của các nước phát triển và ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến của thế giới.

Nhắc lại câu chuyện về dự báo hạn mặn năm 2019 ở miền Tây Nam Bộ (được nhận định là nặng nề hơn năm 2016 ), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, do làm tốt các dự báo, mà tháng 9 năm 2019, Thủ tướng đã chủ trì hội nghị về chống hạn mặn tại Tiền Giang, quyết định hai việc quan trọng là chuyển thời vụ lên sớm hơn một tháng và giảm gần 100.000 ha trồng lúa để chuyển sang trồng loại cây khác. Chính vì vậy, dù hạn mặn nặng hơn năm 2016 nhưng thiệt hại của đợt hạn mặn năm 2019 chỉ bằng 9% so với năm 2016. Đồng thời, vùng cây ăn quả nổi tiếng ở Tây Nam Bộ đã được bảo vệ và trong vùng vẫn có một vụ lúa bội thu mà không bị ảnh hưởng nặng của hạn mặn.

Nâng cao chất lượng, đa dạng hóa phương thức truyền tin

Chú thích ảnh
Quan trắc viên đo mực nước sông Lam. Ảnh: Bích Huệ/TTXVN

Để tiếp tục nâng cao chất lượng các tin và đáp ứng sát các nhu cầu về thông tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã gửi công văn đến các bộ, ngành, địa phương đề nghị các đơn vị đề xuất nhu cầu về thông tin khí tượng thủy văn để có phương án, kế hoạch cung cấp phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã chỉ đạo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, các Đài Khí tượng Thủy văn khu vực; Đài khí tượng Thủy văn tỉnh, thành phố từng bước thực hiện việc dự báo dựa trên tác động, cảnh báo dựa trên rủi ro, nghiên cứu cải tiến nội dung, đa dạng hóa bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn.

Bên cạnh đó, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia thường xuyên tổ chức các buổi thông tin khí tượng thủy văn tới các cơ quan truyền thông và người dân (hàng tháng, mỗi khi có thiên tai). Trung tâm cũng tổ chức các diễn đàn thông tin dự báo mùa với các đối tượng sử dụng thông tin như: Tổng cục phòng, chống thiên tai, Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), các đối tác truyền tin: Đài phát thanh, truyền hình, báo điện tử, báo viết, Đài Phát thanh duyên hải... Trung tâm thực hiện việc phát tin, truyền thông tin khí tượng thủy văn để các đối tượng và cộng đồng khai thác, sử dụng thông qua trang Webside: www.nchmf.gov.vn, www.kttv.gov.vn, www.thoitietvietnam.gov.vn; fax, email, sms (tin nhắn); đa dạng hóa phương thức truyền tin, tăng cường dự báo hướng tới người dùng qua App di động, fanpage facebook, zalo.

Tính năng nổi bật App thời tiết của Tổng cục Khí tượng Thủy văn chính là nguồn thông tin chính thống thông qua việc phản ánh từ quá trình quan trắc, tới dự báo và cảnh báo; liên tục cập nhật các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai như: Bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, dông sét, ngập úng, lũ quét... Đây là điểm duy nhất có trên App của Tổng cục Khí tượng Thủy văn mà không có ở bất cứ ứng dụng nào khác. Đồng thời App thời tiết cũng có tính năng thông báo tức thời (push notification) khi có cảnh báo thiên tai tại địa điểm người dùng quan tâm hoặc vị trí hiện tại của người dùng.

Trang fanpage facebook của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia phản ánh các bản tin sáng (thông tin chỉ số bức xạ và tiềm năng nhiệt theo giờ bản tin hoặc từ 7-9 giờ, cập nhật nhiệt độ các điểm rét đậm, rét hại nếu có từ 6-7 giờ). Bản tin trưa, chiều, tối (tin cảnh báo sóng biển 24 giờ, cập nhật nhiệt độ nắng nóng gay gắt nếu có sau 19 giờ); bản tin trong ngày (tin bão, lũ lụt, mưa và các loại hình thiên tai) không cố định khung giờ, tin động đất, sóng thần, cháy rừng, xâm nhập mặn phát sinh nếu có; bản tin hàng giờ (cập nhật tình hình, diễn biến và số liệu khi bão sát ven biển đến khi tan được cập nhật theo giờ chẵn, tin nhanh 30 phút/lần khi có bão mạnh cấp 12 trở lên. Bản tin trong tuần đan xen (hạn ngắn, hạn vừa); cảnh báo 10 ngày bao gồm dòng chảy, sóng biển, xu thế thời tiết)...

Theo Giáo sư, Tiến sĩ, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn Trần Hồng Thái, các bản tin dự báo, cảnh báo đã cơ bản đáp ứng yêu cầu công tác chỉ đạo phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã thực hiện dự báo thời tiết cho từng địa điểm thời hạn tới 10 ngày cho các đơn vị cấp huyện.

Bài cuối: Hướng tới làm tốt công tác 'đoán bệnh của trời'

Thắng Trung (TTXVN)
Mật độ trạm khí tượng thủy văn đặc biệt thiếu ở vùng núi và trên biển
Mật độ trạm khí tượng thủy văn đặc biệt thiếu ở vùng núi và trên biển

Chiều 14/1, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) La Đức Dũng cho biết, mật độ trạm khí tượng thủy văn quốc gia hiện chưa đủ dày, chưa hợp lý, đặc biệt là thiếu ở những vùng thường xuyên xảy ra thiên tai nguy hiểm, nhất là vùng núi và trên biển.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN