GS.TS Trần Hồng Thái: Đầu tư cho ngành Khí tượng Thủy văn cần đi trước một bước

Theo GS.TS Trần Hồng Thái, đầu tư cho ngành cần đi trước một bước để cung cấp kịp thời, chính xác thông tin và luận cứ khoa học về khí tượng thủy văn cho sự phát triển bền vững của đất nước trong bối cảnh thiên tai ngày càng khắc nghiệt và gia tăng do biến đổi khí hậu.

Nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày thành lập ngành khí tượng - thủy văn (3/10/1945-3/10/2020), phóng viên TTXVN có dịp trao đổi với Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Thái, Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) về lịch sử hình thành và phát triển của ngành. 

Chú thích ảnh
Nhân viên phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia) tổng hợp số liệu, theo dõi, theo dõi diễn biến bão. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Xin Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Thái cho biết quá trình thành lập và phát triển của ngành khí tượng thủy văn Việt Nam?

Ngay sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), ngày 3/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 41 đưa Sở Thiên văn và Đài Thiên văn Phủ Liễn về trực thuộc Bộ Giao thông Công chính (sau đổi thành Nha Khí tượng - tổ chức tiền thân của Tổng cục Khí tượng Thủy văn ngày nay).

Đến ngày 23/3/1950, Công ước thành lập Tổ chức Khí tượng thế giới bắt đầu có hiệu lực. Ngày 28/9/1955, Chính phủ ban hành Nghị định số 588/TTg thành lập Nha Khí tượng trực thuộc Phủ Thủ tướng. Ngày 5/6/1956, Chính phủ ban hành Nghị định số 916/TTg thành lập Nha Khí tượng Thủy văn.

Ngày 29/12 /1958, Chính phủ ban hành Nghị định số 563/TTg chuyển công tác thủy văn sang Bộ Thủy lợi và đổi tên Nha Khí tượng Thủy văn thành Nha Khí tượng trực thuộc Phủ Thủ tướng. 

Ngày 14/10/1975, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết số 21-NQ/QHK6 thành lập Tổng cục Khí tượng Thủy văn trên cơ sở hợp nhất Nha Khí tượng và Cục Thủy văn (thuộc Bộ Thủy lợi).

Ngày 5/11 /1976, Chính phủ ban hành Nghị định số 215/CP sáp nhập khí tượng và thủy văn quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Tổng cục Khí tượng Thủy văn. 

Ngày 11/11/2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 91/2002/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Bộ Tài nguyên và Môi trường được thành lập trên cơ sở hợp nhất Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Tổng cục Địa chính, Cục Môi trường (Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường), Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Viện Địa chất và Khoáng sản (Bộ Công nghiệp) và bộ phận quản lý tài nguyên nước thuộc Cục Quản lý tài nguyên nước và công trình thuỷ lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Ngày 4/3/2008, Chính phủ ban hành Nghị định số 25/2008/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường, theo đó lĩnh vực khí tượng thủy văn gồm có Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường.

Đặc biệt, ngày 23/1/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 03/2018/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Tổng cục Khí tượng Thủy văn trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tổng cục Khí tượng Thủy văn được thành lập trên cơ sở Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia và bộ phận quản lý nhà nước về Khí tượng Thủy văn của Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu.

Sau 75 năm hoạt động, ngành khí tượng thủy văn đã đạt được những thành tựu nổi bật như thế nào, thưa Giáo sư?

Trải qua 75 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, ngành khí tượng thủy văn đã không ngừng vươn lên đóng góp sức mình vào sự nghiệp cách mạng chung của cả nước.

Sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường được thành lập, do yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong thời kỳ đổi mới, các văn bản pháp luật về khí tượng thủy văn đã có phạm vi điều chỉnh rộng hơn, bao quát đến các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước có liên quan đến hoạt động khí tượng thủy văn. Các văn bản pháp luật về khí tượng thủy văn đang từng bước thể hiện được vai trò pháp lý, phạm vi điều chỉnh và tính khả thi của mình trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.

Đối với công tác đo đạc quan trắc khí tượng thủy văn, từ một mạng lưới thưa thớt và ít ỏi do thực dân Pháp để lại ở miền Bắc đến nay có: 284 trạm khí tượng bề mặt (181 trạm khí tượng thủ công, 103 trạm tự động); 29 trạm khí tượng nông nghiệp; 14 trạm bức xạ; 781 trạm đo mưa tự động; 359 trạm thủy văn (234 trạm thủ công, 125 trạm tự động); 27 trạm khí tượng hải văn; có 180 trạm/điểm đo môi trường; mạng lưới trạm khí tượng cao không gồm có: 6 trạm thám không vô tuyến, 8 trạm đo gió trên cao bằng máy kinh vĩ quang học, 3 trạm đo tổng lượng ozone - bức xạ cực tím và 10 trạm ra đa thời tiết trải khắp mọi miền đất nước, 18 trạm định vị sét, với gần 1.500 quan trắc viên có mặt trên khắp mọi miền của Tổ quốc, ngày đêm thu thập các số liệu điều tra cơ bản về khí tượng thủy văn, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ quan trắc, dự báo khí tượng thủy văn phục vụ công tác chỉ đạo phòng chống thiên tai phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội đảm bảo an ninh quốc phòng của đất nước.

Hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia hiện nay bao gồm hệ thống quan trắc nội địa, thu thập số liệu quan trắc và dự báo quốc tế, hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống xử lý số liệu và dự báo. Dự báo nghiệp vụ tại Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, 9 Đài Khí tượng Thủy văn khu vực cũng như 54 Đài Khí tượng Thủy văn các tỉnh.

Công tác nghiên cứu khoa học của ngành khí tượng thủy văn luôn phát triển mạnh mẽ, với tổng số trên 300 đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước và cấp ngành đã được nghiệm thu đưa vào ứng dụng trong mọi lĩnh vực của ngành và đời sống xã hội, như: điều tra cơ bản, dự báo, thông tin dữ liệu, thiết kế, xây dựng hoặc làm cơ sở khoa học cho việc khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường ...

Ngành khí tượng thủy văn không ngừng được mở rộng, góp phần đáng kể cho việc tăng cường về kỹ thuật, tài chính, trao đổi thông tin, đào tạo cán bộ và đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước; đã thực hiện tốt các hoạt động trong Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu, Công ước Viên và Nghị định thư Montreal về bảo vệ tầng ozone; xây dựng định hướng hợp tác, trao đổi thông tin song phương và đa phương, thiết lập và duy trì hợp tác thường xuyên với Cơ quan Khí tượng Australia, Nhật Bản, Italy, Phần Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Vương quốc Anh, Lào, Campuchia.... 

Việt Nam có quan hệ với nhiều tổ chức và các nước trên thế giới và khu vực trong lĩnh vực khí tượng thủy văn và môi trường, như: Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO), Ủy hội Kinh tế Xã hội châu Á Thái Bình Dương Liên Hiệp Quốc (ESCAP), Ủy ban Bão, Tiểu ban Khí tượng và Vật lý địa cầu ASEAN, Trung tâm Phòng tránh thiên tai Châu Á, Ủy hội sông Mê Công... 

Hiện nay cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của ngành là 2.926 người, trong đó có: 25 Tiến sỹ, 277 Thạc sỹ, 1.330 người tốt nghiệp đại học... Trước sự biến đổi khí hậu toàn cầu, diễn biến thời thiết, thiên tai ngày càng cực đoan, nguy hiểm, cùng với yêu cầu ngày càng cao của xã hội đối với công tác phục vụ khí tượng thủy văn, ngành khí tượng thủy văn đang tiếp tục tập trung các nguồn lực đẩy nhanh tiến độ hiện đại hóa công nghệ quan trắc, dự báo, thông tin dữ liệu khí tượng thủy văn, do đó công tác đào tạo, phát triển nhân lực, nhất là nguồn nhân chất lượng cao, chuyên môn sâu sẽ tiếp tục được ngành chú trọng quan tâm thực hiện, bảo đảm nguồn nhân lực đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ của ngành.

Ghi nhận những thành tích xuất sắc của toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành khí tượng thủy văn, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và bạn bè quốc tế trao tặng nhiều phần thưởng cao quý.

Trong giai đoạn phát triển mới, ngành khí tượng thủy văn ngoài những thuận lợi, còn phải đối mặt, khắc phục những khó khăn gì để hiện đại hóa như mục tiêu đã đề ra?

Trong những năm qua, Tổng cục Khí tượng Thủy văn luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao, sự đầu tư của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, sự giúp đỡ của các đơn vị chức năng trực thuộc bộ; sự cố gắng khắc phục khó khăn của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn Tổng cục; sự tích cực, chủ động trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị trực thuộc.

Nội bộ đoàn kết, lãnh đạo Tổng cục Khí tượng Thủy văn và các tổ chức Đảng, đoàn thể luôn có sự phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức, triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị và chỉ đạo các phong trào thi đua khen thưởng. Hệ thống văn bản pháp luật quản lý nhà nước, các quy trình, quy định chuyên môn lĩnh vực Khí tượng Thủy văn ngày càng được hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi để Tổng cục phát triển. 

Tuy vậy, Tổng cục Khí tượng Thủy văn thực hiện công tác điều tra cơ bản, dự báo, thông tin tư liệu khí tượng thủy văn, quan trắc môi trường không khí và môi trường nước trong điều kiện cơ sở vật chất, hệ thống mạng lưới kỹ thuật chưa đồng bộ, mạng lưới trạm quan trắc còn thưa nên nguồn số liệu đầu vào phục vụ công tác dự báo vẫn còn khó khăn; mô hình dự báo chuyên dùng cho Việt Nam đang trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện do đó việc cải tiến và đa dạng hóa bản tin, chuẩn hóa mẫu bản tin đã được thực hiện nhưng vẫn chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của cộng đồng.

Nhiều vấn đề khoa học công nghệ về dự báo trong nước và trên thế giới chưa thực hiện được như: dự báo định lượng mưa lớn trong trường hợp cực đoan phạm vi hẹp; cảnh báo lũ quét, sạt lở đất mới chỉ đạt được ở mức cảnh báo có nguy cơ trên một khu vực rộng, chưa cảnh báo được ở một vị trí cụ thể; việc thu nhận số liệu hồ chứa từ các chủ hồ phục vụ công tác dự báo, cảnh báo thủy văn vùng hạ du hồ còn nhiều bất cập đã ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn.

Với phương châm của ngành là “Hành động - Kiến tạo - Phục vụ vì  sự phát triển bền vững đất nước”, trong thời gian tới, ngành khí tượng thủy văn sẽ tập trung trọng tâm vào những vấn đề sau:

Một là, phải tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tinh thần sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn đơn vị thực hiện tốt đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và chỉ thị, Nghị quyết của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Hai là, phát triển đồng bộ theo hướng hiện đại hoá; lấy việc đầu tư cho khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực làm giải pháp chủ yếu để phát triển.

Ba là, đầu tư cho ngành cần đi trước một bước để cung cấp kịp thời, chính xác thông tin và luận cứ khoa học về khí tượng thủy văn cho sự phát triển bền vững của đất nước trong bối cảnh thiên tai ngày càng khắc nghiệt và gia tăng do biến đổi khí hậu.

Bốn là, tiếp tục củng cố và hoàn thiện hệ thống mạng lưới trạm quan trắc quốc gia, trong đó tập trung đầu tư phát triển hệ thống trạm quan trắc tự động nhằm bảo đảm thu thập đầy đủ và chính xác các số liệu.

Năm là, tăng cường hệ thống thông tin chuyên ngành theo hướng hiện đại hóa, bao gồm: mạng thông tin nội địa giữa Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia với các Trung tâm dự báo khu vực và hệ thống thông tin quốc tế.

Thu thập và khai thác các thông tin từ vệ tinh đáp ứng yêu cầu theo dõi từ xa các diễn biến thời tiết trên phạm vi rộng và dự báo thời tiết, nhất là dự báo bão, áp thấp nhiệt đới, gió mùa; hoàn thiện việc trang bị mạng lưới ra đa thời tiết để theo dõi và dự báo các hệ thống thời tiết có quy mô nhỏ hơn như: tố, lốc, vòi rồng, mưa đá… 

Sáu là, tiếp tục tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế, tranh thủ tối đa nguồn viện trợ từ bên ngoài về phương pháp và công nghệ mới, thiết bị, máy móc và phương tiện kỹ thuật, đào tạo cán bộ khoa học.

Bảy là, đổi mới phương thức phục vụ của ngành khí tượng thủy văn theo hướng Nhà nước chịu trách nhiệm cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn đáp ứng các yêu cầu phục vụ công cộng, phòng tránh thiên tai, bảo vệ cuộc sống, tài sản cho toàn xã hội; đồng thời, khuyến khích xã hội hoá, thương mại hoá các hoạt động khí tượng thủy văn.

Tám là, đẩy mạnh việc thực hiện công tác cải tiến và đổi mới cơ chế quản lý, cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực quản lý, điều hành; khai thác có hiệu quả các nguồn đầu tư; thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí và các hiện tượng tiêu cực khác.

Trân trọng cảm ơn Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Thái!

Thắng Trung/TTXVN (Thực hiện)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi thư chúc mừng ngành Khí tượng Thủy văn
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi thư chúc mừng ngành Khí tượng Thủy văn

Ngày 30/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã gửi thư chúc mừng ngành Khí tượng Thủy văn Việt Nam nhân kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống (3/10/1945 - 3/10/2020).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN