Khi các bệnh viện nỗ lực giảm tải

Trước những băn khoăn của dư luận về tính khả thi của Đề án giảm quá tải bệnh viện, cũng như sự kiện 13 bệnh viện Trung ương ký cam kết không để tình trạng người bệnh phải nằm ghép giường bệnh, trong thời gian điều trị nội trú tại bệnh viện ngay từ những ngày cuối tháng 1 và đầu tháng 2/2015, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) xung quanh vấn đề này.

PV: Hiện nay đã có 13 bệnh viện Trung ương cam kết không để bệnh nhân nằm ghép, xin ông cho biết việc thực hiện đề án giảm quá tải bệnh viện có khả thi hay không?


Ông Lương Ngọc Khuê: Hiện tại đã có 13 bệnh viện Trung ương ký cam kết không để người bệnh nằm ghép với thời gian sau 24 giờ đến 48 giờ, đa số bệnh viện cam kết không để bệnh nhân nằm ghép trong khi điều trị nội trú. Đây thực sự là những nỗ lực lớn của các bệnh viện. Việc này không phải một sớm, một chiều mà các bệnh viện đã triển khai công tác này khá lâu trong nhiều năm vừa qua.

Thực hiện Đề án giảm quá tải bệnh viện được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và các bệnh viện đã triển khai nhiều nhóm giải pháp nhằm giảm quá tải bệnh viện và chống nằm ghép. Đó là những nhóm giải pháp dài hạn như xây dựng cơ sở hạ tầng, tăng cường cơ sở vật chất, tăng cường quy mô, mở rộng giường bệnh, vấn đề đào tạo, nâng cao năng lực tuyến dưới, nâng cao trình độ cán bộ y tế, rút ngắn thời gian điều trị, áp dụng các kỹ thuật cao và đặc biệt là Đề án Bệnh viện vệ tinh, Đề án 1816, Chỉ đạo tuyến, luân phiên, luân chuyển cán bộ; Đề án thí điểm mô hình phòng khám Bác sỹ gia đình… Đến nay, đã có 13 bệnh viện Trung ương bệnh viện tự nguyện ký cam kết với Bộ y tế và người dân không để bệnh nhân nằm ghép.

Mục đích giảm quá tải bệnh viện là nhằm giúp cho người bệnh được tiếp cận với dịch vụ y tế chất lượng ngày càng cao. Ảnh: TTXVN


PV:
Có nhiều ý kiến cho rằng những cam kết này chỉ mang tính hình thức và tính khả thi không cao, bởi lo lắng sẽ xảy ra tình trạng bệnh nhân phải điều trị ngoại trú hoặc ra viện sớm để “trả giường” cho các bệnh nhân khác, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?


Ông Lương Ngọc Khuê: Để có được những cam kết này của các bệnh viện, các đồng chí lãnh đạo Bộ và cục, vụ chuyên môn đã họp nhiều phiên với các bệnh viện. Trước khi công bố cam kết giảm tải, các bệnh viện đã bàn bạc kỹ lưỡng trong ban giám đốc, đảng ủy và toàn thể công nhân viên chức trong bệnh viện để khẳng định quyết tâm giảm tải. Kết quả này là sự khẳng định những nỗ lực của lãnh đạo và cán bộ các bệnh viện đã xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết để thực hiện nhiệm vụ.

Điển hình là tại Bệnh viện Nhi Trung ương, từ kinh nghiệm thực tế dịch sởi đầu năm 2014 dẫn đến tình trạng quá tải, nằm ghép tại bệnh viện và đây chính là một trong những nguyên nhân gây lây chéo và gây tử vong cho người bệnh, lãnh đạo bệnh viện đã xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm đề xuất hoạt động kiểm soát những vấn đề về chuyên môn, quản lý, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới, nâng cao năng lực bệnh viện. Bệnh nhân đến khám bệnh được khám, sàng lọc, xem xét kỹ về tình trạng bệnh tật. Người bệnh nào cần thiết vào nội trú, người bệnh nào chỉ cần điều trị ngoại trú và tăng cường khâu điều trị ngoại trú… Khi các bệnh nhân đến quá đông, bệnh viện sẽ có sự điều phối giường bệnh giữa các khoa, phòng nhằm đảm bảo giường bệnh nằm cho người bệnh.

Bệnh viện Việt Đức đã triển khai hệ thống bệnh viện vệ tinh, đồng thời thực hiện quyết liệt các giải pháp để chẩn đoán sớm, để người bệnh được mổ sớm. Bệnh viện thực hiện xếp lịch mổ không phải hàng tuần như trước kia mà thực hiện hàng ngày như hiện nay, để bất cứ khi nào người bệnh có yêu cầu sẽ tổ chức hội chẩn để tiến hành phẫu thuật. Các bộ phận hậu cần cũng rất tích cực để triển khai các giải pháp như khi cần có thể kê thêm cáng, chuẩn bị sẵn giường đẩy cho người bệnh nằm, sau đó khám sàng lọc, tổ chức phẫu thuật, phân về các khoa…

PV: Cục Quản lý khám, chữa bệnh sẽ tổ chức các hoạt động kiểm tra, giám sát như thế nào để những nỗ lực giảm tải của các bệnh viện được duy trì hiệu quả, thưa ông?

Ông Lương Ngọc Khuê: Cục sẽ thường xuyên tổ chức các đoàn đi kiểm tra giám sát hoạt động giảm quá tại tại các bệnh viện; đồng thời căn cứ vào các bộ tiêu chí đánh giá các chỉ số để chấm điểm.

Ngoài ra, hệ thống đường dây nóng sẽ là một công cụ hữu hiệu giúp người dân trực tiếp giám sát tình trạng quá tải cũng như hoạt động chuyên môn, thái độ ứng xử của các nhân viên y tế với người bệnh. Trong bất kỳ thời điểm nào, người bệnh nhận thấy cán bộ bệnh viện không thực hiện đúng những cam kết với Bộ Y tế, với người dân, họ có thể sử dụng đường dây nóng để phản ánh đến Giám đốc bệnh viện. Trong trường hợp Giám đốc bệnh viện không giải quyết được thì có thể gọi về Bộ Y tế. Hiện nay, hệ thống được dây nóng đã hoạt động rất hiệu quả, đã tiếp nhận rất nhiều những thông tin phản ánh từ bệnh nhân, người nhà bệnh nhân về chất lượng khám, chữa bệnh, về công tác chuyện môn, tinh thần độ của thầy thuốc…

Bên cạnh đó, các bệnh viện sẽ phải thường xuyên cập nhật tình hình và báo cáo tình hình quá tải bệnh viện lên phần mềm trực tuyến để Bộ Y tế nắm được, có hướng giải quyết kịp thời…

PV: Trong trường hợp không may có đợt dịch lớn xảy ra, các bệnh viện sẽ có phương án đối phó thế nào khi có rất đông bệnh nhân cùng nhập viện, mà chất lượng chất lượng khám chữa bệnh vẫn không thay đổi, thưa ông?

Ông Lương Ngọc Khuê:
Mục đích giảm quá tải bệnh viện là nhằm giúp cho người bệnh được tiếp cận với dịch vụ y tế chất lượng ngày càng cao, đem lại sự hài lòng và thoải mái cho người bệnh. Tuy nhiên, nếu không may có dịch bệnh, thảm họa… xảy ra, với lưu lượng người mắc bệnh tăng nhanh chóng thì chắc chắn trong từng lúc, từng giai đoạn, các bệnh viện sẽ phải nỗ lực, bằng các biện pháp tích cực hơn nữa, từ công tác kiểm tra, đánh giá, giám sát, phân loại, chỉ đạo tuyến, phân tuyến tới các bệnh viện trong khu vực để giải quyết sớm nhất tình trạng trên.

Chúng tôi cho rằng thời gian vừa qua, các bệnh viện đã rút được nhiều kinh nghiệm, đặc biệt là qua các đợt dịch và điều đó thể hiện qua công tác chuẩn bị cho phòng chống dịch Ebola, H7N9 và và dịch bệnh khác. Ngoài ra, Bộ Y tế đã có những chuẩn bị tích cực công tác diễn tập cho phòng chống các dịch bệnh lớn từ những chi tiết nhỏ như đón người bệnh ở sân bay, ở bệnh viện, phân loại hay kiểm soát nhiễm khuẩn… đều được ngành Y tế đặc biệt quan tâm.

Vì vậy nếu không may có tình huống dịch bệnh, thảm họa diễn ra thì chúng ra đã có những kinh nghiệm nhất định, hy vọng rằng sẽ sớm giải quyết những khó khăn gây ảnh hưởng đến chất lượng điều trị người bệnh.


Bích Thủy (TTXVN)










Cần rà soát các nguyên nhân gây quá tải bệnh viện
Cần rà soát các nguyên nhân gây quá tải bệnh viện

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự và phát biểu tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác y tế năm 2015 và phương hướng công tác giai đoạn 2016-2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN