Khánh Hòa đối phó dịch cúm gia cầm cho đàn chim yến

Chiều 16/4, phát biểu tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tỉnh Khánh Hòa, ông Lê Hữu Hoàng, Tổng giám đốc Công ty TNHH nhà nước một thành viên Yến sào Khánh Hòa, cho biết, đàn chim yến tự nhiên và nuôi tại các cơ sở trên địa bàn tỉnh vẫn an toàn, chưa phát hiện trường hợp chim chết do nhiễm virút cúm A/H5N1.

Xác một con chim yến chết vì virút cúm A/H5N1 ở Ninh Thuận. Ảnh: dantri.com


Điều này có ý nghĩa rất lớn khi Khánh Hòa là địa phương có đàn yến tự nhiên và yến nuôi lớn nhất cả nước; đồng thời tỉnh kề cận Ninh Thuận đang có hiện tượng chim yến nuôi được xác định bị nhiễm virút cúm A/H5N1 trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, Ban chỉ đạo đánh giá không thể chủ quan và Khánh Hòa cần sớm xây dựng kịch bản, kế hoạch ứng phó kịp thời.

Tại thời điểm này, Công ty TNHH nhà nước một thành viên Yến sào Khánh Hòa đang quản lý và khai thác 156 hang yến trên các đảo, 11 cơ sở nuôi yến trên đất liền, đồng thời tư vấn kỹ thuật cho 18 cơ sở nuôi yến của dân. Bên cạnh đó, Khánh Hòa còn có 33 cơ sở nuôi của các tổ chức, cá nhân khác. Hầu hết các cơ sở nuôi yến nằm trong khu dân cư, tập trung tại thành phố Nha Trang và hai huyện Diên Khánh, Khánh Vĩnh. Ông Lê Hữu Hoàng cho rằng ngoài các yếu tố thuận lợi về tự nhiên, như các hang yến nằm biệt lập ngoài biển nên nguy cơ lây nhiễm thấp, môi trường nước biển có độ sát khuẩn cao, yến tự nhiên có hệ miễn dịch tốt... Công ty còn triển khai các biện pháp theo dõi đàn yến trong hang bằng hệ thống camera, thời gian gần đây đã tăng cường công tác tiêu độc, khử trùng và triển khai đồng bộ các quy trình xử lý vệ sinh ở những cơ cở nuôi yến.

Theo ông Phạm Hùng, Phó giám đốc Phân viện Thú y miền Trung (trụ sở tại thành phố Nha Trang- Khánh Hòa), qua xét nghiệm và phân tích các mẫu bệnh phẩm của chim yến chết ở tỉnh Ninh Thuận, có khả năng chim yến nhiễm virút và chết rất nhanh, nên nếu xảy ra ở Khánh Hòa rất khó quản lý khi chim yến chết và rơi rớt ở ngoài tự nhiên, đây là yếu tố đáng lo ngại vì nguy cơ lây nhiễm, phát tán rất cao. Các ngành chức năng tỉnh Khánh Hòa cần thống kê, nắm rõ địa chỉ từng cơ sở nuôi yến để quản lý chặt chẽ, lưu tâm đến lực lượng lao động trực tiếp nuôi yến, có biện pháp bảo hộ khi tiếp xúc yến nuôi, khám sức khoẻ cho họ theo định kỳ.

Ông Lê Đức Vinh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa giao Chi cục Thú y địa phương tiến hành rà soát tất cả các cơ sở nuôi yến trên địa bàn toàn tỉnh để thực hiện các biện pháp giám sát, quản lý chặt chẽ; triển khai sớm việc tiêu độc khử trùng các điểm nuôi; khuyến cáo các cơ sở nuôi yến cần sớm khai báo những hiện tượng bất thường ở chim yến và bảo vệ tốt sức khoẻ người trực tiếp nuôi yến; phát hiện kịp thời các trường hợp chim yến chết để làm rõ nguyên nhân và có biện pháp phòng chống hiệu quả. Đồng thời giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa phối hợp với Công ty TNHH nhà nước một thành viên Yến sào Khánh Hòa sớm quy hoạch các vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu, đề xuất các biện pháp, mô hình quản lý nghề nuôi chim yến để phát triển nghề bền vững.

Được biết, riêng Công ty TNHH nhà nước một thành viên Yến sào Khánh Hòa năm ngoái đã khai thác trên 3.200kg yến sào tự nhiên; đồng thời sản xuất, chế biến hơn 40 dòng sản phẩm từ yến sào cung cấp cho thị trường trong nước và 21 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.


Tiên Minh

Nguy cơ lây nhiễm cúm A/H5N1 từ chim yến
Nguy cơ lây nhiễm cúm A/H5N1 từ chim yến

Sau khi có thông tin hàng nghìn con chim yến tại Ninh Thuận chết vì nhiễm virus cúm A/H5N1, nhiều người dân rất băn khoăn về nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch này...GS.TS Trịnh Quân Huấn, chuyên gia cao cấp của Bộ Y tế đã trao đổi với Tin tức về vấn đề này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN