Video anh Thái Giang Nam, Đoàn đại biểu Gia Lai chia sẻ:
Nhiều chương trình của Đoàn đồng hành với thanh niên
Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI xác định triển khai 3 chương trình đồng hành với thanh niên: “Đồng hành với thanh niên trong học tập”; “Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp”; “Đồng hành với thanh niên rèn luyện và phát triển kỹ năng trong cuộc sống, nâng cao thể chất, đời sống văn hóa tinh thần”.
Sau 5 năm triển khai, bằng nhiều giải pháp sáng tạo, các cấp bộ Đoàn đã góp phần phát triển thanh niên toàn diện, khẳng định vai trò của Đoàn trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của thanh niên.
Các tổ chức Đoàn đã đồng hành với thanh niên trong học tập. Cụ thể, các cấp bộ Đoàn tổ chức nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ, khuyến khích học sinh, sinh viên thi đua học tập, phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, xây dựng tinh thần tự học, học tập suốt đời, tích cực tham gia xây dựng xã hội học tập trong thanh niên. Hoạt động kết nối, đồng hành với sinh viên, giáo viên trẻ, đặc biệt ở khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa được tổ chức Đoàn các cấp triển khai trên diện rộng, góp phần cải thiện điều kiện cơ sở vật chất, dụng cụ, phương tiện giảng dạy, học tập và đời sống cho giáo viên, học sinh vùng sâu, vùng xa.
Chương trình “Cùng em học trực tuyến”, “Sóng và máy tính cho em” triển khai đã kịp thời hỗ trợ cho nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn nhanh chóng tiếp cận, tham gia học tập trực tuyến, thích ứng với tình hình phức tạp của đại dịch COVID-19. Toàn Đoàn đã vận động nguồn lực, trao tặng thiết bị, tài khoản học trực tuyến trị giá hơn 156 tỷ đồng.
Kết quả trong nhiệm kỳ qua cũng cho thấy, các cấp bộ Đoàn đã chủ động tìm kiếm, vận động nguồn lực xã hội để duy trì và phát huy hiệu quả các Quỹ khuyến học, khuyến tài, học bổng và triển khai hiệu quả chương trình “Tiếp sức đến trường” hỗ trợ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đến trường. Các cấp bộ Đoàn cũng tổ chức các giải thưởng, hỗ trợ, tôn vinh thanh niên có thành tích trong học tập, nghiên cứu khoa học; chủ động đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ sinh viên vay vốn, hỗ trợ chi phí học tập, miễn giảm học phí và tham gia giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục đào tạo. Quỹ Hỗ trợ và phát triển sinh viên Việt Nam đã trao tặng 1.019 suất học bổng trị giá 4,6 tỷ đồng; các cấp bộ Đoàn đã trao 933.507 suất học bổng, với tổng trị giá gần 2.800 tỷ đồng.
Chương trình Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp được các cấp bộ đoàn quan tâm triển khai với nhiều hoạt động thiết thực, thu được những kết quả tích cực. Các hoạt động tìm kiếm, phát triển và hỗ trợ các ý tưởng, dự án thanh niên khởi nghiệp, kết nối thanh niên có ý tưởng khởi nghiệp với nhà đầu tư được nhiều đơn vị tổ chức.
Công tác tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm được Đoàn thanh niên các cấp triển khai hiệu quả với hình thức đa dạng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, nhất là trong tư vấn hướng nghiệp cho học sinh THPT, học sinh lớp 9. Các trung tâm giáo dục nghề nghiệp thanh niên, trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên hoạt động hiệu quả, tổ chức nhiều hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho các đối tượng thanh niên, tạo điều kiện cho thanh niên tiếp cận với các nhà tuyển dụng.
Các cấp bộ Đoàn cũng triển khai nhiều hoạt động tập huấn chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, ứng dụng thương mại điện tử; hỗ trợ ứng dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, bản quyền.
Triển khai Chương trình “Đồng hành với thanh niên rèn luyện và phát triển kỹ năng trong cuộc sống, nâng cao thể chất, đời sống văn hóa tinh thần”, toàn Đoàn đã tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức và tổ chức nhiều chương trình, hoạt động giáo dục trải nghiệm, rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng hội nhập… với phương thức đa dạng, đáp ứng nhu cầu, sở thích, nguyện vọng chính đáng của thanh thiếu nhi.
Cần tiếp tục có các giải pháp đồng bộ
Trên nền tảng các chương trình như: “Chương trình “Đồng hành với thanh niên trong học tập”, “Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp”, “Đồng hành với thanh niên rèn luyện và phát triển kỹ năng trong cuộc sống, nâng cao thể chất, đời sống văn hóa tinh thần” thì Đoàn cần chọn nội dung gì để có thể đồng hành, hỗ trợ tốt nhất cho thanh niên là một trong ba nhóm mục tiêu đột phá mà dự báo Báo cáo chính trị của nhiệm kỳ đặt ra.
Về vấn đề này, đại biểu Lê Văn Vin, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Quảng Ngãi nêu, để đồng hành với thanh niên rèn luyện và phát triển kỹ năng trong cuộc sống, nâng cao thể chất, đời sống văn hóa tinh thần thì trong thời gian tới, tổ chức Đoàn cần theo sát hoạt động của thanh niên hơn nữa trên không gian mạng để có thêm nhiều ý tưởng sáng tạo tuyên truyền hiệu quả.
Còn chị Nguyễn Thị Thủy, Phó Bí thư Thành đoàn Hải Phòng đề xuất: Tổ chức Đoàn cần dành thời lượng, đánh giá cụ thể các hoạt động đồng hành với thanh niên yếu thế, thanh niên tôn giáo. Hiện việc đồng hành với thanh niên tôn giáo ở nhiều địa phương chưa được quan tâm đúng mực. Cụ thể, Trung ương Đoàn quan tâm, nghiên cứu ký kết với Giáo hội công giáo Việt Nam, tạo thuận lợi hơn cho tỉnh, thành triển khai chương trình đồng hành với thanh niên tôn giáo tại cơ sở.
Anh Thái Giang Nam, đại biểu tỉnh Gia Lai cho biết, thời gian qua, các tổ chức Đoàn luôn đồng hành với thanh niên khởi nghiệp. Tuy nhiên, việc kết nối với các đơn vị đầu tư để có một quỹ khởi nghiệp thống nhất trong thanh niên còn hạn chế. Vì thế, thời gian tới, các tổ chức Đoàn cần có những giải pháp đồng bộ để tiếp tục hỗ trợ có hiệu quả nghề nghiệp cho thanh niên, giúp thanh niên thực hiện tốt vấn đề lập thân, lập nghiệp.