Sáng 22/8, Ban Chỉ đạo chống dịch COVID-19 của Hà Nội đã họp khẩn với 80 bệnh viện công lập, ngoài công lập của cả Trung ương và Hà Nội nhằm phòng chống dịch hiệu quả, an toàn.
Tại cuộc họp, đại diện các bệnh viện đã báo cáo tình hình, công tác khám chữa bệnh và phòng chống dịch COVID-19 của đơn vị. Đồng thời báo cáo việc rà soát các trường hợp nghi ngờ F1, F2 và công tác lấy mẫu xét nghiệm PCR.
Đáng chú ý, PGS, TS. Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, mỗi ngày bệnh viện có khoảng 5.000 người đến khám chữa bệnh. Do đặc thù chuyên môn của bệnh viện nên có rất đông người thân các bệnh nhân đến chăm sóc, hàng quán xung quanh khu vực bệnh viện rất nhiều dẫn đến công tác quản lý rất khó khăn.
"Tại khu sàng lọc phải làm rất khắt khe đã khiến nhiều người dân khó chịu. Bệnh viện Phụ sản Trung ương nằm trên tuyến đường có nhiều phương tiện giao thông qua lại, đặc biệt taxi đỗ kín 2 bên đường, nhiều người xe chở khách không đeo khẩu trang nhưng đơn vị không thể xua đuổi, giải tỏa được vì không thuộc thẩm quyền", ông Cường cho hay.
Liên quan đến các hàng quán tại bệnh viện, ông Cường cho biết: Mặc dù rất muốn giải tỏa nhưng lại không đủ thẩm quyền. Ngoài ra, tình trạng cò mồi bệnh nhân vẫn còn hoạt động xung quanh bệnh viện. Những người này mặc đồng phục, dắt xe và tuyên truyền cho bệnh nhân đến khám không nên vào bệnh viện vì có nhiều dịch bệnh. Việc không thể xử lý triệt để do mức xử phạt của chính quyền địa phương quá nhẹ. Nếu không thể kiểm soát được những vấn đề này, thì ngoài vấn đề gây mất an ninh trật tự thì sự lây lan dịch bệnh cũng luôn tiềm ẩn nguy cơ.
Tại cuộc họp, đại diện Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, nhiều bệnh nhân chưa khai báo trung thực. Do đó bệnh viện đã yêu cầu tất cả các khâu phải cảnh giác, rà soát chặt chẽ người ra vào bệnh viện.
Đại diện Bệnh viện Nội tiết Trung ương khẳng định: Xung quanh bệnh viện và trước cổng viện có nhiều dịch vụ, hàng quán phục vụ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Dù bệnh viện đã cố gắng hết sức nhưng việc người nhà bệnh nhân ra vào, ngồi chờ ở cổng viện ăn uống, mua sắm ở hàng quán vẫn còn nhiều. Tại cuộc họp, đại diện Bệnh viện Nội tiết Trung ương đề nghị Sở Y tế Hà Nội xem xét thường xuyên kiểm tra sức khỏe của những đối tượng này.
Tại cuộc họp, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong suốt thời gian vừa qua, Hà Nội luôn đặt vấn đề cơ sở khám chữa bệnh liên quan đến chống lây nhiễm chéo, cách ly, phân luồng. Các cơ sở y tế ở đây bao gồm cả trạm y tế phường, xã, y tế tư nhân, cửa hàng thuốc, đây là những nơi đầu tiên tiếp cận những người có dấu hiệu sốt, ho, hoặc có biểu hiện nghi vấn có nguy cơ lây nhiễm cao. Nguy cơ ở khu vực thứ hai thường bùng phát là nhà hàng, quán ăn, karaoke… được thể hiện ở 11 ca bệnh ở Hà Nội (thì có đến 8 ca liên quan đến bệnh viện, còn lại là lây ở quán ăn, nhà hàng như ở quán bia Lộc Vừng huyện Thanh Trì, thế giới bò tươi ở Hải Dương…).
Cũng theo ông Hoàng Đức Hạnh, một nguy cơ khác mà TP Hà Nội rất lo lắng và đặc biệt lưu ý là nơi chăm sóc người cao tuổi. Theo ông Hạnh, trên thế giới số người tử vong chủ yếu là ở những nơi trại dưỡng lão nuôi dưỡng người cao tuổi. Tuy nhiên để phòng tránh dịch COVID-19, thì khâu quan trọng nhất là phát hiện. Vậy để xét nghiệm thì phải bằng phương pháp RT-PCR là quan trọng nhất.
“Vì thế cuộc họp lần này là cơ hội để các bệnh viện của Trung ương và Hà Nội thống nhất phương pháp kiểm soát dịch, cách làm và đặc biệt là sự phối hợp giữa TP Hà Nội với các bệnh viện”, ông Hạnh cho hay.
Ghi nhận những kiến nghị này, ông Ngô Văn Quý , Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Trưởng ban chỉ đạo công tác phòng chống dịch COVID-19 Thành phố cho biết, ngay cuộc giao ban gần nhất về công tác phòng chống dịch COVID-19 của Hà Nội, thành phố sẽ truyền đạt đến các đơn vị trên địa bàn xử lý các quán ăn vi phạm, cò mồi.... Từ đó đề nghị các quận, huyện phối hợp với bệnh viện để xử lý triệt để.