Khẩn trương giúp người dân Nghệ An ổn định cuộc sống sau lũ quét

Sáng 3/9, tranh thủ nước rút, các lực lượng quân đội, công an, chính quyền địa phương cùng người dân các huyện miền núi Nghệ An đã ra quân khắc phục hậu quả lũ quét.

Chú thích ảnh
Nhiều bản làng ở huyện Kỳ Sơn, Nghệ An bị ngập nặng. Ảnh: Duy Khánh/TTXVN

Trong đó, các địa phương đều sử dụng lực lượng, phương tiện tại chỗ để giúp dân khắc phục hậu quả, trọng tâm là sửa chữa nhà cửa; dọn dẹp, vệ sinh môi trường ở những  nơi nước đã rút; tổ chức tiêu độc, khử trùng, phòng chống dịch bệnh, không để bùng phát, lây lan. Tại những vị trí đường giao thông đang bị ngập hoặc sạt lở, hư hỏng chưa thể qua lại, chính quyền địa phương phối hợp với ngành giao thông duy trì lực lượng kiểm soát, đóng cọc tiêu, biển báo, hướng dẫn, phân luồng giao thông để đảm bảo an toàn cho người dân. 

Tại một số huyền miền núi, sau mưa lũ, người dân thường có thói quen ra sông, suối để vớt củi, gỗ. Hiện nay tuy nước đã xuống, nhưng tại nhiều khu vực trên sông vẫn tiềm ẩn nguy cơ không an toàn do lũ quét, sạt lở đất đá. Tỉnh Nghệ An yêu cầu các địa phương khuyến cáo người dân tạm thời không đi vớt gỗ củi, đánh bắt cá trên sông.

Thống kê mới nhất của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Nghệ An: Đến sáng 3/9 lũ quét đã cuốn trôi 27 nhà ở của người dân tại các huyện miền núi; 7 điểm trường bị ngập, hư hỏng tài sản, sách vở, đồ dùng học tập; 26 ha lúa, hàng trăm ha hoa màu, ao nuôi thủy sản bị ngập; 263 con gia cầm bị chết; rất nhiều công trình hạ tầng, như đường giao thông, cầu cống bị sạt lở, hư hỏng…, việc khắc phục đang gặp rất nhiều khó khăn và còn kéo dài. 

Đến sáng 3/9 vẫn còn 7 nhà dân ở xã Tam Thái (huyện Tương Dương) bị ngập; 27 hộ dân ở huyện Tương Dương và huyện Kỳ Sơn đang phải di dời do ngập và sạt lở không thể ở được nơi nhà cũ. Quốc lộ 48E tại Km 61 + 800 (đoạn qua xã Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Đàn) nước đang ngập, chưa thể qua lại; đường tỉnh lộ 534B đoạn qua xã Thành Sơn (huyện Anh Sơn) bị ngập hiện đang đóng đường; đường tỉnh 543 đoạn qua xã Mỹ Lý (huyện Kỳ Sơn) mặt đường bị xói lở, hư hỏng hoàn toàn, phương tiện không lưu thông được.

Hiện nay cùng với việc tập trung giúp dân khẩn trương khắc phục hậu quả cũa lũ quét, tỉnh Nghệ An cũng yêu cầu các huyện miền núi nhanh chóng phối hợp với các ngành chức năng khôi phục lại hệ thống điện thắp sáng, thông tin liên lạc và dọn dẹp các điểm trường để sớm ổn định nơi dạy học cho học sinh để kịp khai giảng năm học mới 2018 - 2019.  

Sáng 3/9, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An cũng điều động 120 cán bộ chiến sĩ tham gia cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương, toàn thể giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Con Cuông di dời  toàn bộ  tài sản, thiết bị của trường đến nơi mới vì trường đang bị lũ quét làm sạt lở, hư hỏng không thể dạy, học được. Kế hoạch đến ngày 4/9  mới có thể hoàn thành công việc di chuyển trường.

Bà Đặng Thị Phượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang cho biết: Huyện đã chủ động triển khai nhiều biện pháp khắc phục hậu quả mưa lũ ở xã Thuận Hòa, giúp người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống, yên tâm sản xuất.

Từ đêm mùng 1 đến sáng 3/9, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục qua Bắc Bộ, kết hợp với hội tụ gió trên cao nên ở Hà Giang tiếp tục có mưa vừa, mưa to. Tại xã Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên đã xảy ra sạt lở đất, đá và lũ quét, làm một người bị mất tích, một người bị thương. Nạn nhân bị lũ cuốn trôi mất tích là ông Vàng Seo Man (62 tuổi ở thôn Lũng Pù, xã Thuận Hòa). Người bị thương là anh Vàng Seo Út (27 tuổi), con trai ông Man. 

Trước đó, rạng sáng 2/9, vợ chồng ông Vàng Seo Man đi ra bờ suối để thu máy bơm, lúc về lội qua suối thì gặp lũ. Vợ ông Man lúc này đã lội qua suối, còn ông Man vác theo máy bơm nặng nên chưa qua được. Hai vợ chồng gọi cho con trai là anh Vàng Seo Út ra giúp bố qua suối. Đúng lúc 2 bố con ông Man lội qua suối thì dòng lũ bất ngờ ập đến. 

Ngay sau khi nhận được thông tin, cấp ủy, chính quyền huyện Vị Xuyên đã huy động lực lượng xác minh cụ thể thiệt hại, đến thăm hỏi, động viên gia đình nạn nhân bị mất tích. Thường trực UBND huyện Vị Xuyên đã chỉ đạo Ban Chỉ huy quân sự huyện, Công an huyện phối hợp cùng với dân quân, người dân khẩn trương tìm kiếm người bị nạn. Đến 10 giờ ngày 3/9, sau nhiều giờ tìm kiếm nhưng vẫn chưa tìm thấy nạn nhân bị lũ cuốn mất tích.  

Cùng với việc tìm kiếm nạn nhân mất tích, hiện nay huyện Vị Xuyên chỉ đạo các lực lượng chức năng tiến hành rà soát lại tất cả các vị trí nguy cơ sạt lở, lũ quét để có kế hoạch khẩn trương đưa người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Các lực lượng chức năng cũng đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về nguy cơ lũ quét để tránh thiệt hại đáng tiếc xảy ra.

Văn Nhật - Minh Tâm/TTXVN
Cầu Chôm Lôm, Nghệ An sập xuống sông trong dòng nước lũ
Cầu Chôm Lôm, Nghệ An sập xuống sông trong dòng nước lũ

Vào khoảng 6 giờ 30 phút sáng 1/9, mố cầu Chôm Lôm (xã Lạng Khê, huyện Con Cuông, Nghệ An) bị gãy đứt và đổ sập xuống sông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN