Chiến tranh tuy đã lùi xa hàng chục năm nhưng hậu quả tàn khốc mà nó để lại trên mảnh đất Quảng Bình hết sức nặng nề, nhất là hậu quả của chất độc hóa học. Các nạn nhân da cam/dioxin vẫn đang hàng ngày đối diện với đau đớn, bệnh tật và khó khăn của cuộc sống.
Hội Nạn nhân chất độc màu da cam tỉnh Quảng Bình xây nhà tình thương, tặng quà cho các nạn nhân da cam. |
Những năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Quảng Bình đã luôn nỗ lực kết nối những trái tim nhân ái cùng chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, giúp đỡ các nạn nhân vơi đi mặc cảm, khó khăn để vươn lên hòa nhập cộng đồng.
Quảng Bình hiện có gần 26.800 người bị nhiễm và nghi bị nhiễm chất độc da cam/dioxin; trong đó trực tiếp tham gia kháng chiến là hơn 19.200 người, con của người tham gia kháng chiến trên 3.700 người, thế hệ F2 (cháu) là 470 người, số đã được hưởng chế độ là trên 5.600 người. Tuy mang trên mình những “những vết thương không chảy máu” nhưng cuộc sống của những nạn nhân da cam lại gặp muôn vàn khó khăn cần sự quan tâm, giúp đỡ, sẻ chia của toàn xã hội.
Phát huy tinh thần đoàn kết – nghĩa tình – trách nhiệm vì nạn nhân chất độc da cam, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Quảng Bình đã nỗ lực mang yêu thương, tình nhân ái của cộng đồng san sẻ nỗi đau với những nạn nhân da cam/dioxin. Các nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn luôn nhận được sự chia sẻ, quan tâm, chăm sóc cả về vật chất lẫn tinh thần từ cộng đồng xã hội. Với nhiệm vụ trọng tâm là công tác vận động tài trợ, chăm sóc giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam, các cấp Hội không chỉ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cộng đồng xã hội đối với nạn nhân da cam mà còn rất tích cực, chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, vận động kêu gọi tài trợ từ các tổ chức, cá nhân.. . Bằng sự nỗ lực của các cấp Hội và sự quan tâm giúp đỡ của toàn xã hội, Hội đã xây dựng Quỹ Vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh với số tiền quyên góp gần 18 tỷ đồng.
Từ năm 2009 đến nay, thông qua nguồn kinh phí trên, Hội đã giúp đỡ nạn nhân, xây mới và sửa chữa 51 căn nhà với tổng trị giá hơn 2,3 tỉ đồng; cấp 180 suất học bổng với số tiền gần 407 triệu đồng; hỗ trợ vốn để sản xuất là 388 triệu đồng; cấp 145 xe lăn, xe lắc trị giá 240 triệu đồng; tặng hàng ngàn xuất quà và trợ giúp khám chữa bệnh cho hàng trăm nạn nhân…
Tại thành phố Đồng Hới và huyện Quảng Trạch, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã triển khai xây dựng Trung tâm bán trú cho các nạn nhân với tổng đầu tư trên 6,5 tỉ đồng. Hội cũng đang nỗ lực kêu gọi ủng hộ để tiếp tục triển khai thi công hạng mục Nhà tẩy độc. Những công trình và các hoạt động ý nghĩa đó đã phần nào giúp hội viên vượt qua nỗi đau về thể xác, giảm bớt những khó khăn trong cuộc sống, chiến thắng bệnh tật.
Cựu chiến binh Hoàng Xuân Dung ở xã Vạn Trạch, huyện Bố Trạch mang trên mình những vết thương do bom đạn của chiến tranh và cả chất độc da cam/dioxin. Ông Dung thường xuyên đau ốm, gánh nặng áo cơm càng đè nặng lên vai ông khi ba người con đang tuổi ăn học và người vợ thì tật nguyền, mất sức lao động. Nhiều năm liền, gia đình ông Dung thuộc diện khó khăn của địa phương. Cả gia đình sống tạm bợ trong căn nhà gỗ chật chội, cũ nát. Chia sẻ hoàn cảnh với gia đình ông Dung, tháng 2/2014, các tổ chức, cá nhân hảo tâm, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Quảng Bình cùng anh em, bà con lối xóm đã hỗ trợ ông xây dựng ngôi nhà mới, diện tích gần 60m2 với tổng kinh phí gần 200 triệu đồng. Tại buổi lễ bàn giao nhà, ông Dung xúc động cho biết: Tâm nguyện được sống trong ngôi nhà mới kiên cố của gia đình tôi giờ đây đã thành hiện thực. Tôi vui và phấn khởi vô cùng. Gia đình tôi rất biết ơn các nhà hảo tâm, các cấp hội, chính quyền và bà con lối xóm đã ủng hộ giúp đỡ vợ chồng tôi có nhà mới.
Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng sự sẻ chia của xã hội đã góp phần khích lệ, động viên nhiều nạn nhân chất độc da cam vượt qua nỗi đau về bệnh tật, cố gắng vượt qua đói nghèo, vươn lên làm giàu cho gia đình và xã hội. Bà Phạm Thị Ái (71 tuổi) ở xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch bị ảnh hưởng trực tiếp chất độc da cam/dioxin từ chiến trường, sức khỏe ngày càng giảm sút. Chất độc da cam cũng đã cướp đi của nữ quân y Phạm Thị Ái hai người con. Hàng ngày, người phụ nữ ấy càng đau khổ, xót xa chứng kiến một người con khác bị ngây dại, bại liệt, què quặt do di chứng chất độc da cam từ mình. Dù làm lụng vất vả nhưng vợ chồng bà cũng chẳng đủ tiền để trang trải tiền thuốc men cho bà và con. Cảm thông trước hoàn cảnh của bà Ái, năm 2011, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Quảng Trạch đã kịp thời động viên, hỗ trợ gia đình một con trâu để phát triển kinh tế. Con trâu là đầu cơ nghiệp - bà Ái dồn sức chăm bẵm trâu và càng quyết tâm không cam chịu đói nghèo. Hai vợ chồng bà luôn chăm chỉ làm ăn, phát triển kinh tế gia đình với cơ ngơi hiện có là một ao cá, hàng trăm con vịt, quán cà phê… mang lại thu nhập từ 70 -100 triệu đồng/năm, cuộc sống gia đình không còn vất vả như xưa.
Trò chuyện với chúng tôi, khuôn mặt phúc hậu của nữ quân y Phạm Thị Ái rạng ngời niềm tin tưởng và vui sướng. Bà Ái hồ hởi khoe: Con trâu – món quà mà Huyện hội tặng gia đình tôi đã sinh được hai lứa, trong đó lứa đầu tôi bán lấy tiền làm vốn và mua máy cày để làm ruộng rồi giúp đỡ bà con lối xóm khi mùa vụ tới. Lứa này cũng được một nghé, tôi để dành nhằm phát triển thành đàn. Chính sự quan tâm, giúp đỡ của Hội và các nhà hảo tâm là nguồn động lực to lớn tiếp thêm sức mạnh cho tôi vượt qua hoàn cảnh, chăm sóc đứa con bệnh tật, vươn lên phát triển kinh tế gia đình.
Tin, ảnh: Võ Thị Dung