Từ năm 2000, Nhà nước đã có chính sách riêng cho người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam (CĐDC)/dioxin. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách này còn nhiều hạn chế, bất cập về cả nội dung văn bản, lẫn trong quá trình tổ chức thực hiện. Các chính sách mới chỉ giải quyết một phần số hồ sơ tồn đọng và vẫn còn nhiều nạn nhân nằm ngoài diện thụ hưởng chính sách.
Bất cập chồng chất
Ông Nguyễn Minh An, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh Quảng Ninh, cho biết: “Tại địa phương, các văn bản hướng dẫn thiếu đồng bộ, gây ách tắc ngay khâu lập hồ sơ ban đầu. Đó là việc các giấy tờ để chứng minh thời gian và địa bàn tham gia kháng chiến, vùng bị phun rải CĐDC rất thiếu, do các quyết định phục viên, xuất ngũ, chuyển ngành chỉ ghi ngày tháng nhập ngũ, xuất ngũ, chuyển ngành, ký hiệu đơn vị mà không ghi địa danh, nên rất khó để xác định có thuộc vùng nhiễm hay không, gây khó khăn trong lập hồ sơ. Khi chúng tôi đến đơn vị cũ để xác nhận, thì đơn vị báo không có văn bản hướng dẫn, gây bức xúc cho người lập hồ sơ”.
Trong khâu tổ chức thực hiện, cách hiểu giữa các đơn vị khác nhau cũng gây ra nhiều phiền phức như nơi ghi bệnh đái tháo đường, nơi ghi bệnh tiểu đường type2. Hay như việc bệnh nhân bị ung thư phần mềm, nhưng giấy ra viện ghi “ung thư rễ dây thần kinh”... “Mang giấy xác nhận này chuyển tuyến, bệnh viện mỗi nơi hiểu một phách và bắt bệnh nhân phải làm lại, dù bản chất chỉ là 1 bệnh”, ông Nguyễn Minh An cho biết.
Còn theo ông Nguyễn Hữu Ý, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Hải Phòng: “Nhiều gia đình nạn nhân chất độc da cam không có sức lao động, sống nhờ trợ cấp, nhưng lại không được xếp vào diện hộ nghèo do tiền trợ cấp cao hơn mức chuẩn nghèo chung hiện nay. Đơn cử như gia đình anh Vũ Xuân Hằng (xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) là bệnh binh và nạn nhân CĐDC, có 3 con bị bại liệt toàn thân, mất khả năng tự lực, nhưng vợ anh Hằng không có trợ cấp. Tổng số tiền Nhà nước hỗ trợ cho 4 bố con là nạn nhân CĐDC là hơn 8,5 triệu đồng/tháng, chia cho 5 người, bình quân là hơn 1,7 triệu đồng/người. Mức này cao hơn mức chuẩn nghèo nông thôn là 400.000 đồng/người, nên gia đình anh Vũ Xuân Hằng không nằm trong hộ nghèo được hỗ trợ hộ nghèo của địa phương. Trong khi thực tế, hộ anh Vũ Xuân Hằng là một trong những hộ nghèo nhất trong xã”.
Bên cạnh đó là tiến độ làm hồ sơ giám định y khoa còn tồn đọng quá lớn. Hải Phòng có hơn 5.800 hồ sơ, nhưng tính bình quân 2 tháng mới có giám định y khoa và 1 năm chỉ hoàn thiện được 600 hồ sơ, nên không biết bao giờ số hồ sơ trên được giám định xong. Đã có trường hợp làm hồ sơ cách đây 3 năm, khi đến lượt thì đối tượng đã chết.
Còn đại diện Sở LĐTBXH Hà Nam cho biết: “Người dân bức xúc với danh mục bệnh tật liên quan đến phơi nhiễm CĐDC và cho rằng đây là chế độ thực hiện cho người sắp chết vì trong 17 bệnh thì có tới 11 bệnh ung thư. Trong khi chính sách với những đối tượng phải vào điểm nóng có chất độc hóa học nồng độ cao sau 30/4/1975 và thế hệ thứ 3 bị phơi nhiễm, vẫn chưa được xem xét”.
Sớm hoàn chỉnh chính sách
Giải thích về bất cập khi thực hiện chính sách với đối tượng CĐDC, ông Lê Kế Sơn, Tổng cục phó Tổng cục Môi trường, Chủ nhiệm đề tài “Khoa học đánh giá hiệu quả chính sách với nạn nhân CĐDC/dioxin” cho biết: “Nguyên nhân việc thực hiện chính sách còn nhiều bất cập do tiêu chí xác định nạn nhân CĐDC đến nay vẫn chưa đầy đủ. Danh mục bệnh tật mà Bộ Y tế lập dựa trên danh mục bệnh tật của USNIEHS (Mỹ), trong khi người bị nhiễm về phía Việt Nam trong hoàn cảnh, tác động hoàn toàn khác. Điều này không phân định được bệnh/tật/ triệu chứng/ hội chứng do CĐDC gây ra. Từ thực tế tại cơ sở, chúng tôi đề xuất xác định rõ vùng ô nhiễm CĐDC/dioxin, nới rộng thời gian phơi nhiễm, hình thành một trung tâm nghiên cứu về CĐDC/dioxin để xác định bệnh do CĐDC gây ra”.
Di chứng chất độc da cam thật nặng nề.Ảnh: Nguyễn Thủy - TTXVN |
Điều này cũng dẫn đến tình trạng số liệu báo cáo về nạn nhân CĐDC/dioxin từ năm 1998 - 1999 chưa chính xác. Theo tổng điều tra, năm 1999, cả nước có 96.257 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, tuy nhiên hiện đã có gần 300.000 người đang hưởng chính sách nhiễm CĐDC.
Ông Tạ Vân Thiều, Phó Cục trưởng Cục Người có công (Bộ LĐTBXH) cho biết: Vấn đề khó nhất hiện nay là vẫn chưa có tiêu chí cụ thể xác định người bị nhiễm CĐDC. Pháp lệnh về người có công quy định là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐDC, còn Bộ Y tế hiện vẫn khẳng định không thể xác định được ai là người bị nhiễm CĐDC. Điều này dẫn đến những chính sách đối với nạn nhân CĐDC phát sinh nhiều bất cập khi áp dụng trên thực tế.
Từ thực trạng trên, ông Tạ Văn Thiều kiến nghị, cần sớm điều chỉnh, bổ sung những chính sách đối với nạn nhân nhiễm CĐDC/dioxin theo 2 phương án. Phương án thứ nhất là thực hiện xác nhận trên cơ sở lập hồ sơ khám, giám định bệnh tật, dị dạng dựa trên kết luận của cơ quan y tế và từ đó ra quyết định hưởng chế độ ưu đãi. Phương án này thực hiện theo quy định hiện hành, nhưng cần hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn trình tự, thủ tục xác nhận mà cơ sở đang kêu vướng mắc. Phương án thứ 2 là xác nhận và giải quyết chế độ cho người bị nhiễm CĐDC trên cơ sở thực chứng. Yêu cầu của phương án này là ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện phân diện bệnh, tật nặng giải quyết chế độ thường xuyên; diện bệnh, tật dưới 80% giải quyết chế độ 1 lần.
Theo Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam, cả nước có khoảng 4,8 triệu người phơi nhiễm CĐDC và hiện còn 1 triệu hồ sơ chờ xác nhận người hoạt động kháng chiến nhiễm CĐDC. Ông Nguyễn Thế Lực, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam cho biết: Chính sách đối với nạn nhân nhiễm CĐDC của nước ta hiện nay mới chỉ tập trung cho những người tham gia kháng chiến và con em họ. Thời gian qua, chính sách đối với nạn nhân nhiễm CĐDC khi thực hiện còn vướng mắc, điều này làm tồn đọng rất nhiều hồ sơ trong cả nước. Do đó, các ngành chức năng cần khẩn trương hoàn hiện chính sách đối với những người bị nhiễm CĐDC, đặc biệt là những người tham gia kháng chiến; tiếp tục nghiên cứu, ban hành bổ sung danh mục các loại bệnh có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học, tránh tình trạng người bị bệnh do phơi nhiễm nhưng không được xem xét giải quyết chính sách.
Ông Nguyễn Sĩ Thúy, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Hà Nội:
Việc giám định nạn nhân CĐDC có nhiều bất cập, đơn cử như con đẻ của nạn nhân đã được xác định chịu di chứng của dioxin, thì bố mẹ sinh ra các cháu đương nhiên là đã bị nhiễm dioxin. Tuy nhiên, ngành y tế vẫn yêu cầu phải giám định lại và căn cứ theo 17 bệnh tật quy định của Bộ Y tế thì những người này không nằm trong danh mục bệnh tật, nhưng thực tế sức khỏe của họ đang giảm sút. Đây là điều rất bất cập về danh mục bệnh tật do Bộ Y tế quy định với nạn nhân CĐDC. Dư luận cũng cho rằng đã có tiêu cực trong việc giám định sức khỏe cho nạn nhân, do đó theo tôi, Hội đồng giám định y khoa phải có đại diện Bộ LĐ,TB & XH và Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin.
Ông Hoàng Đức Trọng, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Nam Định:
Nam Định có khoảng 10.000 người tham gia kháng chiến và trên 3.000 con đẻ (thuộc thế hệ thứ 2) được xác nhận bị nhiễm CĐDC và được hưởng trợ cấp, với mức chi trả hàng tháng gần 20 tỷ đồng. Tỉnh cũng còn khoảng 20.000 trường hợp có tham gia kháng chiến ở vùng Mỹ rải CĐDC, trong số này có nhiều trường hợp gặp khó khăn với sức khỏe giảm sút vì ung thư da, đại tràng, dạ dày… hoặc lở loét toàn thân, nhưng không nằm trong diện bệnh tật quy định, nên chưa được hưởng chính sách là nạn nhân CĐDC. Do đó, cần sớm bổ sung danh mục bệnh tật. Bên cạnh đó, đội ngũ giám định và thiết bị cần được đầu tư để bảo đảm công bằng, tránh hoài nghi trong việc thực hiện chính sách đối với người bị nhiễm CĐDC.
Ông Đỗ Xuân Đông (xã Đồng Quang, huyện Gia Lộc, Hải Dương):
Tôi từng tham gia chiến đấu ở miền Nam giai đoạn 1974 - 1979 và bị nhiễm chất độc da cam. Tôi có ba con đều bị dị tật do nhiễm CĐDC và một đứa đã mất. Thực tế cho thấy những người bị nhiễm CĐDC rất khó khăn trong việc làm hồ sơ để công nhận là người bị nhiễm CĐDC do thủ thục nhiêu khê và từ đó nảy sinh nhiều tiêu cực, gây hoài nghi trong nhân dân. Việc xác nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học bị mất hết giấy tờ đến nay vẫn chưa có hướng dẫn. Do đó, Nhà nước cần có quy định thống nhất, không tạo kẽ hở lợi dụng chính sách để hưởng tư lợi, để con sâu làm rầu nồi canh. |
Xuân Cường