Theo đó, tuyến cáp Asia America Gateway (AAG), tuyến cáp kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ lỗi trên phân đoạn S1B từ Hồng Kông (Trung Quốc) đi Singapore vào ngày 11/8 mới chỉ khôi phục lại được dung lượng AAG đi Hồng Kông (Trung Quốc), còn dung lượng AAG Việt Nam-Singapore vẫn tiếp tục bị mất. Đơn vị quản lý tuyến cáp biển đã điều tàu sửa chữa và dự kiến lỗi cáp sẽ được khắc phục xong vào ngày 26/9.
Trong khi đó, tuyến cáp quang biển Asia Africa Europe 1 (AAE-1) đã xảy ra sự cố vào ngày 4/9 trên phân đoạn S1H - đoạn trục giữa Campuchia và Thái Lan. Sự cố này gây gián đoạn dung lượng kết nối từ Việt Nam đi Singapore và châu Âu trên tuyến cáp AAE-1.
Theo đơn vị cung cấp dịch vụ internet, việc cùng lúc phát sinh sự cố bất khả kháng trên 2 tuyến cáp biển, đã ảnh hưởng cục bộ đến chất lượng truy cập của một nhóm khách hàng. Tuy nhiên, sự cố trên các cáp quang biển quốc tế chỉ ảnh hưởng đến tốc độ truy cập các website quốc tế tại một vài thời điểm trong ngày. Việc truy cập các trang mạng và ứng dụng trong nước không bị ảnh hưởng.
Để giảm thiểu ảnh hưởng từ sự cố cáp biển đến chất lượng dịch vụ Internet quốc tế cung cấp cho các khách hàng, các nhà mạng đã triển khai những phương án ứng phó, điều chuyển dung lượng sang các hướng cáp biển khác và các tuyến cáp trên đất liền.
Theo ghi nhận của phụ huynh, trong 2 ngày qua, các buổi học trực tuyến của học sinh, nhất là tại những trường sử dụng giải pháp hỗ trợ dạy - học trực tuyến của nước ngoài như Zoom, Microsoft Team, Google Meet liên tục bị rớt mạng. Một số nhà mạng cũng cho biết, lưu lượng sử dụng hệ thống trực tuyến này tăng gấp 3-4 lần so với các ngày trước đó.