Kết nối các phiên giao dịch việc làm trực tuyến ra toàn quốc

Sau những phiên giao dịch việc làm trực tuyến Hà Nội đã triển khai, tới đây Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) sẽ mở rộng chương trình thí điểm công cụ quản lý, điều hành sàn giao dịch việc làm trực tuyến để thực hiện phiên giao dịch việc làm kết nối giữa các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Giảm sự đi lại cho người lao động

Tai một phiên giao dịch việc làm trực tuyến mới đây, tại điểm cầu Hà Nội, anh Đặng Văn Mạnh (Thanh Hoá) đang ở Hà Nội được 5 năm nay sau khi phỏng vấn trực tuyến với điểm sàn vệ tinh tại (Thường Tín, Hà Nội) đã đến nộp hồ sơ ứng tuyển.

Anh Đặng Văn Mạnh cho biết: “Sau khi phỏng vấn trực tuyến, tôi thấy đáp ứng về thu nhập và gần chỗ ở hiện tại nên nộp hồ sơ. Phỏng vấn trực tuyến giúp lao động giảm việc đi lại, được trao đổi cụ thể với người tuyển dụng về vị trí việc làm, từ đó xác định tìm kiếm việc làm mới”.

Chú thích ảnh
Kết nối phiên giao dịch việc làm trực tuyến tại điểm sàn Giao dịch việc làm Hà Nội.

Bà Trần Thị Khánh Huyền, Phó phòng Tổ chức - Hành chính - Công ty TNHH Du lịch và Thương mại Sông Hồng cũng đã vài lần tham gia tuyển dụng lao động qua hình thức trực tuyến của Sàn giao dịch việc làm Hà Nội với các điểm giao dịch là các tỉnh. Từ góc độ nhà tuyển dụng, bà Trần Thị Khánh Huyền cho biết: “Qua sàn giao dịch trực tuyến, tôi có thể mở rộng nguồn tuyển, trao đổi cụ thể với các ứng tuyển vị trí việc làm để họ hiểu rõ hơn công việc, qua đó đáp ứng được số lượng vị trí việc làm mà đơn vị yêu cầu”.

Các doanh nghiệp tham gia tuyển dụng qua hình thức trực tiếp và trực tuyến tại Sàn Giao dịch việc làm Hà Nội và các điểm sàn triển khai trực tuyến từ các tỉnh đều có mong muốn có sự sàng lọc hồ sơ để khoanh vùng theo từng tệp đối tượng tuyển dụng, qua đó sẽ tiết kiệm thời gian, giảm sự đi lại và tăng tỷ lệ kết nối thành công.

Nhân rộng thí điểm

Theo ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm, việc triển khai thí điểm công cụ quản lý điều hành sàn giao dịch việc làm trực tuyến đánh dấu mốc quan trọng trong việc kết nối cung - cầu lao động của hệ thống sàn giao dịch việc làm các tỉnh, thành trong cả nước.

Tại chương trình thí điểm, các trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh, thành Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Giang, Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Bình Dương và Cần Thơ… đã kết nối 79 doanh nghiệp cùng đông đảo người lao động vào hệ thống, trong đó, tại điểm Sàn giao dịch việc làm Hà Nội có 27 doanh nghiệp tham gia kết nối.

Chú thích ảnh
Qua giao dịch trực tuyến, người lao động biết rõ hơn vị trí việc làm ứng tuyển.

Theo ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, Hà Nội đã “đi trước một bước” trong việc vận hành kết nối trực tuyến giữa 15 sàn giao dịch việc làm trên địa bàn. Tuy nhiên, việc triển khai bộ công cụ quản lý điều hành sàn giao dịch việc làm trực tuyến kết nối toàn bộ 63 tỉnh, thành thực sự là một bước chuyển hiệu quả, góp phần hiện đại hóa hoạt động của các sàn giao dịch việc làm trên nền tảng số, hỗ trợ rất nhiều cho các cán bộ, nhân viên của các sàn trong công tác nghiệp vụ.

Ông Vũ Quang Thành cho rằng, qua thực tiễn hoạt động, thời gian tới, Cục Việc làm, Trung tâm quốc gia về Dịch vụ việc làm sẽ tiếp tục có sự điều chỉnh phù hợp để nền tảng số này ngày càng gần gũi với người dùng, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người lao động, đồng thời, dễ dàng quản lý dữ liệu thông tin thị trường lao động.

Còn ông Vũ Trọng Bình cho biết: “Khi internet bùng nổ, quá trình số hóa diễn ra nhanh thì việc có một sàn giao dịch việc làm trực tuyến càng cần thiết. Đây cũng là lần đầu tiên, Việt Nam có hệ thống kết nối giao dịch việc làm trên nền tảng số, từ trực tiếp sang trực tuyến; đảm bảo sự thông suốt của thị trường lao động, kết nối cung cầu. Ứng dụng này đảm bảo kết nối cung - cầu lao động toàn quốc, không phải cục bộ. Trước kia, khi doanh nghiệp và người lao động muốn gặp nhau phải đến trung tâm dịch vụ việc làm, cũng chỉ là một điểm giao dịch việc làm của trung tâm. Còn qua ứng dụng trực tuyến, người lao động ở bất cứ đâu cũng có thể kết nối, tìm kiếm việc làm. Đây là đột phá rất lớn, đảm bảo kết nối cung - cầu lao động mọi nơi, mọi lúc”.

Hiện nay, Cục Việc làm đang triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu giao dịch việc làm kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư và đang đề xuất dự án đầu tư. Việc này đảm bảo một hệ thống cơ sở dữ liệu rất lớn 63 trung tâm dịch vụ việc làm sẽ sử dụng cơ sở dữ liệu toàn quốc; gắn với việc làm trống. “Khi xây dựng xong, chúng tôi sẽ tiến tới hoàn thiện hệ thống giao dịch việc làm toàn quốc hoàn chỉnh hơn, hiện đại hơn”, ông Vũ Trọng Bình cho biết.

Bài, ảnh: XM/Báo Tin tức
Góp phần lan toả chính sách an sinh xã hội
Góp phần lan toả chính sách an sinh xã hội

Trong những năm qua, báo Tin tức Cuối tuần (nay là Tuần Tin tức) và chuyên đề Dân tộc miền núi của báo Tin tức đã được phát hành rộng rãi đến các bản làng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Những thông tin về chủ đề an sinh xã hội luôn được cập nhật của báo Tin tức đã góp phần phổ biến, lan toả các chính sách về bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình, chính sách giảm nghèo đến với đồng bào các dân tộc anh em.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN