Định hình lại thị trường lao động

Nhà tuyển dụng, những tác động cộng hưởng của đại dịch COVID-19, chuyển đổi số, biến động của tình hình thế giới phần nào đã định hình lại thị trường lao động, khiến xu hướng tìm kiếm việc làm, kỳ vọng của cả doanh nghiệp và người lao động đều có sự thay đổi.

Yêu cầu lao động có kỹ năng

Hoạt động trong lĩnh vực điện máy, anh Phan Hoàng Anh, chuyên viên tuyển dụng của Công ty Cổ phần Medimart cho biết, nhu cầu tuyển dụng của đơn vị thường diễn ra liên tục, bởi “ngày nào, tháng nào cũng tuyển”. Đơn vị luôn muốn tìm kiếm được những người lao động có kỹ năng, kinh nghiệm làm việc tốt hơn. Tuy nhiên, số lượng đáp ứng yêu cầu không nhiều và thường phải đào tạo lại. Trong khi đó, vấn đề người lao động quan tâm nhất là thu nhập, sau đó là môi trường làm việc, văn hóa của công ty.

Chú thích ảnh
Tìm hiểu thông tin tuyển dụng tại Phiên giao dịch việc làm lưu động tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Về mức lương, ghi nhận từ quá trình phỏng vấn các ứng viên từ doanh nghiệp này, anh Hoàng Anh cho biết, người lao động tại Hà Nội thường mong muốn mức lương từ 8 triệu đến 10 triệu đồng, ứng viên tại các tỉnh, thành khác yêu cầu từ 6 triệu đến 9 triệu đồng cho các vị trí lao động giản đơn, riêng các vị trí có yêu cầu cao hơn thì sẽ có những đòi hỏi về mức thu nhập tương xứng.

Tuyển dụng lao động sau dịch khó khăn hơn cũng là nhận định của bà Luyện Diệu Linh, chuyên viên Phòng Dịch vụ chăm sóc khách hàng, chi nhánh Hà Nội, Công ty Cổ phần Dịch vụ kỹ thuật Mobifone. Từ quan sát qua các lần tuyển dụng, bà Linh nhận thấy, người lao động, đặc biệt là lao động trẻ ngày nay đều mong muốn có mức lương cao hơn khi tìm việc. Từ thực tế đó, phía công ty luôn cố gắng đảm bảo được một mức thu nhập ngoài lương cơ bản còn có phần tăng thêm khác để hỗ trợ người lao động.

Mặc dù vậy, bà Linh cho rằng, việc tuyển dụng tại Hà Nội có phần khó khăn hơn so với các địa bàn khác, bởi ngoài mức lương yêu cầu cao hơn, người lao động cũng có nhiều lựa chọn ngành nghề. Khó khăn trong tuyển dụng khiến doanh nghiệp ngày càng chú trọng đến các yếu tố lương, chế độ khác để giữ chân lao động.

Kỳ vọng tăng lương

Khảo sát Lương 2023 của Navigos Group công bố gần đây cũng phần nào củng cố thêm góc nhìn từ các nhà tuyển dụng khi thống kê cho thấy, môi trường làm việc, lương, và văn hóa doanh nghiệp là ba yếu tố hàng đầu giữ chân người lao động làm việc ở công ty.

Đi cùng với đó, những chính sách tác động lên thu nhập là mối quan tâm và kỳ vọng hàng đầu của người lao động trong năm 2023, đơn cử như mong muốn lương sẽ được tăng đều hàng năm từ 10% trở lên, và có thêm các khoản phụ cấp, trợ cấp. Ngoài lương, người lao động bắt đầu quan tâm hơn đến các yếu tố về tinh thần và kỳ vọng vào một sự nghiệp hạnh phúc.

Ở góc độ đơn vị kết nối tuyển dụng nhiều năm, ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đánh giá, người lao động bao giờ cũng quan tâm đến tăng lương, thu nhập, sau đó mới đến môi trường làm việc, cơ hội thăng tiến.

Xét kỳ vọng về mức lương, riêng tại thị trường Hà Nội, ông Thành cho biết qua thu thập từ quá trình tuyển dụng có nhiều phân khúc khác nhau. Đơn cử, với lao động có trình độ giản đơn, kỳ vọng mức lương phổ biến là từ 7 đến 10 triệu đồng, mức này cũng dành cho nhóm trình độ cao đẳng, trung cấp, công nhân kỹ thuật, đại học song làm việc ở khối văn phòng.

Với những vị trí khác đòi hỏi yêu cầu về kỹ năng cao hơn, thường dao động từ 10 - 15 triệu đồng, thậm chí từ 20 triệu đồng trở lên. “Tuy nhiên, mặt bằng chung thì thấy rằng, để tìm được người lao động có trình độ đáp ứng được công việc của doanh nghiệp đã khó, sử dụng và tuyển dụng được nhóm lao động có mức lương từ 20 triệu đồng trở lên, bản thân lao động cũng phải giỏi chuyên môn cộng thêm các yếu tố khác. Nhìn chung, mức lương phổ biến kỳ vọng vẫn là mức từ 15 triệu đồng trở lại”, ông Vũ Quang Thành thông tin.

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cũng thừa nhận, việc tuyển dụng và sử dụng được nguồn lao động phù hợp luôn là vấn đề khó đối với doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh có nhiều biến động như hiện nay đã tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước.

“Xu hướng tìm kiếm việc làm của lực lượng lao động cơ bản không có quá nhiều thay đổi, song đã có sự dịch chuyển do các yếu tố dịch bệnh, tình hình chung từ biến động của thế giới đã tác động trực tiếp đến người lao động. Những yếu tố này đòi hỏi người lao động cần nâng cao trình độ, kỹ năng, tự mình rèn luyện để có thể tìm kiếm công việc ở bất kì vị trí, lĩnh vực nào, vừa tận dụng được kiến thức đã được đào tạo vừa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp”, ông Vũ Quang Thành khuyến nghị.

Theo Cục Việc làm (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), thị trường lao động trong những tháng đầu năm 2023 khá ổn định. Với tác động sau dịch COVID-19, quá trình chuyển dịch cơ cấu đầu tư trên cả nước, chuyển dịch cơ cấu đầu tư theo ngành, lĩnh vực đã gây ra sự chuyển dịch về lao động. Cùng với quá trình này, việc đảm bảo quyền lợi cho người lao động cần tăng cường giám sát tuân thủ theo đúng Luật Lao động 2019.

 

Bài, ảnh: XM/Báo Tin tức
Kết nối hơn 2.000 chỉ tiêu việc làm tại quận trung tâm Hà Nội
Kết nối hơn 2.000 chỉ tiêu việc làm tại quận trung tâm Hà Nội

Ngày 25/3, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Hà Nội, UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức “Ngày hội tư vấn và giao dịch việc làm quận Hoàn Kiếm năm 2023”, với hơn 2.000 chỉ tiêu tuyển dụng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN