Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã nhấn mạnh việc 3 nội dung xây dựng gồm Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông - cơ quan thường trực của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, năm 2022 tổng doanh thu toàn ngành công nghệ thông tin, viễn thông (ICT) Việt Nam đạt khoảng 148 tỷ USD, tỷ trọng kinh tế số đạt 14,26% GDP. Để đạt được mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP theo kịch bản phát triển nhanh, Việt Nam cần duy trì mức tăng trưởng kinh tế số bình quân hằng năm khoảng 20%, gấp hơn ba lần tăng trưởng GDP dự kiến.
Chuyển đổi số là thời cơ cho Việt Nam đột phá trở thành một quốc gia phát triển. Tuy nhiên, để chuyển đổi số nhanh, thông minh và xanh hơn, vẫn còn nhiều thách thức đặt ra. Đó là các vấn đề về quyết tâm chính trị, hành lang pháp lý, nguồn nhân lực và hạ tầng số.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết: Sau nhiều thập niên tăng trưởng nhanh, Việt Nam đã và đang phải đối mặt với những thách thức lớn, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế như: Đại dịch COVID-19, suy thoái kinh tế toàn cầu làm suy giảm tăng trưởng kinh tế; mô hình kinh tế dựa trên lao động giá rẻ và tài nguyên thiên nhiên đang mất dần lợi thế cạnh tranh; nguy cơ bị mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình và già hóa dân số.
“Những thách thức này đòi hỏi Việt Nam phải tìm kiếm những mô hình, động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế. Trong bối cảnh ấy, Việt Nam đã chủ động tiếp cận cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, từ sự phát triển nhanh chóng của các công nghệ số”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.
"Trên thế giới, các chuyên gia đang đánh giá chuyển đổi số như là chất xúc tác, là giải pháp cho nhiều doanh nghiệp chuyển đổi, thích ứng theo các mô hình xanh, bền vững. Gần đây, khái niệm “Chuyển đổi kép” tức là chuyển đổi số để chuyển đổi xanh đã được Liên minh Châu Âu đề cập và là một xu hướng quan trọng trong tương lai", Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho hay.
“Trong quá trình xây dựng các chiến lược, quy hoạch kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương lồng ghép các nhiệm vụ, giải pháp ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng Khoa học Công nghệ 4.0, chuyển đổi số vào các quan điểm, mục tiêu, giải pháp nhằm thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng", Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết thêm.
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã tập trung thảo luận về xu hướng chuyển đổi số; Một số thành tựu trong chuyển đổi số trong ba trụ cột của nền kinh tế phát triển bền vững: Sản xuất, Ngân hàng và Thương mại điện tử (E-commerce); Tầm quan trọng của 5G đối với tăng trưởng kinh tế và đổi mới sáng tạo; Những cơ chế chính sách thúc đẩy tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững; cũng như những bài học kinh nghiệm thực tế từ những doanh nghiệp tiên phong chuyển đổi số với mục tiêu tạo đòn bẩy cho chuyển đổi số tăng trưởng thông minh hơn và xanh hơn.