Tỉnh Thừa Thiên - Huế đang triển khai nhiều giải pháp ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em bỏ học, lao động sớm, trong đó chú trọng xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình, dự án tăng cường vai trò, trách nhiệm của gia đình, cộng đồng trong phòng ngừa và bảo vệ trẻ em. Các mô hình đã thực sự phát huy hiệu quả, hình thành mạng lưới tình nguyện viên tại cộng đồng đến từng thôn, bản giúp phát hiện và hỗ trợ kịp thời, đưa hàng trăm học sinh bỏ học trở lại trường, hạn chế trẻ vi phạm pháp luật, trẻ bị xâm hại, lao động nặng nhọc đồng thời kiềm chế nguy cơ trẻ bị rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.Phường Kim Long, thành phố Huế có tỷ lệ dân vạn đò chiếm số lượng khá lớn nên luôn đối mặt với nguy cơ trẻ em bỏ học. Năm 2010, mô hình “Mạng lưới bảo vệ trẻ em và ngăn ngừa trẻ em bỏ học dựa vào gia đình và cộng đồng” của phường gồm 16 cộng tác viên và nhóm 6 trẻ nòng cốt được xây dựng. Mạng lưới này do Chi hội Bảo vệ quyền trẻ em phường thực hiện với nguồn kinh phí do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia tài trợ.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế đang triển khai nhiều giải pháp ngăn ngừa và giải quyết tình trạng tình trạng trẻ em bỏ học, lao động sớm. Ảnh minh họa: Internet. |
Thực hiện dự án, mạng lưới tình nguyện viên đến từng tổ dân phố điều tra, lên danh sách trẻ có hoàn cảnh khó khăn, sau đó đến từng gia đình để thuyết phục bố mẹ của trẻ, xây dựng tại các trường nhóm trẻ em nòng cốt giúp đỡ bạn trong học tập, hoặc động viên các em theo các lớp dạy nghề. Những trường hợp học sinh có học lực yếu được hỗ trợ kinh phí học phụ đạo. Những trẻ con nhà nghèo được đề nghị hỗ trợ học bổng. Nhờ đó, 2 năm qua, không có học sinh nào phải bỏ học; 35 trường hợp khó khăn có nguy cơ bỏ học đã được thăm hỏi thường xuyên và trợ giúp kịp thời. Bên cạnh đó, mô hình đã trao học bổng cho hơn 100 học sinh, mở 5 lớp phụ đạo văn hóa, 1 thư viện ở phường và hình thành đường dây nóng bảo vệ trẻ em.
Dự án "Ngăn chặn tình trạng trẻ em di cư tự do và bị lạm dụng sức lao động" do Quỹ trẻ em Rồng Xanh (tổ chức phi Chính phủ của Australia) tài trợ, được Hội Chữ thập đỏ tỉnh thực hiện từ năm 2011 tại 7 xã trên địa bàn tỉnh gồm xã Phú Diên, Phú Hải, Thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang), Vinh Hưng, Lộc Điền, Lộc Trì (huyện Phú Lộc) và xã Hương Phú (huyện Nam Đông). Ban điều hành Dự án đã tổ chức nhiều đợt khảo sát tình trạng trẻ em bỏ học đi lao động sớm, tuyên truyền, vận động các em trở về quê tiếp tục học tập; gặp mặt các gia đình có hoàn cảnh khó khăn để tuyên truyền về tác hại của việc lao động sớm và hỗ trợ kinh phí để cải thiện cuộc sống, ngăn chặn tình trạng trẻ em bỏ học.
Đối với các em sau khi hồi cư, Dự án hỗ trợ kinh phí học tập, mua sắm sách vở, trang bị xe đạp, bồi dưỡng kiến thức trong dịp hè để các em theo kịp chương trình học, cho các em học nghề nếu có nhu cầu. Đến nay, dự án đã tổ chức 6 đợt vận động, đưa 84 em (12 - 15 tuổi) từ thành phố Hồ Chí Minh về với gia đình và tiếp tục đi học; hỗ trợ gần 150 đối tượng có hoàn cảnh khó khăn với mức 180.000 - 200.000/tháng; xây dựng 12 nhà tình nghĩa, hỗ trợ 18 hộ gia đình nuôi cá lồng... Từ đó nhiều hộ gia đình đã từng bước cải thiện đời sống và an tâm động viên con em mình tiếp tục học tập.
Tỉnh đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền như tổ chức tập huấn, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề cho cán bộ các cấp; tổ chức diễn đàn ngăn ngừa trẻ em bỏ học, lao động sớm trong trường học, khu dân cư; cung cấp tờ rơi, xây dựng pa nô, khẩu hiệu, áp phích; tổ chức hội thi, diễn văn nghệ tạo sân chơi và nâng cao nhận thức về quyền trẻ em; triển khai xây dựng mô hình “Xã phường phù hợp với trẻ em” ở 100% cơ sở, thành lập 14 câu lạc bộ ngăn ngừa trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm hại tình dục, trẻ em lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại, 5 câu lạc bộ quyền trẻ em. Nhờ vậy, việc trẻ bỏ học, vi phạm pháp luật, trẻ bị xâm hại, lao động nặng nhọc đã được phát hiện kịp thời. Hai năm trở lại đây, tình trạng trẻ em địa phương bỏ nhà đi lang thang rất ít và kiểm soát được, số trẻ lao động sớm giảm gần 50%, trẻ lang thang giảm xuống còn 79 em.
Thực tế, việc trẻ lao động nặng nhọc kiếm tiền giúp đỡ gia đình vẫn tồn tại ở một số nơi, nhiều trẻ sau khi được vận động hồi gia vẫn tiếp tục trở lại làm việc do tâm lý hoặc không theo kịp chương trình học. Việc rà soát, kiểm tra lao động trẻ em trong môi trường nặng nhọc, độc hại gặp không ít khó khăn. Khi kiểm tra, thấy có lao động trẻ em thì chủ cơ sở lại biện minh là người bà con đến phụ giúp công việc gia đình. Hầu hết các cơ sở này đều không có hợp đồng lao động cũng như không trả tiền công tương xứng với công sức của trẻ đã bỏ ra. Vì vậy, để hạn chế tình trạng này, trước hết là ý thức của bậc làm cha mẹ, người trực tiếp quản lý trẻ. Cần có sự chung tay phối hợp đồng bộ giữa các tổ chức, xã hội để ngăn chặn việc bóc lột sức lao động trẻ em, thay đổi nhận thức, nâng cao quyền của trẻ em trong cộng đồng dân cư.
Tường Vi