Công trình được khởi công xây dựng từ tháng 8/2016 bằng nguồn vốn ODA của Ngân hàng thế giới, vốn đối ứng từ ngân sách tỉnh và vốn đối ứng của các hộ dân được hưởng lợi với chi phí đầu tư gần 30,5 tỷ đồng. Trạm cấp nước được xây dựng tại xã Tân Bằng và sẽ đấu nối vào mạng đường ống phân phối nước với chiều dài hơn 75 km cung cấp nước cho toàn bộ người dân vùng thiếu nước.
Trạm cấp nước đặt tại xã Tân Bằng với chi phí đầu tư hơn 30 tỷ đồng. |
Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Giám đốc Trung tâm cho biết, với công suất thiết kế 60 m3/giờ, công trình hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu nước sử dụng sạch cho hơn 2.300 hộ dân của địa phương. Đây là tín hiệu đáng mừng bởi nhiều năm qua, nơi đây luôn là khu vực có tình trạng thiếu nước ngọt sử dụng nghiêm trọng nhất tại Cà Mau.
Những năm qua, tại xã Biển Bạch trong số hơn 2.000 hộ dân có tới 1.400 hộ dân ở hai bên bờ Ðông và Tây sông Trẹm hằng ngày phải mua nước sử dụng; trong đó, đặc biệt ấp Thanh Tùng và ấp 18, toàn bộ các hộ dân không thể dùng nước giếng khoan do mạch nước ngầm bị nhiễm phèn, mặn nặng.
Người dân xã Biển Bạch vui mừng vì không còn phải lo nước sinh hoạt trong mùa khô. |
Ðể đối phó với mùa khô khắc nghiệt, người dân địa phương phải dự trữ nước ngay trong mùa mưa. Nhưng biện pháp này cũng chỉ giúp người cầm cự được 1 - 2 tháng mùa khô. Các tháng còn lại người dân đều phải mua nước từ những nơi khác chuyển đến với giá rất cao và giá nước dao động liên tục tuỳ theo tình hình hạn hán của địa phương.
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, ấp Thanh Tùng, xã Biển Bạch, dù chỉ là nước giếng khoan, nhưng có thời điểm giá nước lên tới 50.000 - 80.000 đồng/m3. Theo ước tính, mỗi hộ nơi đây hàng năm phải bỏ ra hơn chục triệu đồng để mua nước sử dụng. Đặc biệt, trong thời điểm đó, hầu như mọi hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân đều bị đình trệ.