Liên quan đến nội dung này, trước đó vào ngày 14/8 Thông tấn xã Việt Nam đã có thông tin đề cập sự cần thiết của việc bảo tồn Động Châu-Khe Nước Trong.
Theo đó, UBND tỉnh Quảng Bình đã tổ chức nhiều cuộc họp để thảo luận, lấy ý kiến các chuyên gia, cơ quan hữu quan và các địa phương nhằm hoàn thiện việc xây dựng Đề án thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Động Châu-Khe Nước Trong dựa trên các tiêu chí chủ đạo như: Xác lập đầy đủ các yếu tố cốt lõi về đa dạng sinh học của khu vực (sự đa dạng, đặc hữu về động, thực vật); phân định quy hoạch, diện tích, địa giới các phân khu chức năng để quản lý và bảo tồn; xây dựng quy định về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý khu bảo tồn thiên nhiên; đề xuất phương án an sinh xã hội, sinh kế cho người dân vùng liên quan đến khu bảo tồn...
Ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, đã giao trách nhiệm và chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình tiếp thu các ý kiến đóng góp, sớm hoàn thiện đề án nhằm tiến tới thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Động Châu-Khe Nước Trong. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu đối với công tác xây dựng đề án phải đặc biệt quan tâm đến việc làm nổi bật các giá trị đa dạng sinh học của khu vực Động Châu-Khe Nước Trong. Đơn vị chức năng cần gắn công tác phát huy các giá trị bảo tồn với việc phục vụ công tác phát triển du lịch, kinh tế-xã hội nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích cũng như sinh kế cho người dân tại các địa bàn liên quan, đặc biệt, là người dân hai xã miền núi còn nhiều khó khăn là Kim Thủy và Ngân Thủy thuộc huyện Lệ Thủy.
Động Châu-Khe Nước Trong là khu vực nằm giáp biên giới Việt-Lào và Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Khu vực này chủ yếu là rừng nhiệt đới thường xanh, nằm trong vùng sinh thái rừng tự nhiên, có diện tích trên 22.000 ha. Hệ động thực vật ở khu vực rừng Động Châu-Khe Nước Trong là rất quý hiếm.
Theo tài liệu nghiên cứu của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình phối hợp với Trung tâm Tài nguyên và Môi trường Lâm nghiệp thuộc Viện Điều tra quy hoạch rừng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện, độ che phủ của rừng ở Động Châu-Khe Nước Trong rất cao đạt trên 99%, trong đó có khoảng 50% diện tích rừng nhiệt đới thường xanh vùng thấp vẫn còn tương đối nguyên vẹn, chưa bị tác động nhiều từ bên ngoài. Khu vực rừng ở đây được đánh giá có giá trị đa dạng sinh học rất cao, với nhiều loài quý hiếm, đặc hữu.
Thống kê bước đầu cho thấy, có hơn 1.030 loài thực vật bậc cao có mạch với 22 loài nằm trong Sách Đỏ thế giới, 26 loài trong Sách Đỏ Việt Nam và 15 loài quý hiếm theo Nghị định 32/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về nghiêm cấm khai thác cho mục đích thương mại; 357 loài động vật có xương sống ở cạn với 39 loài nằm trong Sách Đỏ thế giới, hơn 90 loài nằm trong Sách Đỏ Việt Nam và 46 loài động vật quý hiếm theo Nghị định 32/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, về động vật, bước đầu cơ quan chức năng đã ghi nhận sự tồn tại ở đây nhiều loài quý hiếm như bò tót, sao la, mang lớn, mang Trường Sơn, chà vá chân nâu, thỏ vằn, trĩ sao, các loài hồng hoàng… Về thực vật cũng có nhiều loài đặc biệt quý hiếm như gụ mật, gụ lau, lim xanh, vù hương, re hương, dạ hương, các loài trong họ dầu…Động Châu-Khe Nước Trong còn được tổ chức Bảo tồn Chim Thế giới công nhận là một trong 62 vùng chim quan trọng và trong Vùng chim đặc hữu đất thấp của Việt Nam…
Trong Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt khu vực Động Châu-Khe Nước Trong thuộc phân hạng khu dự trữ thiên nhiên.
Thời gian qua, công tác bảo vệ rừng ở khu vực Động Châu-Khe Nước Trong được thực hiện khá hiệu quả. Tuy nhiên, qua quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng vẫn phát hiện có tình trạng khai thác gỗ trái phép và đặt bẫy săn bắt động vật hoang dã diễn ra ở đây.