Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa vừa có quyết định phê duyệt quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà đến năm 2020. Theo đó, tỉnh sẽ dành gần 95 tỷ đồng để triển khai hơn 10 nhiệm vụ cụ thể, đáp ứng mục tiêu đề ra.
Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà có tổng diện tích tự nhiên trên 19.000 ha, nằm trên địa bàn bốn huyện: Cam Lâm, Diên Khánh, Khánh Sơn, Khánh Vĩnh. Khu bảo tồn này cách thành phố Nha Trang khoảng 30 km theo đường chim bay, có độ cao tuyệt đối 1.578m. Nơi đây có khí hậu mát mẻ quanh năm, độ ẩm cao, được ví như "Đà lạt thứ hai" của miền Trung. Hòn Bà được bác sĩ Alexandre Yersin khám phá vào năm 1863 và ông đã cho xây dựng khu nghiên cứu, thực nghiệm nhiều loại cây thuốc có giá trị.
Năm 2005, tỉnh Khánh Hòa đã có quyết định thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên tại Hòn Bà. Việc quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà làm cơ sở để tiến hành bảo vệ, bảo tồn nguyên vẹn tài nguyên thiên nhiên đi đôi với phát triển rừng; bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ và phát triển các nguồn gen về động vật và thực vật rừng đặc hữu, quý, hiếm; bảo đảm chức năng phòng hộ đầu nguồn, bảo vệ môi trường sinh thái.
Bên cạnh đó, Khánh Hòa còn đầu tư xây dựng các công trình cơ bản để hỗ trợ công tác quản lý rừng, phòng cháy chữa cháy, thực hiện nghiên cứu khoa học, tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng; phát huy thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan, văn hóa, lịch sử... nhằm sử dụng hợp lý các giá trị đa dạng sinh học của rừng và đảm bảo sinh kế cho cộng đồng dân cư vùng đệm.
Hòn Bà hiện có khoảng 592 loài thực vật bậc cao, thuộc 401 chi và 120 họ; về hệ động vật rừng gồm 255 loài thuộc 88 họ. Trong đó có 41 loài thực vật và 59 loài động vật quý hiếm, có tên trong sách đỏ như: thông hai lá dẹp, voọc chà vá chân đen, vượn bạc má.
Tiên Minh