Tiến sĩ Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp cho biết: Lĩnh vực giáo dục Nghề nghiệp đã trải qua 2 năm khó khăn do dịch bệnh, lần đầu tiên sau nhiều năm, kết quả tuyển sinh các cấp trình độ trong giáo dục nghề nghiệp đã không đạt mục tiêu theo kế hoạch đề ra (chỉ đạt 85% kế hoạch năm 2021). Trong 2 năm qua, nhiều lĩnh vực ngành, nghề đào tạo đã rất khó khăn trong công tác tuyển sinh, trong đó có lĩnh vực du lịch, khách sạn, nhà hàng;
Trong 2 năm qua, do dịch bệnh, ngành du lịch gặp phải rất nhiều khó khăn khi mà hoạt động này gần như tê liệt do dịch bệnh, người làm bỏ việc, thiếu việc làm do các cơ sở kinh doanh phải đóng cửa dừng hoạt động đã ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý người học. Giờ đây các hoạt động trở lại thì lphải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng lực lượng lao động.
Theo số liệu của Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch về số lượng tuyển sinh đối với 15 cơ sở giáo dục nghề nghiệp du lịch được thực hiện vào tháng 9/2021 cho thấy trong đến tháng 9 năm 2021 số lượng tuyển sinh đã bị sụt giảm 32%; đến hết năm (tháng 12/2021) kết quả tuyển sinh 2021 chỉ bằng 50% so với năm 2019, giảm khoảng 50%.
Năm 2019, Việt Nam có 4,9 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch; năm 2020, gần 80% nhân sự trong lĩnh vực này bị cắt giảm; năm 2021, chỉ có 25% trong số còn lại làm đủ thời gian.
Chia sẻ về những khó khăn, thách thức mà ngành du lịch gặp phải, bà Ngô Thị Xuân - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn cho rằng, phải có giải pháp cho lực lượng nhân sự còn lại với ngành du lịch là họ phải được đào tạo trong khoảng thời gian ngắn nhất để ôn luyện lại những kỹ năng nghiệp vụ mà trong khoảng 2 năm vừa rồi họ không có cơ hội để thực hiện.
Trong thời gian gần đây, các doanh nghiệp cũng đang tuyển mới một lượng nhân sự để kịp thời đáp ứng được nhu cầu hiện tại. Những doanh nghiệp lớn đã chủ động phối hợp với các trường để đào tạo kịp thời cho đối tượng này.
Ông Trương Anh Dũng cho rằng cần có giải pháp tổng thể, đồng bộ, huy động tổng lực trong thời gian tới để tuyển sinh đào tạo nghề du lịch, đồng thời cần phải củng cố lại niềm tin cho lao động, thông qua quá trình truyền thông.
"Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng số lượng dạy nghề liên quan tới du lịch dịch vụ. Để tăng về quy mô các trường cần linh hoạt trong đào tạo, không chỉ đào tạo trực tiếp mà còn cần đào tạo trực tuyến", ông Trương Anh Dũng đề xuất.
Hội đồng kỹ năng nghề quốc gia trong ngành du lịch đã ban hành 7 bộ tiêu chuẩn nghề quốc gia. Thời gian tới có thể vận dụng cấp chứng chỉ kỹ năng nghề cho lao động, để nhóm này có thể tự do dịch chuyển làm việc trong khu vực ASEAN. Các bộ tiêu chuẩn cũng là cơ sở để các trường căn cứ vào đó thực hiện đào tạo.