Nghiên cứu được tiến hành tại 4 tỉnh, thành phố có đông người di cư là Hà Nội, Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai. Các phiếu khảo sát tập trung ở 4 ngành có nhiều lao động di cư như may, điện tử, xây dựng và bán hàng rong.
Theo các chuyên gia và tổ chức phi chính phủ, hệ thống pháp luật trong những năm qua đã có những tiến bộ rõ rệt trong việc bảo vệ quyền an sinh xã hội của người lao động qua những quy định tại Bộ luật Lao động, Luật Việc làm, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm Y tế… Tuy nhiên, quá trình tiếp cận chính sách an sinh xã hội của người lao động di cư rất hạn chế do nhiều nguyên nhân. Trong đó, rào cản lớn nhất được chính người lao động di cư chỉ ra việc quản lý hộ khẩu.
Chị Nguyễn Thị Hạnh (Hà Nội), một lao động bán hàng rong tại Hà Nội cho biết: "Chúng tôi được tuyên truyền phổ biến chính sách về BHYT, vay vốn… nhưng khi đi ra làm các thủ tục với chính quyền sở tại đều rất khó khăn vì không có hộ khẩu. Không có hộ khẩu nên con cái cũng không được học trường công mà phải học trưòng tư, tiền điện cũng phải trả theo giá thị trường".
Đây cũng là tình trạng chung rất nhiều lao động di cư gặp phải. Điều này phản ánh cụ thể qua kết quả khảo sát. Theo đó, công việc của những người lao động di cư thường, bấp bênh, mức thu nhập cơ bản của hầu hết lao động di cư chưa đáp ứng nhu cầu cuộc sống tối thiểu. Đặc biệt, người lao động phải trả chi phí kép do không có hộ khẩu tại nơi đến, đặc biệt là các chi trả cho những dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở, điện nước sinh hoạt cao hơn so với dân cư địa phương. Đáng quan tâm là 99% người lao động di cư phi chính thức không có bảo hiểm xã hội; 76,5% không có bảo hiểm y tế và nếu có thì chủ yếu đăng ký ở quê nên rất bất tiện cho việc khám chữa bệnh.
“Người lao động chưa được tính đến như là một đối tượng được thụ hưởng chính sách bảo trợ xã hội tại nơi đến… với hơn 70% không nhận được hỗ trợ nào từ địa phương tạm trú. Điều này dẫn đến những rủi ro về mặt xã hội nếu xảy ra khó khăn”, bà Nguyễn Thu Giang, Viện phó Viện Ligt chia sẻ.
Các chuyên gia về lao động nhận định, nhóm đối tượng lao động di cư phi chính thức đang ngày càng nhiều trong quá trình đô thị hóa nhưng là nhóm đối tượng chưa được tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội. Do đó, trong quá trình thực hiện, các cơ quan chức năng cần rà soát và loại bỏ các quy định gắn với hộ khẩu, vì đây là một trong những rào cản lớn nhất đối với việc tiếp cận an sinh xã hội của người lao động di cư. Thay thế việc quản lý hành chính hộ khẩu có thể sử dụng công nghệ thông tin để gia tăng lợi ích cũng như thuận tiện hơn trong việc quản lý, đảm bảo sự công bằng xã hội.