Hồ cạn gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp ở Bà Rịa-Vũng Tàu

Hồ Sở Bông là hồ phục vụ nước tưới tiêu cho lúa và hoa màu của 2 địa bàn xã Long Mỹ và thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu với khoảng 150 ha.

Lòng hồ Sở Bông bị bồi lắng và cạn trơ đáy.

Thế nhưng, khoảng 5 năm trở lại đây cứ bước vào mùa khô là hồ luôn trong tình trạng cạn trơ đáy do lòng hồ đã bị bồi lắng nên việc trữ nước của hồ hầu không còn tác dụng, khiến cho việc tưới tiêu của người dân gặp rất nhiều khó khăn.

Qua 20 năm khai thác, sử dụng, cùng với sự thay đổi về môi trường do nạn chặt phá, khai thác rừng đầu nguồn, ảnh hưởng của việc biến đổi khí hậu. Song song đó, là một lượng lớn bùn, cát, đất, đá và các tạp khác được dòng chảy do mưa mang về khiến lòng hồ Sở Bông, xã Long Mỹ, huyện Đất Đỏ bị bồi lắng làm cho dung tích hồ chứa ngày càng nhỏ lại, khả năng chứa, tích nước giảm.

Vào mùa khô, nước từ hồ Sở Bông cạn kiệt, không cung cấp đủ nước tưới cho sản xuất nông nghiệp của các địa bàn xã Long Mỹ và thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ. Người dân nơi đây đang đứng ngồi không yên vì hàng trăm ha lúa đang trong thời kỳ phát triển nhưng không đủ lượng nước tưới.

Có mặt ở khu vực hồ Sở Bông, xã Long Mỹ, huyện Đất Đỏ thời điểm đầu tháng 4 – khi đang vào cao điểm mùa khô, mực nước chứa trong hồ gần như cạn kiệt, lòng hồ nhô lên cao, nứt nẻ, cá chết khô vì không có nước. Phía trong hồ, thấp thoáng từng nhóm người đang hì hục dùng máy bơm bơm cạn kiệt những vũng nước còn lại trong lòng hồ để đưa nước về các ruộng lúa. Có 5 ha lúa đang trong thời kỳ phát triển cần có đủ nước để trổ bông nên mỗi ngày anh Dương Văn Tư, người dân ấp Mỹ Thuận, xã Long Mỹ, huyện Đất Đỏ đều phải vào tận lòng hồ bơm nước.

Tuy nhiên, lượng nước bơm được cũng không đáng kể. Chính vì vậy, anh Tư phải tăng thêm chi phí khoan giếng lấy nước tưới, nhưng theo anh Tư, đây không phải là giải pháp tốt. Anh Tư lo lắng chia sẻ, "tôi bơm nước 2 ngày nay là gần 30 tiếng nhưng mà vẫn chưa đủ nước cho mấy sào lúa, giờ nước trong hồ đã cạn thì chỉ có khoan giếng thôi chứ không làm cách nào khác, mà khoan giếng thì sẽ ảnh hưởng đến lúa vì nước nhiễm phèn nhiều, cộng với đó là chi phí cho vụ lúa cũng sẽ đội lên cao."

Cùng chung cảnh thiếu nước, với diện tích lúa 3,5 ha của gia đình ông Nguyễn Văn Long, người dân ấp Mỹ Hòa, xã Long Mỹ, huyện Đất Đỏ đang ngày càng vàng vọt, kém phát triển do thiếu nước. Theo ông Long, trung bình mỗi ha lúa nếu có đầy đủ nước tưới thì người dân thu lãi gần 50 triệu đồng và 1 năm có thể làm 3 vụ lúa.

Hồ Sở Bông cạn trơ đáy.

Nhưng vài năm trờ lại đây, do thiếu nước tưới từ hồ Sở Bông dẫn về nên ông và nhiều hộ trồng lúa khác trên địa bàn xã Long Mỹ chỉ có thể làm 2 vụ, lợi nhuận trên mỗi ha lúa cũng giảm chỉ còn khoảng 30 triệu đồng do tăng chi phí khoan giếng, tiền điện phục vụ cho máy bơm nước.

Ông Đặng Thanh Hùng, cán bộ Giao thông – Thủy lợi xã Long Mỹ, huyện Đất Đỏ cho biết, hồ chứa nước Sở Bông được khởi công xây dựng từ năm 1993 và đưa vào sử dụng từ tháng 8 năm 1996. Đây là công trình cấp V, có diện tích lưu vực 2,75 km2, diện tích lòng hồ 32,15 ha, với dung tích gần 820.000 m3; diện tích phục vụ tưới theo thiết kế là 250 ha. Tuy nhiên, hiện tại lượng nước trong hồ không đủ để phục vụ tưới cho sản xuất nông nghiệp của địa phương.

Trước tình trạng này, xã Long Mỹ đã kiến nghị lên UBND huyện Đất Đỏ và ngành chức năng tìm giải pháp như khảo sát, cải tạo lại lòng hồ Sở Bông nhằm thuận lợi cho việc canh tác lúa của bà con nông dân. Tuy nhiên, địa phương cũng đã kiến nghị nhiều lần về huyện để cải tạo lòng hồ và huyện cũng đã có khảo sát nhưng đến thời điểm này vẫn chưa thực hiện.

Theo ông Đặng Văn Tư, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đất Đỏ, mặc dù hồ Sở Bông có dung tích chứa 820.000 m3 nước nhưng trong quá trình sử dụng từ năm 1996 đến nay, lòng hồ đã bị bồi lấp, khả năng tích nước giảm, gây thiếu nước tưới cho sản xuất nông nghiệp.

Chính vì vậy, để đảm bảo nguồn nước tưới nông nghiệp và phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy rừng khu vực núi Minh Đạm, huyện Đất Đỏ cũng đã có văn bản số 4040 ngày 2/8/2016 gửi UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về việc xin chủ trương nạo vét lòng hồ chứa nước Sở Bông.

Dự án này cũng đã được UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh hướng dẫn làm tất cả các thủ tục đo vẽ, thiết kế, tính toán. Nhưng hiện tại hồ sơ đang chờ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh lấy ý kiến về việc đánh giá tác động môi trường trong việc nạo vét lòng hồ, sau đó sẽ trình UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho chủ trương nạo vét.

Bài và ảnh: Hoàng Nhị (TTXVN)
Ninh Thuận cấp bách ứng phó với hạn hán
Ninh Thuận cấp bách ứng phó với hạn hán

Nắng nóng kéo dài trong hơn 3 tháng qua dẫn đến khô hạn, gây nhiều tác động tới sản xuất và sinh hoạt của nhân dân tỉnh Ninh Thuận.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN