Hiệu quả thực tế nhà phòng chống lụt, bão tại Thừa Thiên - Huế

Các trận bão lớn và lũ dữ từ tháng 9/2020 đến nay đã gây thiệt hại nặng về người và tài sản đối với người dân Thừa Thiên-Huế. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ người dân địa phương đã an toàn vượt qua thiên tai khắc nghiệt nhờ các công trình nhà ở phòng, chống lụt, bão.

Thôn Tân An (xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế) nằm ven đầm Cầu Hai, thường xuyên hứng chịu nhiều trận bão, lũ tàn phá hàng năm. Mỗi khi có thông tin về bão, lũ, người dân nơi đây phải kê cao đồ dùng gia đình rồi di dời đến nơi trú tránh tập trung.

Người phụ nữ neo đơn Phan Thị Hạnh (trú tại thôn Tân An) chia sẻ, trước kia ở nhà tạm, khi có bão, lũ, nước ngập bà phải tìm nơi tránh trú an toàn. 

Dù khó khăn nhưng con gái bà Hạnh nơi xa vẫn cố gắng góp ít vốn cùng nguồn vốn được hỗ trợ để xây dựng nơi ở mới khang trang hơn cho mẹ. Ngôi nhà bê tông chắc chắn, có gác lửng vững chãi được hoàn thiện sớm so với dự định đã kịp thời giúp bà Hạnh an toàn trong đợt mưa bão vừa qua. 

Gia đình ông Văn Đặng Ngưu, xã Lộc Bình chia sẻ: Dù đã nhiều năm làm thợ nề, xây nhiều ngôi nhà nhưng trong mơ ông vẫn chưa thể tin có ngày mình được hỗ trợ tiền xây nhà và sống trong căn nhà kiên cố, đàng hoàng như hôm nay. Căn nhà được xây với số tiền khoảng 110 triệu đồng (bao gồm vốn hỗ trợ khoảng 70 triệu đồng) theo giải pháp nhà phòng, chống lụt, bão nên rất an toàn. Trận bão lụt lịch sử vừa qua, ngôi nhà được xây móng trụ bằng bê tông cốt thép, tường gạch, có sàn vượt lũ... trở thành  “phao cứu sinh” cho gia đình ông.

Ông Văn Đặng Ngưu, bà Phan Thị Hạnh là hai trong số những hộ dân được hỗ trợ xây nhà ở phòng, chống lụt, bão tại xã Lộc Bình. 

Ông Phan Bá Chiêm, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Bình cho biết: Nằm dọc ven đầm phá, có 26 hộ nghèo, hộ neo đơn trong xã được hỗ trợ vốn xây nhà ở phòng, chống lụt, bão từ Quyết định 48/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, chống lụt, bão khu vực miền Trung và Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” (GCF). Các hộ dân này đều được trú ẩn an toàn trong những ngôi nhà mới, vững chãi với nền cứng, khung cứng và mái cứng.

Ông Phan Bá Chiêm cho biết thêm, không chỉ người dân an tâm tránh trú bão, vượt lũ mà chính quyền địa phương cũng bớt đi gánh nặng di dời dân cư mỗi khi thiên tai đến. Vì vậy, xã mong muốn dự án tiếp tục triển khai trong thời gian tới, đồng thời đối tượng thụ hưởng được mở rộng, mức hỗ trợ thay đổi phù hợp với giá vật tư, nhân công xây dựng theo biến động thị trường.

Từ khi Quyết định 48/2014/QĐ-TTg được triển khai (năm 2014), huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên - Huế) có 262 hộ được phê duyệt hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng, chống lụt, bão với tổng kinh phí trên 3,2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện, Dự án GCF cũng được triển khai lồng ghép để hỗ trợ thêm cho hộ nghèo. Qua các mùa bão lụt, 6 mẫu nhà ở phòng, chống lụt, bão được xây dựng trên địa bàn đã phát huy hiệu quả ngày càng rõ rệt. Qua các năm, số hộ nghèo hưởng ứng, đăng ký tham gia xây dựng nhà ở nói trên càng tăng lên.

Ông Trần Lê Tân Mỹ, Phó trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Phú Lộc cho hay, các đợt bão, lũ đặc biệt là bão số 5 và 9 có cường độ mạnh, ảnh hưởng lớn đối với tỉnh Thừa Thiên - Huế. Các ngôi nhà xây dựng theo mô hình phòng, chống lụt, bão ở địa phương vẫn đảm bảo được chất lượng, không bị ngập sàn vượt lũ cũng như tốc mái, bảo vệ an toàn cho nhiều hộ dân. Ngoài ra, mô hình nhà ở này còn là nơi trú ẩn, chứa tài sản, vật nuôi cho các hộ dân lân cận.

Năm 2020 là năm lịch sử cả nước chứng kiến nỗi đau của đồng bào miền Trung nói chung và người dân Thừa Thiên - Huế nói riêng khi liên tiếp hứng chịu nhiều cơn bão lớn, lũ dữ và sạt lở đất. Nhiều nơi tại Thừa Thiên - Huế vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1999, nhấn chìm hàng chục ngàn ngôi nhà, hàng chục người bị thiệt mạng và mất tích. Nhờ được hỗ trợ xây nhà phòng, chống lụt bão, 2.280 hộ nghèo địa phương đã an toàn trong đợt mưa, bão vừa qua.

Đến nay, toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phê duyệt hỗ trợ cho hơn 3.900 hộ dân vùng chịu ảnh hưởng bão, lụt xây dựng nhà ở theo Quyết định 48/2014/QĐ-TTg. Hơn 2.200 căn nhà ở phòng chống lụt bão đã được xây dựng hoàn thành; trong đó, 545 căn được lồng ghép hỗ trợ bởi Dự án GCF. Với kinh phí xây dựng hợp lý, nhà ở phòng, chống lụt, bão có kiến trúc, cảnh quan phù hợp với những hộ dân vùng ven biển, đầm phá đồng thời phát huy được hiệu quả mục đích tối ưu của nó.

Diễn biến bão lũ dọc miền Trung vẫn còn phức tạp trong thời gian tới, nguy cơ bão chồng bão, lũ chồng lũ vẫn có thể còn tiếp diễn. Vì vậy, việc xây dựng nhà ở phòng, chống lụt, bão tại Thừa Thiên - Huế là vô cùng cấp thiết. Đó chính là chiếc “phao cứu sinh” giúp người dân bảo toàn tính mạng và tài sản trước những cơn giận dữ của mẹ thiên nhiên.

Mai Trang (TTXVN)
Bão số 13 đi vào đất liền các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế và suy yếu
Bão số 13 đi vào đất liền các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế và suy yếu

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 15/11, do ảnh hưởng của bão số 13, tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã có gió mạnh cấp 9, giật cấp 11, ở đảo Cồn Cỏ có gió mạnh cấp 7, giật cấp 10; trên đất liền ven biển Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 9-10. Ở các tỉnh Trung Trung Bộ đã có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-150 mm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN